Đào tạo phổ cập kiến thức và kỹ năng ứng dụng CNTT cho cán bộ, công chức, viên chức các sở, ban, ngành trong tỉnh
Sau khi Quy hoạch được ban hành, công tác triển khai thực hiện quy hoạch của tỉnh về cơ bản đáp ứng được hoạt động quản lý nhà nuớc tại địa phương, góp phần quan trọng trong việc nâng cao vai trò quản lý Nhà nước trong lĩnh vực CNTT, đồng thời là cơ sở để tạo môi trường pháp lý thuận lợi thu hút, khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực CNTT trên địa bàn tỉnh; làm căn cứ để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp với quy hoạch chung của ngành và của tỉnh; thúc đẩy công tác ứng dụng và phát triển CNTT, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Quy hoạch đã đánh giá sát thực trạng phát triển về lĩnh vực công nghệ thông tin, xác định được lợi thế, tiềm năng của từng địa phương để bố trí triển khai và đảm bảo thống nhất đồng bộ, kế thừa từ các quy hoạch định hướng của cấp trên, các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Sau 02 năm thực hiện Quy hoạch phát triển CNTT, so với các chỉ tiêu của Quy hoạch đề ra bước đầu đã hoàn thành các nội dung trong Quy hoạch theo lộ trình thực hiện. Trong đó, việc trao đổi thông tin, gửi, nhận văn bản giữa các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể cấp huyện trở lên và với các cơ quan Trung ương được thực hiện trên môi trường mạng, được vận hành tích hợp trong khuôn khổ hệ thống thông tin quản lý văn bản và điều hành đạt tỷ lệ 70%. Công tác điều hành, xử lý, giải quyết văn bản, công việc trên môi trường mạng máy tính tại Văn phòng Tỉnh uỷ, các Ban của Đảng; Văn phòng ĐBQH và HĐND, Văn phòng UBND tỉnh, các cơ quan đoàn thể tỉnh, các sở/ngành đạt 70% và tại các huyện ủy, thành ủy, Văn phòng HĐND và UBND huyện/thành phố, các cơ quan đoàn thể huyện đạt 50%. Các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ tại các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể cấp huyện trở lên được tin học hóa, thực hiện trên môi trường mạng máy tính đạt 60%. Đặc biệt, 80% các văn bản, hồ sơ, dữ liệu, số liệu tại các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể cấp huyện trở lên được số hoá và quản lý trên mạng máy tính. 70% cán bộ, công chức tại các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể từ cấp xã trở lên sử dụng thành thạo máy tính và mạng máy tính trong công việc.
Nhìn chung, quá trình lập và triển khai thực hiện quy hoạch phát triển công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua bước đầu đã mang lại kết quả tích cực, tuy nhiên trong quá trình triển khai, thực hiện vẫn còn gặp một số khó khăn, hạn chế như: Nguồn ngân sách cho ứng dụng CNTT còn hạn chế, việc đầu tư cho ứng dụng CNTT còn dàn trải, chưa được đồng bộ nên việc triển khai thực hiện các nội dung trong quy hoạch chưa đảm bảo mục tiêu đề ra; Quy hoạch chưa dự báo được nguồn lực thực hện các nhiệm vụ đề ra. Nguồn lực phân bổ cho hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng còn hạn chế, chưa đồng bộ, dẫn đến công tác triển khai thực hiện quy hoạch chưa phát huy hết tác dụng.
Xác định rõ tầm quan trọng của việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục tăng cường công tác an toàn dữ liệu, đảm bảo dữ liệu của các ngành, các địa phương được lưu trữ đầy đủ, an toàn, đảm bảo khả năng phục hồi cho các hệ thống phần mềm hoạt động trong thời gian ngắn nhất cho phép. Nâng cấp, mở rộng, bổ sung hệ thống lưu trữ, an toàn an ninh thông tin, hệ thống máy chủ nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh; Trang bị hệ thống chống sét; Phát triển hạ tầng CNTT tại một số đơn vị cần bổ sung thiết bị nhằm thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, phát triển mô hình chính quyền điện tử của tỉnh. Triển khai các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh giúp tăng cường hiệu quả trong quản lý điều hành, giảm việc sử dụng tài liệu, văn bản giấy, tăng cường sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động cơ quan nhà nước để hoàn thành các mục tiêu Quy hoạch đề ra.
Lan Anh