Tây Ninh: Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực ngày càng tăng

Thứ năm - 24/08/2017 16:00 117 0
"Ứng dụng công nghệ thông tin trong hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trước hết là các lĩnh vực liên quan tới nhân dân như giáo dục, y tế, giao thông, điện, thủy lợi, hạ tầng đô thị lớn và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho nhân dân” là một trong những mục tiêu trong Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị (Khóa XI) và Chương trình hành động số 45-CTr/TU của Tỉnh ủy đề ra.

Với những nỗ lực không ngừng của lãnh đạo các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế xã hội, tỉnh đã thu được những kết quả ban đầu đáng khích lệ, đó là nhận thức của xã hội và các cấp lãnh đạo về vai trò, ý nghĩa quan trọng của công nghệ thông tin tăng lên đáng kể; môi trường hành lang pháp lý đã và đang được nghiên cứu xây dựng hoàn thiện; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực đang có xu hướng ngày càng tăng.

Các hệ thống thông tin điện tử chung của tỉnh đang được đầu tư xây dựng bổ sung nhiều chức năng mới đáp ứng nhu cầu truy cập của người dùng; bộ thủ tục hành chính tỉnh thường xuyên được cập nhật, nguồn dữ liệu thông tin kinh tế - xã hội, các thông tin chỉ đạo điều hành đã được tin học hóa, góp phần nâng cao chất lượng các hoạt động quản lý điều hành của Nhà nước, hỗ trợ công tác chỉ đạo và điều hành, nâng cao hiệu quả làm việc của cán bộ công chức, góp phần tích cực vào quá trình xây dựng Chính quyền điện tử tại Tây Ninh.

Sau 03 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW tại địa phương, đến nay đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

Hệ thống các trường học được kết nối internet bằng đường truyền cáp quang đạt 100%. Ngành đã xây dựng và khai thác triệt để các trang/cổng thông tin điện tử của cơ sở giáo dục các bậc học phục vụ cho công tác quản lí và dạy học. Cập nhật kịp thời đầy đủ các phần mềm và ứng dụng có hiệu quả các phần mềm đã được Bộ GDĐT triển khai trong các năm học. Cơ sở dữ liệu thống kê, nhân sự, phổ cập giáo dục của ngành được cập nhật tốt, phục vụ khai thác trực tuyến với Bộ GDĐT. Ngành GDĐT đã ứng dụng phần mềm quản lý giáo viên và quản lý điểm học sinh, sổ liên lạc điện tử bằng phần mềm VNPT – School của VNPT Tây Ninh và Smas của Viettel cho các đơn vị trực thuộc và trường học.

Nhằm từng bước hiện đại hóa bệnh viện, trung tâm Y tế thuộc tỉnh Tây Ninh, tăng cường năng lực quản lý cho bệnh viện, trung tâm y tế, ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin hiện đại vào việc quản lý, điều hành và chuyên môn hóa các nghiệp vụ, giúp nâng cao hiệu quả và đáp ứng nhu cầu của việc khám chữa bệnh ngày càng tăng của nhân dân trong khu vực ngành y tế đã được xây dựng phần mềm Quản lý bệnh viện (VNPT-HIS). Kết nối các hệ thống thông tin của các bệnh viện vào trong mạng y tế; Cung cấp trang thiết bị công nghệ thông tin cho các bệnh viện và trung tâm y tế; Xây dựng hệ thống dữ liệu đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác bảo hiểm y tế, phạm vi thực hiện bệnh viện cấp tỉnh, huyện. Đến nay, phần mềm đã đưa vào vận hành và mang lại kết quả như: Áp dụng phần mềm cho toàn bộ quy trình khám ngoại trú; phần mềm đáp ứng quy trình khám chữa bệnh nội ngoại trú đối với đối tượng BHYT cũng như đối tượng thu phí; đáp ứng được các yêu cầu trong báo cáo thanh quyết toán BHYT cũng như báo cáo ở cấp quản lý; đáp ứng được yêu cầu quản lý trong thu, chi, hoàn trả tiền viện phí. Nhìn chung, việc ứng dụng phần mềm này vào công tác quản lý, điều hành khám chữa bệnh, hiệu quả công việc của bệnh viện được nâng cao rõ rệt, giảm chi phí. Đảm bảo công tác thống kê, báo cáo chuyên môn cũng như minh bạch thông tin tài chính trong hoạt động khám và điều trị.

Hệ thống camera giám sát an ninh trật tự và trật tự an toàn giao thông đã triển khai đồng loạt trên địa bàn tỉnh, tổng cộng đã lắp đặt 90 camera giám sát an ninh, trật tự và trật tự an toàn giao thông đến nay đã lưu trữ, trích xuất được hàng trăm lượt hình ảnh các vụ trộm cắp tài sản, cướp giật và tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh. Hệ thống camera giám sát tự động phát hiện xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đã triển khai lắp đặt và đưa vào sử dụng 03 điểm camera giám sát và phát hiện lỗi vi phạm giao thông bằng hình ảnh, cụ thể: 02 điểm giám sát và phát hiện lỗi vi phạm quá tốc độ trên Quốc lộ 22B (đoạn qua khu di tích lịch sử Chiến thắng Tua Hai, thuộc xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành) và trên đường 782 (đoạn gần khu công nghiệp Đô thị- Dịch vụ Phước Đông -Bời Lời, thuộc xã Phước Đông, huyện Gò Dầu); 01 điểm giám sát và phát hiện lỗi vi phạm vượt đèn đỏ tại ngã tư giao lộ đường Nguyễn Thái Học - Lê Lợi, thành phố Tây Ninh. Kết quả từ tháng 02/2015 đến tháng 5/2017, hệ thống camera đã ghi nhận 261.204 trường hợp vi phạm (vượt đèn đỏ: 237.588 trường hợp, tốc độ: 23.616 trường hợp). Sử dụng hình ảnh vi phạm do camera ghi nhận, lực lượng Cảnh sát giao thông đã xử phạt trên 600 trường hợp, với số tiền gần 700 triệu đồng; nhắc nhở giáo dục trên 16.000 trường hợp. Việc sử dụng hệ thống camera rất có hiệu quả trong việc phát hiện phương tiện vi phạm trật tự an toàn giao thông, bước đầu góp phần nâng ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại như việc ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ quan, đơn vị còn nhiều bất cập, đầu tư không đồng bộ, hạ tầng công nghệ thông tin còn có sự chênh lệch, không thống nhất dẫn đến sợ kết nối liên thông khó khăn giữa các cơ quan, đơn vị; nhân sự có chuyên môn nghiệp vụ về công nghệ thông tin tuy đã được sự quan tâm đào tạo của các cấp, các ngành nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được, đội ngũ cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin còn thiếu, khó triển khai hoặc tiếp nhận các dự án lớn đòi hỏi phải có chuyên môn cao. Nhiều lãnh đạo các đơn vị còn chưa thấy được tầm quan trọng, chưa quyết tâm ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động điều hành và quản lý; Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin trong các đơn vị quản lý giáo dục, các cơ sở trường học đã và đang được đầu tư trang bị cho việc quản lý, dạy và học, triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế, hiệu quả đạt được chưa cao; Chưa đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; công tác cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống thiên tai và bảo trợ xã hội; Nhận thức về tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân còn hạn chế; Các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn chưa chú trọng đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin nhất là thương mại điện tử vẫn còn là lĩnh vực mới, chưa có nhiều doanh nghiệp ứng dụng hiệu quả; Chưa có đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ thông tin, chưa phát triển các khu công nghiệp công nghệ thông tin, khu công nghệ cao...Chính sách quản lý chưa điều chỉnh kịp thời so với sự phát triển bùng nổ của ứng dụng công nghệ thông tin, các cơ quan quản lý còn lúng túng khi đề ra các biện pháp, chính sách quản lý.

Để đạt được mục tiêu trong Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị (Khóa XI) và Chương trình hành động số 45-CTr/TU của Tỉnh ủy, trong thời gian tới tỉnh cần tập trung triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin theo Kiến trúc chính quyền điện tử của tỉnh. Chú trọng thực hiện kết nối, liên thông phần mềm quản lý văn bản từ cấp tỉnh, đến cấp xã; Đồng thời thực hiện kết nối liên thông với Văn phòng Chính phủ theo kế hoạch và hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính. Thực hiện liên thông các hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung trên địa bàn tỉnh; Đẩy mạnh triển khai hình thức thuê doanh nghiệp CNTT thực hiện dịch vụ thuê từng phần hoặc thuê trọn gói, bao gồm: Phần cứng, phần mềm, đường truyền,... để phát triển ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước; Tổ chức bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên trách CNTT ở các cơ quan nhà nước để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ về CNTT và việc thuê dịch vụ CNTT; tăng cường năng lực cán bộ làm công tác an toàn, an ninh thông tin trong các cơ quan nhà nước; Tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ thông tin tiếp cận các thông tin về thị trường và khách hàng trong Chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; công tác cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống thiên tai và bảo trợ xã hội.

Kiều Oanh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây