Đa dạng hóa mô hình điều trị nghiện tự nguyện, giảm dần điều trị nghiện bắt buộc tại các trung tâm

Thứ ba - 25/11/2014 00:00 33 0
Tệ nạn ma túy đã gia tăng tạo ra bất an trong đời sống xã hội, gây tác hại xấu cho sức khỏe và người nghiện, ảnh hưởng đến công cuộc xây dựng và phát triển của đất nước.

  

Việc cai nghiện ma túy có hiệu quả là vấn đề cần được quan tâm của các ngành, các cấp. Công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng là mô hình cai nghiện theo xu hướng đổi mới nhưng chưa được thực hiện tại Tây Ninh, nguyên nhân là do thiếu y, bác sĩ làm công tác cắt cơn cai nghiên, thiếu cơ sở vật chất; sự phối hợp giữa các ngành chuyên môn chưa chặt chẽ; cấp xã không có kinh phí hoạt động cai nghiên tại cộng đồng; người nghiện và gia đình chưa tự nguyện. Hoạt động quản lý, hỗ trợ người cai nghiện chủ yếu giao cho cán bộ địa phương giám sát, nhắc nhở và quản lý nơi cư trú. Thậm chí nhiều địa phương vẫn coi cai nghiện tại gia đình, cộng đồng là bước đệm tạo thủ tục đưa đi cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm mà chưa thấy hết giá trị của cai nghiện tại cộng đồng về sự tham gia của gia đình, cộng đồng, hiệu quả chi phí, môi trường thân thiện và sử dụng nguồn lực được kết nối tại địa phương. Cai nghiện tại cộng đồng còn khó khăn do không đảm bảo quy định về điều kiện cơ sở vật chất, cán bộ, chế độ chính sách hỗ trợ.

Theo số liệu của ngành Công an, tính đến ngày 31/05/2014, trên địa bàn tỉnh có 2.306 người nghiện, trong đó có 1.930 người nghiện ngoài cộng đồng, 246 người đang cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục-Lao động xã hội, 130 người nghiện tại các trại tạm giam, nhà tạm giữ. Tổng số 95/95 xã, phường, thị trấn đều có người nghiện ma túy. Đa số có độ tuổi từ 18 đến dưới 30 tuổi (1.531 người nghiện); 2.297 nam/2.306 người nghiện; 592 người có việc làm ổn định; 696 người không có việc làm và 1.019 người có việc làm nhưng không ổn định. Loại ma túy mà người nghiện thường sử dụng bao gồm thuốc phiện, cần sa, cocain, heroin, ma túy tổng hợp (chiếm đa số 1.148/2.306 người nghiện) và các loại ma túy khác…

Trong số 1.930 người nghiện ngoài cộng đồng thì có 1.488 người chưa được cai nghiện, điển hình như tại Thành phố Tây Ninh: 394 người; huyện Hòa Thành: 147 người; huyện Châu Thành: 149 người; Gò Dầu: 150 người; Trảng Bàng: 152 người; Tân Biên: 111 người; Tân Châu: 202 người; Bến Cầu: 96 người; Dương Minh Châu: 87 người. Dự báo đến năm 2020 số người nghiện ma túy tăng bình quân mỗi năm khoảng 3% với tổng 2.789 người, trong đó có 90% số người nghiện ma tuý được cai nghiện và quản lý tại gia đình và cộng đồng, người cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm Giáo dục-Lao động xã hội chiếm 10%.

Để đa dạng hóa các biện pháp và mô hình điều trị nghiện bao gồm điều trị nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, tăng dần điều trị nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, giảm dần điều trị nghiện bắt buộc tại Trung tâm Giáo dục-Lao động xã hội (điều trị nghiện bắt buộc chỉ áp dụng đối với người nghiện ma túy có hành vi ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội theo quyết định của Tòa án nhân dân) phù hợp với Đề án đổi mới công tác cai nghiện ở Việt Nam đến năm 2020 theo Quyết định số 2596/QĐ-TTg ngày 27/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ, tạo điều kiện cho người nghiện cho người nghiện dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ điều trị nghiện thích hợp tại cộng đồng, đồng thời nâng cao trách nhiệm của các ngành, các địa phương, gia đình đối với công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng, giúp người nghiện tham gia cai nghiện và phòng, chống tái nghiện, kiềm chế sự gia tăng số người nghiện mới, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Phấn đấu hoàn thành vào năm 2020, mục tiêu đề ra là 100% cán bộ chính quyền các cấp và các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức về dự phòng điều trị nghiện; 80% người dân ở độ tuổi trưởng thành hiểu biết cơ bản về nghiện ma túy, các biện pháp, mô hình dự phòng và điều trị nghiện. Nâng tỷ lệ số người nghiện được điều trị tại gia đình và cộng đồng so với số người nghiện có hồ sơ quản lý trên 70%, giảm dần người cai nghiện bắt buộc và chuyển một số cơ sở vật chất, cán bộ trung tâm xây dựng mô hình dịch vụ cai nghiện tự nguyện, hỗ trợ công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng. Nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho 90% đội ngũ cán bộ làm công tác dự phòng và điều trị nghiện, 100% cán bộ làm công tác tư vấn về dự phòng và điều trị nghiện được đào tạo và cấp chứng chỉ, 100% cán bộ y tế tại các cơ sở điều trị nghiện có đầy đủ văn bằng chứng chỉ theo quy định về điều trị nghiện. 100% người được quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú được chính quyền địa phương tiếp nhận, giúp đỡ tạo việc làm, ổn định cuộc sống tái hòa nhập cộng đồng và phòng chống tái nghiện, giảm tỷ lệ tái nghiện từ 2% đến 5%/năm trong những người quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú.

T.Giang

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây