Cai nghiện tại cộng đồng: Khó khăn và thách thức

Thứ hai - 17/11/2014 00:00 45 0
Cai nghiện ma túy dựa vào gia đình, dựa vào cộng đồng thật sự là một chủ trương tốt, đây được xem là một mô hình mang tính nhân văn, không tách rời người nghiện ra khỏi cộng đồng, xã hội.

 

 

Hiện nay, những người cai nghiện ma tuý trong các trung tâm Giáo dục Lao động xã hội không có cơ hội cọ xát với thực tế, không có cơ hội thực hành các kỹ năng dự phòng tái nghiện, có khả năng miễn nhiễm rất thấp nên khi trở về tái hoà nhập cộng đồng, gặp lại các yếu tố gợi nhớ rất dễ bị mắc nghiện trở lại.

Còn người nghiện cai nghiện tại cộng đồng sẽ được hướng dẫn các kỹ năng phòng ngừa tái nghiện, có cơ hội thực hành trong thực tế, trải nghiệm qua các va vấp, được các tư vấn viên hỗ trợ để rút ra bài học và hoàn thiện các kỹ năng dự phòng tái nghiện.

Như vậy, tầm quan trọng của việc cai nghiện tại cộng đồng và chăm sóc sau điều trị tại cộng đồng là rất lớn. Một chương trình cai nghiện dù có tốt tới đâu, cho dù là điều trị nội trú hay ngoại trú, tại các cơ sở cai nghiện tập trung hay tại cộng đồng, mà sau thời gian thời gian cai nghiện không có các chương trình chăm sóc sau điều trị, hỗ trợ người sau cai nghiện liên tục trong quá trình tái hoà nhập cộng đồng thì các kết quả đạt được trong chương trình điều trị rất khó có thể duy trì, chương trình không bền vững và không có hiệu quả.

Tuy vậy, để cai nghiện cộng đồng có thể trở thành hình thức cai nghiện chủ yếu thì còn rất nhiều khó khăn, thách thức cần phải giải quyết, cả về cơ chế chính sách và triển khai thực hiện.

Vì vậy, cần có chiến lược đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ cai nghiện tại cộng đồng một cách có hệ thống. Đồng thời cần xây dựng các chính sách thực sự khuyến khích người nghiện tự nguyện đi cai nghiện tại cộng đồng. Để cho người nghiện hiểu được ý nghĩa, lợi ích của việc đi cai nghiện và hiệu quả của cai nghiện tại cộng đồng thôi chưa đủ, các chính sách còn cần phải khuyến khích người nghiện tự nguyện đi cai nghiện, làm sao để giảm thiểu tình trạng người muốn đi cai nghiện tự nguyện lại không thể đi cai vì điều kiện về kinh tế không đủ, vì mặc cảm và định kiến xã hội...

Bên cạnh đó, cần tăng cường sự kết nối giữa các cơ sở, chương trình cai nghiện với các tổ chức cung cấp các dịch vụ hỗ trợ khác cho người nghiện trong quá trình cai nghiện và phục hồi tại trung tâm hay tại cộng đồng.

Theo Chi cục Phòng chống tệ nạn, xã hội tỉnh, hiện nay, chưa thực hiện được tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình hoặc cai nghiện ma túy tại cộng đồng do không  bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, con người và kinh phí. Tuy nhiên, Chi cục đã tham mưu xây dựng Kế hoạch tổ chức thí điểm cai nghiện tại gia đình và cộng đồng và tổng hợp các ý kiến đóng góp của các ngành. Theo dự thảo, sẽ  tập trung tiến hành khảo sát, nắm bắt tình hình người nghiện ma túy mới phát sinh trên địa bàn, tổ chức vận động, khuyến khích người nghiện ma túy tự nguyện cai nghiện tại gia đình, cộng đồng.

Thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách hỗ trợ đối với người cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng và người sau cai nghiện tại nơi cư trú. Kết hợp lồng ghép công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng và quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú với các chương trình phát triển kinh tế, an sinh xã hội, giảm nghèo, tạo việc làm và xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có ma túy, mại dâm.

Bên cạnh đó, chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân sự để tổ chức các điểm điều trị cắt cơn, giải độc, phục hồi sức khỏe cho người nghiện tại các Trạm y tế xã, phường, thị trấn được chọn thí điểm. Thành lập Tổ công tác cai nghiện ma túy và ban hành Quy chế làm việc có sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên tham gia.

Dự kiến trong tháng 11/2014, Chi cục Phòng chống tệ nạn, xã hội tỉnh tham mưu Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo về công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng trên địa bàn tỉnh. 

MN

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây