Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế (sau đây gọi tắt là điều trị thay thế) đóng vai trò quan trọng trong phòng, chống HIV/AIDS, làm giảm nhu cầu sử dụng ma túy và vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự xã hội, phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và của cả nước.
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 96/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế (sau đây gọi tắt là Nghị định số 96/2012/NĐ-CP). Các Bộ, ngành liên quan đã ban hành hướng dẫn và huy động nguồn lực để hỗ trợ địa phương triển khai thực hiện, trong đó tập trung triển khai, mở rộng điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone.
Tuy nhiên, đến ngày 15/10/2014, mới có 38/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai điều trị Methadone cho 21.613 người nghiện chất dạng thuốc phiện, đạt 27% so với mục tiêu điều trị cho 80.000 người vào cuối năm 2015, chiếm 12% số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý.
Để đẩy nhanh tiến độ điều trị thay thế trong tình hình kinh phí giảm mạnh, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương khẩn trương, nghiêm túc triển khai thực hiện điều trị thay thế theo quy định tại Nghị định số 96/2012/NĐ-CP, thực hiện có hiệu quả các nội dung liên quan tại Nghị quyết số 74/NQ-CP ngày 4/10/2014 của Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo khẩn trương rà soát, cập nhật số lượng người nghiện chất dạng thuốc phiện thực tế tại địa phương làm căn cứ lập kế hoạch thiết lập các cơ sở điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện theo quy định tại Nghị định số 96/2012/NĐ-CP.
Khẩn trương xây dựng kế hoạch, bảo đảm cân đối, lồng ghép triệt để cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và kinh phí để tổ chức triển khai kế hoạch điều trị bằng thuốc Methadone đạt chỉ tiêu được giao theo Quyết định số 1008/QĐ-TTg ngày 20/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao chỉ tiêu bệnh nhân được điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone năm 2014 và 2015; đôn đốc các cơ sở điều trị Methadone đã được thành lập đẩy nhanh việc tiếp nhận, điều trị bệnh nhân theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Chỉ đạo dẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho lãnh đạo các cấp về ý nghĩa, tầm quan trọng của điều trị thay thế; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về điều trị thay thế đến mọi tầng lớp nhân dân, ưu tiên nhóm đối tượng là người nghiện ma túy để tham gia chương trình điều trị.
Bên cạnh đó chỉ đạo Chủ tịch UBND các cấp đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhanh chóng xác nhận đơn đề nghị tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế cho người có nhu cầu; chỉ đạo các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát việc xét chọn bệnh nhân tham gia điều trị của các cơ sở điều trị thay thế theo các quy định tại Nghị định số 96/2012/NĐ-CP, bảo đảm khách quan, minh bạch, giảm thời gian chờ đợi.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Nội vụ phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan liên quan tham mưu cho UBND tỉnh trong việc bố trí, huy động nhân lực sẵn có cho các cơ sở công lập điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện, chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh việc chuyển đổi hoặc lồng ghép hoạt động điều trị thay thế tại các cơ sở cai nghiện, cơ sở xã hội thuộc thẩm quyền quản lý; thực hiện đồng bộ các hoạt động tư vấn tâm lý, nâng cao sức khỏe, giáo dục kỹ năng sống, học nghề và tư vấn nghề nghiệp, tạo việc làm phù hợp giúp bệnh nhân tham gia điều trị ổn định tâm lý, dự phòng tái nghiện ma túy.
Chỉ đạo Công an tỉnh và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội không áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người đang tham gia điều trị thay thế trong trường hợp người đó không vi phạm các quy định tại khoản 2, Điều 21 Nghị định số 96/2012/NĐ-CP.
MN