Xây dựng gia đình văn hóa “No ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc”

Thứ năm - 23/10/2014 00:00 47 0
Bất cứ ai cũng được sinh ra và lớn lên trong một gia đình. Gia đình bao gồm những người sống chung dưới một mái nhà, ăn chung một bếp, có lợi ích kinh tế chung và có trách nhiệm với nhau trong cuộc sống. Gia đình vừa là nơi đáp ứng nhu cầu riêng tư vừa thực hiện chức năng phát triển nòi giống và là trường học đầu tiên hình thành, phát triển nhân cách con. Tuy vậy, quá trình trưởng thành và hình thành nhân cách của mỗi người là khác nhau, mỗi người đều có thể học được cách kiềm chế hay biến đổi những biểu hiện cảm xúc có tính bẩm sinh của mình.

 

Ảnh minh họa

Để trở thành một người có nhân cách tốt khi trưởng người thành hoàn toàn không dễ. Không thể chủ quan khi cho rằng “cha mẹ sinh con trời sinh tính” mà câu nói “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” rất đúng đối với trẻ. Giáo dục con cái không thể chỉ bằng lời nói mà phải bằng những công việc cụ thể, mọi hành vi, thái độ, lối sống của người lớn có có tác động trực tiếp tới việc hình thành, phát triển nhân cách của trẻ. Giáo dục là dạy con lòng nhân ái, vị tha, biết yêu cái tốt, ghét thói xấu, sông trung nghĩa; có ý thức ham học hỏi, độc lập, sáng tạo trong cuộc sống. Rèn luyện và giáo dục con cái phát triển toàn diện, không phân biệt trai gái. Giúp con tự nhận thức quyền và trách nhiệm của mình đối với gia đình và xã hội; Giúp con rèn luyện và biết tự khẳng định vươn lên trong cuộc sống, tạo điều kiện tốt giúp con gái cũng như con trai được bộc lộ và phát triển tiềm năng của chính mình; nâng cao nhận thức của giá đình và xã hội đánh gía đúng năng lực, tôn trọng giá trị và vị thế của con trai con giái như nhau. Gia đình là môi trường tốt nhất giúp con phát triển toàn diện cả về tâm lý, tình cảm, nhân cách và kỹ năng lao động nghề nghiệp.

Song song với việc giáo dục, việc nuôi dưỡng và chăm sóc con cái ngay khi còn trong bào thai cho đến tuổi trưởng thành là trách nhiệm của cả cha và mẹ. Cha mẹ nên dành nhiều thời gian quan tâm, chăm lo ăn uống, dinh dưỡng và phát triển thể chất cho con; chăm sóc sức khỏe, vệ sinh, phòng và chữa bệnh, tạo điều kiện cho con các được đi học và tham gia các hoạt động xã hội; chăm lo đời sống tinh thần và tình cảm, gần gũi, yêu thương, cảm thông, chia sẻ khi con bước vào đời, đặc biệt giai đoạn tuổi vị thành niên.

Giáo dục và nuôi dưỡng là hai yếu tố then chốt quyết định tạo nên tài năng và tính cách của mỗi con người. Sự nuôi dạy con trẻ sát nhất là gia đình, tiếp đến là xóm giềng và xã hội. Nhân cách con người bắt đầu hình thành từ lúc còn nằm trong bụng mẹ cho đến khi trưởng thành vẫn chưa dừng lại. Theo truyền thống Việt Nam, đàn ông thường là chủ của gia đình. Người cha là trụ cột, là biểu hiện của nhân cách văn hóa cao đẹp nhất để con cái học tập và noi theo, còn người mẹ là chỗ dựa, là hạt nhân tâm lý chủ đạo, nguồn lửa sưởi ấm yêu thương trong gia đình, nguồn tình cảm vô tận cho các con. Cho nên gia đình là cái nôi văn hóa đầu tiên hình thành nhân cách cho trẻ em.

 Yếu tố gia đình chịu trách nhiệm đối với quá trình xã hội hóa ban đầu của cá nhân, ảnh hưởng đến việc hình thành phẩm chất, nhân cách gốc của trẻ. Nếu ngay từ đầu các phẩm chất đó bị sai lệch, trẻ sẽ dễ sinh hư. “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, câu tục ngữ mang tính giáo dục đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Sống trong các gia đình có bố mẹ hoặc người lớn khác có hành vi thiếu văn hóa, đạo đức thậm chí có cả những hành vi phạm tội, như bố mẹ bất hòa hay đánh chửi nhau, nghiện rượu, nghiện ma túy, trộm cắp, tham ô…thì những gương xấu này làm cho trẻ em dần dần coi thường pháp luật, nhiễm các thói hư tật xấu và dễ bị lôi kéo rồi dần dần vi phạm pháp luật. Chỉ có những trẻ có ý chí kiên cường, có lòng tự trọng cao, sớm đánh giá được đúng sai mới tránh được những ảnh hưởng xấu đó. Cũng có nhiều trường hợp bố mẹ là người tốt, có đủ kiến thức nhưng không chú ý đúng mức đến việc giáo dục con cái hoặc không có điều kiện gần gũi trẻ, có người ỷ lại cho nhà trường, một số mải làm ăn, kiếm sống hoặc phải đi công tác trong thời gian dài.

Ngày nay, với những biến đổi của nền kinh tế hàng hóa và cơ chế thị trường văn hóa gia đình đang có biểu hiện xuống cấp vì những tác động xấu của đời sống xã hội. Với ảnh hưởng của mặt trái nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế đã kích thích nhu cầu ham muốn vật chất, ít chú trọng đời sống tình cảm tinh thần, tình trạng xung đột gia đình dẫn đến đổ vỡ và ly hôn ngày càng gia tăng, làm cho gia đình không được bền vững. Do đó chúng ta cần đặc biệt chú trọng giải quyết vấn đề gốc rễ là giáo dục con trẻ trong gia đình.

Gia đình có vai trò quan trọng đối với sự hình thành và phát triển nhân cách mỗi con người. Nếu nhân cách của con người bao gồm hai mặt đức và tài, thì gia đình là nơi nuôi dưỡng đạo đức và gieo mầm tài năng. Xây dựng gia đình văn hóa “No ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc” là trách nhiệm của cha mẹ và các thành viên trong gia đình.

L.A

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây