Tây Ninh xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước

Thứ tư - 15/10/2014 00:00 205 0
Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước là một chiến lược lớn của Đảng trong thời kỳ phát triển mới của đất nước. Xây dựng nền văn hóa dân tộc chính là xây dựng những thế hệ con người Việt Nam với những phẩm chất, tiêu chí cụ thể, đồng thời con người Việt Nam chính là động lực để xây dựng và phát triển văn hóa, phát triển đất nước.

 

 

Trong 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Tây Ninh đã có nhiều chuyển biến tích cực, công tác quản lý nhà nước về văn hóa được tăng cường, đội ngũ làm công tác văn hóa, văn nghệ từng bước được trưởng thành; hoạt động văn hóa trong tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng.

Trong những năm qua, các cuộc vận động trong Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng được sự quan tâm của Đảng, chính quyền và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân; Phong trào đã tập hợp, đoàn kết các lực lượng, khơi dậy và phát huy được tính tích cực sáng tạo, nguồn lực của nhân dân, tạo ra sức mạnh toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Công tác gia đình được triển khai đồng bộ, đạt kết quả; mô hình phòng chống bạo lực gia đình, tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống, xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội đã được các cấp các ngành và toàn xã hội quan tâm; những nét đẹp truyền thống trong mối quan hệ ứng xử, tình cảm  giữa người và người được gìn giữ và ngày càng được nhân rộng; các giá trị truyền thống tốt đẹp về gia đình Việt Nam được gìn giữ và kế thừa; Gia đình văn hóa trở thành lực lượng nòng cốt thực hiện các phong trào thi đua, nhiều gương Gia đình văn hóa tiêu biểu trở thành các nhân tố điển hình tiên tiến ở cơ sở. Thông qua các hoạt động đã góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Hiện nay trên toàn tỉnh có 80,62% % ấp văn hóa, 94,88% gia đình văn hóa; số vụ bạo lực gia đình giảm hàng năm (số vụ năm 2005: 933 vụ; năm 2010: 562 vụ; năm 2011: 313 vụ; năm 2012: 176 vụ, năm 2013: 116vụ).

 Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản vật thể, phi vật thể được chú trọng. Hiện nay, toàn tỉnh có 83 di tích lịch sử - văn hoá được xếp hạng (gồm 01 di tích quốc gia đặc biệt, 25 di tích cấp quốc gia và 57 di tích cấp tỉnh); trong 83 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng có 72 di tích lịch sử, 04 di tích kiến trúc nghệ thuật, 06 di tích khảo cổ và 01 di tích danh lam thắng cảnh. Trong những năm qua, thực hiện việc phân cấp quản lý di tích đã góp phần tăng cường trách nhiệm của các ngành, các cấp và cộng đồng dân cư trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị di tích.

Di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh được gìn giữ và phát huy, công tác kiểm kê được tiến hành thường xuyên, một số di sản phi vật thể đạt tiêu chí theo quy định đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Tây Ninh vinh dự là 01 trong 21 tỉnh, thành phố có di sản Đờn ca tài tử Nam bộ được UNESCO công nhận di sản đại diện của nhân loại. Hiện nay, toàn tỉnh có 309 hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật, trong đó có 44 hội viên ở các Hội chuyên ngành VHNT Trung ương; có 285 đội, nhóm đờn ca tài tử, khoảng 150 đội văn nghệ quần chúng, với lực lượng văn nghệ quần chúng phong phú, đa dạng đã đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa văn nghệ của nhân dân; phục vụ tốt các sự kiện trọng đại của dân tộc, các ngày lễ lớn, nhiệm vụ chính trị của địa phương, đã và đang góp phần động viên các tầng lớp nhân dân hăng say lao động sản xuất, sẵn sàng chiến đấu, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Bên cạnh những mặt đã đạt được, trong những năm qua hoạt động văn hóa từ tỉnh đến cơ sở còn bộc lộ nhiều tồn tại và hạn chế. Các cuộc vận động của Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” chất lượng chưa cao, việc công nhận gia đình văn hóa, ấp, khu phố văn hóa chưa đúng thực chất, còn mang tính hình thức; văn hóa truyền thống gia đình dần bị phai nhạt, văn hóa ứng xử, đạo đức, lối sống của một số gia đình bị xuống cấp; ý thức bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế. Đời sống văn hóa cơ sở phong phú, nhưng tiềm ẩn nhiều yếu tố không lành mạnh, ảnh hưởng của văn hóa xấu vẫn hàng ngày tác động đến nếp sinh hoạt, nếp nghĩ của giới trẻ. Tệ nạn xã hội và vi phạm an toàn giao thông vẫn còn là vấn đề bức xúc trong xã hội. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa còn hạn chế. Đội ngũ làm công tác văn hóa từ tỉnh đến cơ sở còn hạn chế về trình độ chuyên môn;…

Để khắc phục những hạn chế trên, trong thời gian tới Tây Ninh tiếp tục đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đi vào chiều sâu, gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới. Từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn. Ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội, giảm dần phạm pháp hình sự, tệ nạn xã hội. Tây Ninh phấn đấu đến năm 2020 đạt một số chỉ tiêu cơ bản sau: 100% trung tâm văn hóa huyện, thành phố hoạt động có hiệu quả; 100% số huyện, thành phố có thư viện; 90% trở lên số xã, thị trấn có trung tâm văn hóa, thể thao và học tập cộng đồng; 60% trở lên số ấp có nhà văn hoá,.. Tiếp tục vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể thao gương Bác Hồ vĩ đại”, đẩy mạnh các hoạt động thể thao quần chúng, tăng cường công tác giáo dục thể chất và thể thao trong trường học, gắn giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng sống, góp phần nâng cao sức khỏe, tầm vóc con người Tây Ninh, phát triển toàn diện về trí tuệ và thể chất đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tiếp tục triển khai thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam trên địa bàn  tỉnh Tây Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; trong đó tập trung vào công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cấp, các ngành, gia đình và cộng đồng về vị trí, vai trò, trách nhiệm của gia đình, cộng đồng trong việc thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình; kế thừa, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Phấn đấu đến năm 2015 đạt trên 85% và đến năm 2020 đạt trên 90% số hộ gia đình được tiếp cận thông tin về Phòng, chống bạo lực gia đình. Xây dựng kế hoạch phát triển văn hóa hàng năm gắn với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tập trung tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ hướng về cơ sở, từng bước thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn.

Để tăng cường công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trên địa bàn Tây Ninh thì các ngành  liên quan cần phải phối hợp chặt chẽ với để việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra đạt nhiều kết quả trong quá trình thực hiện.

                                                                                                    Kim Hà

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây