Phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong quá trình hội nhập

Thứ năm - 02/10/2014 00:00 142 0
Trong xu thế hội nhập hiện nay, đã mở ra nhiều cơ hội cho các quốc gia, các dân tộc có các điều kiện giao lưu, học tập để để cùng nhau phát triển. Bên cạnh đó, nó cũng mang đến cho chúng ta không ít nguy cơ, thách thức mới, đặc biệt là việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy các giá trị truyền thống văn hóa của con người Việt Nam trong môi trường mở rộng giao lưu và hội nhập quốc tế. Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI của Đảng ta về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” tiếp tục khẳng định vai trò của văn hóa trong đời sống xã hội và trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

 

 

Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI ra đời được kế thừa từ những thành tựu của 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Trong đó, Nghị quyết lần này đã tiếp tục khẳng định vai trò của văn hóa trong hội nhập quốc tế và đời sống xã hội nhằm hướng đến các mục tiêu sau:

Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật, đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước.

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người Việt Nam hoàn thiện nhân cách.

Hoàn thiện thể chế, chế định pháp lý và thiết chế văn hóa bảo đảm xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam.

Từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền và các giai tầng xã hội. Ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội. 

Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI lần này nêu rõ, trước tiên là phải xây dựng chiến lược con người vì con người là trung tâm phát triển văn hóa, con người tham gia xây dựng và làm phong phú thêm nền văn hóa và chính văn hóa lại là nhân tố làm hoàn thiện nhân cách của mỗi con người. Văn hóa con người Việt Nam sẽ là sự kết tinh của nền văn hóa Việt Nam qua các thế hệ và họ chính là người thể hiện đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc, trực tiếp tham gia giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Trong quá trình hội nhập, việc giao lưu văn hóa với các quốc gia trên thế giới là nhu cầu, đòi hỏi tất yếu của quá trình phát triển. Tuy nhiên, trong quá trình giao lưu chúng ta cần phải biết cách chọn lọc, tiếp thu, học hỏi nhưng giá trị văn hóa tiến bộ, tinh hoa văn hóa của nhân loại, loại bỏ những cái không phù hợp với thuần phong mỹ tục, với các chuẩn mực đạo đức của con người Việt Nam nhằm bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống văn hóa dân tộc. Trong hội nhập, việc giữ gìn và bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc là quan trọng, song giữ gìn bản sắc không phải là một hiện tượng cố hữu, bất biến. Giữ gìn bản sắc cũng phải trên cơ sở vừa thừa kế, vừa không ngừng tiếp thu tinh hoa của văn hóa nhân loại để làm sâu sắc thêm những giá trị văn hóa truyền thống, góp phần củng cố và làm phong phú hơn nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc nước nhà.

Đối với những người làm công tác văn hóa, nhất là những người chịu trách nhiệm về giao lưu văn hóa cần phải hiểu sâu sắc hơn, thấm nhuần hơn tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ của nền văn hóa nước nhà. Để trong quá trình hội nhập quốc tế họ sẽ trở thành những lực lượng xung kích trên các mặt trận kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Do vậy, việc xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa là hết sức quan trọng. Đây cũng là một trong những nội dung cấp thiết cần quan tâm khi triển khai thực hiện Nghị quyết.

Cần tăng cường công tác gặp gỡ, giao lưu văn hóa với cộng đồng người Việt Nam sinh sống tại nước ngoài nhằm khơi dậy được lòng tự hào, tự tôn dân tộc cho kiều bào sinh sống ở khắp năm châu, họ sẽ trở thành những người mang đặc trưng văn hóa Việt Nam đến với thế giới. Và đó cũng là nguồn lực quan trọng đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển lâu dài của đất nước.

Cần tạo ra một môi trường pháp lý thuận lợi kích thích năng lực sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, của các nhà doanh nghiệp góp phần xây dựng và phát triển những thành tựu văn hóa mới, cả văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần, văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể, khẳng định bản lĩnh và bản sắc văn hóa Việt Nam trong giao lưu và hợp tác quốc tế.

Để có thể xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong xu thế hội nhập, mỗi chúng ta hãy tự giác rèn luyện, trau dồi văn hóa dân tộc kết hợp với tinh hoa văn hóa thời đại, nhanh nhạy trong nhận thức, chuyển biến kịp thời về tư duy, nhất là tư duy văn hóa, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI đã đề ra.

Cát Tường

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây