Đi tìm cội nguồn dân tộc Tà Mun

Thứ năm - 18/04/2013 00:00 150 0
Trong số 54 dân tộc Việt Nam hiện chưa có tên của dân tộc Tà Mun. Việc tìm cội nguồn cho người Tà Mun đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Mới đây, một đoàn sinh viên Khoa Văn học ngôn ngữ - Trường đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP. Hồ Chí Minh đã đến Tây Ninh khảo sát, tìm hiểu về ngôn ngữ dân tộc Tà Mun.

 

Nhóm sinh viên đang tiến hành việc khảo sát điền dã

Để thực hiện chuyến khảo sát điền dã ngôn ngữ học tiếng Tà Mun, đoàn sinh viên gồm 74 người đã chia làm 2 nhóm đến xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu và xã Ninh Thạnh, thị xã Tây Ninh cùng sống, cùng sinh hoạt chung với người Tà Mun để điều tra, khảo sát, thống kê ngôn ngữ nói của người Tà Mun, qua đó ghi âm, phân tích từ vựng, ngữ nghĩa và ngữ pháp của loại ngôn ngữ đặc trưng này. Cùng đi với đoàn có các giảng viên làm nhiệm vụ hướng dẫn sinh viên. Tiến sĩ Huỳnh Thị Hồng Hạnh- Phó trưởng Khoa Văn học ngôn ngữ của Trường cho biết: “Chúng tôi đã hoàn thành cuốn sổ điều tra tiếng Tà Mun với hàng ngàn từ vựng, ngữ nghĩa và hàng trăm câu ngữ pháp. Các em sinh viên còn tìm hiểu, nghiên cứu về họ tên, văn hoá, phong tục tập quán của người Tà Mun, đem so sánh, đối chiếu với văn hoá, phong tục tập quán của một số dân tộc khác như Stieng, Khmer… Qua đó, sẽ phân tích, nghiên cứu để xác định rõ ngôn ngữ người Tà Mun. Ngôn ngữ cũng là một trong những yếu tố quan trọng xác định thành phần dân tộc”.

 Tây Ninh hiện có hơn 1.700 người Tà Mun sống rải rác ở các xã Ninh Thạnh (Thị xã), Suối Đá (huyện Dương Minh Châu), Tân Thành (huyện Tân Châu). Một số tỉnh khác cũng có người Tà Mun sinh sống như Bình Phước,  Bình Dương. Như trên đã nói, người Tà Mun hiện không có tên trong 54 dân tộc Việt Nam. Điều này đã gây thiệt thòi cho cuộc sống của bà con người Tà Mun cũng như gây khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước. Ông Lê Minh Trí- Chủ tịch UBND xã Ninh Thạnh nói: “Trong việc kê khai giấy tờ như giấy khai sinh, giấy chứng minh nhân dân, làm thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em người Tà Mun, chúng tôi không biết ghi thế nào cho phù hợp, nếu ghi là dân tộc Tà Mun thì không có trong 54 thành phần dân tộc Việt Nam, còn ghi là dân tộc Stieng thì bà con không chịu. Vì vậy, chúng tôi vẫn kê khai là dân tộc Tà Mun nhưng trong một số giấy tờ thiết yếu đành phải ghi là dân tộc Stieng. Điều đó chưa tạo được sự thống nhất”.

Đồng bào người Tà Mun luôn mong mỏi được công nhận là một dân tộc riêng biệt như bao dân tộc anh em khác của Việt Nam. Họ cho rằng cha ông họ là người Tà Mun thì con cháu sau này cũng là người Tà Mun chứ không thể là dân tộc nào khác. Tuy nhiên, để được xác nhận là một thành phần dân tộc riêng biệt- dân tộc thứ 55 của Việt Nam thì phải qua nhiều bước thực hiện, phải được khảo sát, xem xét trên nhiều phương diện. Tiến sĩ Huỳnh Thị Hồng Hạnh cho biết thêm: Việc tìm cội nguồn người Tà Mun đã và đang được nhiều đơn vị thực hiện, tuy nhiên công việc này chỉ đang ở mức riêng lẻ, độc lập, chưa có sự phối hợp giữa các chuyên gia nghiên cứu với chính quyền và ngành hữu quan. Trường đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn có nhiều nhà nghiên cứu ở các lĩnh vực ngôn ngữ, văn hoá, lịch sử, có đội ngũ sinh viên đông đảo. Các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước cần có sự phối hợp với Trường để nghiên cứu và đưa ra kết quả cuối cùng. Khi đó, dù kết quả xác định Tà Mun là một thành phần dân tộc hay chỉ là một nhánh nhỏ trong một dân tộc nào đó, thì cũng có được câu trả lời thích đáng cho người Tà Mun. Nếu không thực hiện sớm, thì sau này, tiếng nói, phong tục tập quán của họ sẽ bị mai một do quá trình hoà nhập với các dân tộc khác. Khi đó, có muốn xác định thành phần dân tộc của người Tà Mun cũng khó có được kết quả đúng đắn.

Theo BTNO

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây