Theo Quyết định số 2596/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới công tác cai nghiện ở Việt Nam đến năm 2020 đã nhấn mạnh quan điểm thực hiện đa dạng hóa các biện pháp và mô hình điều trị bao gồm điều trị tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và điều trị bắt buộc tại trung tâm theo hướng tăng dần, tiến tới điều trị tại cộng đồng là chủ yếu, giảm dần điều trị bắt buộc tại trung tâm. Theo Đề án, nếu cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, người nghiện được hướng dẫn các kỹ năng phòng ngừa tái nghiện, có cơ hội thực hành trong thực tế, trải nghiệm qua các va vấp, được các tư vấn viên hỗ trợ để rút ra bài học và hoàn thiện các kỹ năng dự phòng tái nghiện. Tất cả những điều này chỉ có thể đạt được trong môi trường thực tế tại cộng đồng. Trên thực tế, nhiều người nghiện sau khi cai nghiện tại các trung tâm sức khoẻ đã hồi phục rất tốt, có người tăng cân và thực sự rất quyết tâm cai nghiện, tuy nhiên, trong số những người trở về hòa nhập với gia đình, cộng đồng thì lại có đa số tái nghiện chỉ sau một thời gian ngắn. Nguyên nhân là trong quá trình điều trị tại các trung tâm, những người cai nghiện ma túy trong các trung tâm không có cơ hội cọ xát với thực tế, không có cơ hội để thực hành các kỹ năng phòng ngừa tái nghiện, khả năng miễn nhiễm rất thấp, mặt khác, khi bị va vấp không có người hỗ trợ để rút ra bài học kinh nghiệm, để điều chỉnh kịp thời tránh bị trượt từ tái sử dụng tới tái nghiện hoàn toàn, vì vậy, khi tái hòa nhập cộng đồng, gặp lại các yếu tố gợi nhớ nên họ rất dễ bị mắc nghiện trở lại.
Công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng là mô hình cai nghiện theo xu hướng đổi mới nhưng chưa được thực hiện tại Tây Ninh, vì tầm quan trọng của việc cai nghiện tại cộng đồng và chăm sóc sau điều trị tại cộng đồng là rất lớn. Nếu sau thời gian cai nghiện mà không có các chương trình chăm sóc sau điều trị, hỗ trợ người cai nghiện liên tục trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng thì kết quả đạt được trong chương trình điều trị rất khó có thể duy trì, dẫn đến việc chương trình không bền vững và không có hiệu quả. Tuy vậy, để cai nghiện cộng đồng có thể trở thành hình thức cai nghiện chủ yếu, trước hết là cơ chế chính sách và triển khai thực hiện các chiến lược đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ cai nghiện tại cộng đồng một cách có hệ thống. Hiện nay, đội ngũ cán bộ này không có hoặc chủ yếu là kiêm nhiệm và làm việc chủ yếu bằng cái tâm, bằng tấm lòng đối với người nghiện nhưng còn rất yếu về nghiệp vụ, hầu hết chưa được đào tạo về điều trị nghiện ma túy, đặc biệt là các kiến thức và kỹ năng về tư vấn điều trị nghiện. Mặt khác, để cho người nghiện hiểu được ý nghĩa, lợi ích của việc đi cai nghiện và hiệu quả của cai nghiện tại cộng đồng. Bên cạnh đó, cần tăng cường sự kết nối giữa cơ sở, chương trình cai nghiện với các tổ chức cung cấp các dịch vụ hỗ trợ khác cho người nghiện trong quá trình cai nghiện và phục hồi tại trung tâm hay cộng đồng. Tuy nhiên, trên thực tế không có một cơ sở cai nghiện nào có thể đáp ứng được tất cả các dịch vụ vì nhu cầu của người nghiện thường đa dạng và không ổn định.
Chính vì vậy, sau khi Nghị định 94/2010/NÐ-CP ngày 09/9/2010 của Chính phủ quy định về cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng có hiệu lực thi hành, tỉnh Tây Ninh đã ban hành các kế hoạch thực hiện về các nội dung liên quan để triển khai thực hiện trên địa bàn, như: Kế hoạch 540/KH-UBND ngày 24/3/2011 về việc thực hiện Nghị định 94/2009/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý sau cai nghiện ma túy và Nghị định 94/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng; triển khai Thông tư liên tịch số 03/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BCA ngày 10/02/2012 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Công an quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 94/2010/NĐ-CP ngày 09/9/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng cho cán bộ lãnh đạo ban, ngành các cấp… Mặc dù vậy, khi áp dụng vào thực tiễn lại gặp không ít khó khăn, như: điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ không đủ đáp ứng để thực hiện công tác cắt cơn, không có phương pháp hỗ trợ tâm lý cho người sau cai nghiện tại phường, xã, thị trấn; sự phối hợp giữa các ngành chuyên môn chưa chặt chẽ; cấp xã không có kinh phí hoạt động cai nghiện tại cộng đồng; người nghiện và gia đình chưa tự nguyện, chưa thấy hết giá trị của cai nghiện tại cộng đồng và sự tham gia của gia đình; công tác tuyên truyền dù đã được thực hiện nhưng sự kỳ thị và định kiến của cộng đồng vẫn còn, nhất là rất ít người tự nguyện khai báo tình trạng nghiện các chất ma túy tại cộng đồng, thậm chí, nhiều thân nhân người nghiện và chính người nghiện "ngại" đăng ký tình trạng của mình dẫn đến công tác quản lý tại địa phương gặp khó khăn; hoạt động quản lý, hỗ trợ người cai nghiện chủ yếu giao cho cán bộ địa phương giám sát, nhắc nhở và quản lý nơi cư trú....
Để công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng trong thời gian tới đạt hiệu quả, các ngành, các cấp cần tăng cường hơn nữa công tác truyền thông, chọn lọc về nội dung cũng như nhóm đối tượng để truyền tải đến cho người dân, người nghiện hiểu. Khi tuyên truyền thì cần chia thành các nhóm nhỏ để tuyên truyền tới từng đối tượng và theo cách nhân rộng từ thấp đến cao, phòng ngừa là chính. Nội dung tuyên truyền cần nhấn mạnh việc khai báo tình trạng nghiện và đăng ký hình thức cai nghiện tự nguyện không thuộc diện đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc để người nghiện yên tâm và hưởng ứng thực hiện. Ðồng thời, trao đổi kinh nghiệm giữa những người cai nghiện thành công với cộng đồng để từ đó khiến những người nghiện tin tưởng, tự nguyện khai báo tình trạng của mình và đăng ký các hình thức điều trị. Cần tuyên truyền sâu rộng để cộng đồng thay đổi cách suy nghĩ không kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nghiện và thân nhân của họ để người nghiện có cơ hội hòa nhập với cộng đồng, như vậy họ mới nhanh chóng thoát khỏi sự lệ thuộc vào ma túy.
Chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân sự ( đặc biệt là đầu tư thêm trang thiết bị y tế, bổ sung biên chế; tập huấn nghiệp vụ, chuyên môn điều trị cắt cơn cho cán bộ y tế các phường, thị trấn triển khai thí điểm) để tổ chức các điểm điều trị cắt cơn, giải độc, phục hồi sức khỏe cho người nghiện tại các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn, giao thêm chức năng tổ chức điều trị cai nghiện ma túy cho các trạm Y tế các xã, phường, thị trấn triển khai thí điểm mô hình. Thành lập Tổ công tác cai nghiện ma túy và ban hành Quy chế làm việc có sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên tham gia. Hướng dẫn nghiệp vụ Đội Công tác xã hội tình nguyện đi vào hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ quy định. Đồng thời tiến hành khảo sát, nắm bắt tình hình người nghiện ma túy mới phát sinh trên địa bàn, thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách hỗ trợ đối với người cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng và người sau cai nghiện tại nơi cư trú. Kết hợp lồng ghép công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng và quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú với các chương trình phát triển kinh tế, an sinh xã hội, giảm nghèo, tạo việc làm và xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không tệ nạn có ma túy, mại dâm.
Hơn nữa, để giải quyết những khó khăn khi triển khai cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng, trước hết các nhân viên, cán bộ chuyên trách tại cơ sở phải tự nâng cao trình độ, trang bị kiến thức, kỹ năng để có thể đáp ứng nhu cầu của người nghiện. Các địa phương cũng cần chú trọng triển khai và thực hiện có hiệu quả đề án "dạy nghề, hỗ trợ việc làm cho người đang cai và sau cai nghiện" nhằm giúp họ có việc làm ổn định, hòa nhập cộng đồng và hạn chế nguy cơ tái nghiện.
T.Giang