Đẩy mạnh ứng dụng giống mới và thâm canh để tăng năng suất cây công nghiệp

Thứ hai - 26/09/2016 09:00 49 0
Đẩy mạnh ứng dụng giống mới, đầu tư thâm canh cho cây trồng, sử dụng hợp lý phân bón và phát triển nhanh hệ thống tưới, gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, hiệu quả sản xuất... là những khâu mang tính quyết định trong sản xuất cây công nghiệp, đang được Tây Ninh chú trọng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đối với giống mía, vừa qua tỉnh chỉ đạo Sở phối hợp với các nhà máy cùng hộ nông dân trồng mía năng suất cao xây dựng quy trình kỹ thuật để hướng dẫn người sản xuất sử dụng giống tốt, sạch bệnh như KK13, LK92 -11, K99-72, KPS01-25...

Những giống mía này đã được khảo nghiệm và đưa ra trồng trên nhiều vùng đất của tỉnh cho năng suất cao, chất lượng mía tốt, lưu gốc được nhiều năm, chịu hạn tốt. Bên cạnh đó, cây mía còn được đầu tư thâm canh theo hướng bền vững, tăng cường lượng phân hữu cơ, cày sâu, cày không lật. Các công ty, nhà máy đường đã thực hiện việc phân tích đất và đưa ra khuyến cáo công thức bón phân phù hợp cho từng vùng nguyên liệu để cây mía phát triển tốt nhất, chất lượng cao nhất.

Đối với cây mì, công tác nghiên cứu, chọn giống mới, sạch bệnh, thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng Tây Ninh để cho năng suất và hàm lượng tinh bột cao luôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện. Hiện trên địa bàn tỉnh đang chuyển đổi sang các giống thích hợp chế biến công nghiệp như KM60, KM94, KM95, SM937-26... Ngoài ra, còn có một số giống mới đang được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu khoai mì Hưng Lộc khảo nghiệm như HLS11 (năng suất đạt 55 tấn/ha, hàm lượng bột đạt 29% và giống HLS505 (năng suất 40 tấn/ha, hàm lượng bột 33%).

Riêng cây cao su, thời gian qua, tỉnh khuyến cáo sử dụng cơ cấu giống của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, trong đó tập trung chủ yếu các giống RRIV 1, RRIV 4, RRIV 124, PB 255... Hiện nay, các giống này đang được trồng khá phổ biến ở Tây Ninh- chiếm khoảng 78% diện tích cao su toàn tỉnh.

Đặc điểm của các loại giống này là sinh trưởng khoẻ, kháng bệnh tốt, hạn chế gãy đổ, cho sản lượng sớm, chất lượng cao, năng suất đạt từ 1,5 -2 tấn/ha từ năm khai thác thứ 4 và khá ổn định. Ngoài ra, Tây Ninh cũng đã áp dụng nhiều tiến bộ trong trồng và khai thác cao su như: sử dụng máng chắn mủ cao su, quy hoạch bảng cạo, kích thích mủ bằng Ethylen- Gastech; phun thuốc phòng trị bệnh phấn trắng trên vườn cây; tưới bằng phương pháp tiết kiệm nước, tưới phun cục bộ (khoảng 1.250 ha).

Trong năm 2016, để chủ động triển khai các hoạt động ứng phó với tình trạng hạn, thiếu hụt nguồn nước sản xuất, tỉnh đã chỉ đạo kiểm tra chặt chẽ diện tích sử dụng nước bằng các biện pháp như vận động nông dân chuyển đổi cây trồng; xây dựng phương án cấp nước tưới luân phiên; chặn kênh tiêu; duy tu sửa chữa kênh mương đầu vụ... Đồng thời chuyển đổi một số diện tích lúa gò vụ Đông Xuân 2015- 2016 sang cây trồng khác để không bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu nước. Đến nay đã có hơn 1.639 ha lúa chuyển sang trồng mì (hơn 990 ha), trồng mía (hơn 30 ha), đậu các loại và thuốc lá vàng.

Ngoài ra, Nhà nước còn hỗ trợ cây giống, phân bón cũng như trang bị những kiến thức cơ bản về kỹ thuật để giúp nông dân nâng cao trình độ sản xuất, vận dụng có hiệu quả vào thực tiễn tại địa phương, góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm và tăng thu nhập.

Theo BTNO

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây