Công tác tuyên truyền tập trung vào các đối tượng như những người có nguy cơ cao mắc nghiện cao, đặc biệt là thanh niên, học sinh, sinh viên, người nghiện và gia đình họ, người sau cai nghiện, người điều trị thay thế bằng Methadone. Công tác tuyên truyền phải có sự đổi mới hình thức và nội dung phù hợp với phong tục, tập quán ở từng địa phương, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người để có hiệu quả thiết thực và huy động được sự tham gia của các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực của người cai nghiện, những người sau cai tham gia công tác tuyên truyền.
Cụ thể, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội đề nghị Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố chủ trì phối hợp với cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật về phòng, chống ma túy. Phối hợp với các ngành, đoàn thể phát động phong trào toàn dân phát hiện, vận động người nghiện ma túy và gia đình họ tự khai báo, đăng ký hình thức cai nghiện phù hợp; giúp đỡ, chăm sóc người cai nghiện và giải quyết các vấn đề xã hội sau cai. Đẩy mạnh công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng cho những người mới nghiện ma túy, tổ chức các hoạt động tư vấn, dạy nghề, vay vốn tạo việc làm cho người sau cai nghiện tại các xã, phường, thị trấn để giúp họ có thu nhập ổn định, tái hòa nhập cộng đồng. Nâng cao nhận thức của xã hội, cai nghiện ma túy là công việc rất khó khăn nhưng với quyết tâm, nghị lực của bản thân người cai nghiện, sự giúp đỡ của gia đình, có sự chung tay hỗ trợ tích cực, thiết thực của cộng đồng thì người nghiện có thể phục hồi, đoạn tuyệt với ma túy.
Đẩy nhanh việc xây dựng, nhân rộng mô hình Đội công tác xã hội tình nguyện tại xã, phường, thị trấn. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực đối với tình nguyện viên về công tác tuyên truyền, giáo dục, tư vấn, tiếp cận, cảm hóa, hỗ trợ người nghiện ma túy cai nghiện, vay vốn, tạo việc làm tái hòa nhập cộng đồng; xây dựng và nhân rộng phong trào mỗi tình nguyện viên giúp đỡ một người nghiện ma túy cai nghiện, tái hòa nhập cộng đồng.
Phối hợp với các ngành Công an, Y tế, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Thông tin - Truyền thông và các đoàn thể tổ chức mít tinh phòng, chống ma túy, xây dựng pano, áp phích, tiểu phẩm tuyên truyền các biện pháp phòng ngừa, giảm hại trong điều trị nghiện ma túy, cai nghiện phục hồi; Phối hợp công tác xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn xã hội gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư". Phối hợp với cơ quan báo chí ở địa phương xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề tuyên truyền về nguy cơ, tác hại của tệ nạn nghiện ma túy, đặc biệt là nghiện ma túy tổng hợp, các chất tân dược gây nghiện, chủ trương đổi mới công tác cai nghiện ma túy và mở rộng mô hình điều trị thay thế bằng thuốc Methadon, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của xã hội về tệ nạn này. Phản ánh, biểu dương, nhân rộng mô hình, điển hình trong công tác cai nghiện phục hồi, quản lý sau cai nghiện, Đội công tác xã hội tình nguyện xã, phường, thị trấn giúp đỡ người cai nghiện, người sau cai, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, học nghề, vay vốn, tạo việc làm, tái hòa nhập cộng đồng có hiệu quả.
Mặt khác, Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố cần đa dạng hóa hoạt động của các Trung tâm Chữa bệnh- Giáo dục- Lao động xã hội, chỉ đạo các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội, Trung tâm quản lý sau cai nghiện tổ chức các chương trình thi tìm hiểu pháp luật phòng chống ma túy, tuyên truyền, giáo dục, tư vấn, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cho cán bộ, học viên trong Trung tâm và từng bước chuyển đổi Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội thành nơi cung cấp các dịch vụ tư vấn, điều trị, cai nghiện thân thiện, hiệu quả.
MN