Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Tây Ninh: Góp phần tạo việc làm cho người lao động.

Thứ năm - 11/07/2013 00:00 35 0
Tạo việc làm mới, việc làm ổn định cho nông dân là mục tiêu cụ thể, có ý nghĩa lớn nhằm tác động đến đời sống kinh tế- xã hội, làm thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng tích cực. Những năm qua, Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) Tây Ninh đã phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), cùng các ngành, đoàn thể có liên quan đã triển khai thực hiện chương trình cho vay giải quyết việc làm, bước đầu mang lại hiệu quả góp phần kéo giảm tỷ lệ thất nghiệp tại địa phương.

Là đơn vị được giao chức năng quản lý, cho vay và thu hồi vốn của Chương trình cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm, nhiều năm qua, NHCSXH đã phối hợp với Sở LĐTBX quản lý, bám sát chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để phân khai vốn vay kịp thời, phục vụ tốt cho cơ sở giải quyết việc làm. Trong năm 2011, 2012 và 6 tháng đầu năm 2013, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã giải quyết cho vay 862 dự án, tạo việc làm cho 5.821 lao động, với số tiền là 172,7 tỷ đồng (cụ thể từng năm: 2011 cho vay 354 dự án, tạo việc làm cho 2.741 lao động, với số tiền là 78,8 tỷ đồng; năm 2012 cho vay 265 dự án, tạo việc làm cho 2.553 lao động, với số tiền là 82,9 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2013 cho vay 243 dự án, tạo việc làm cho 527 lao động, với số tiền là 12 tỷ đồng). Hàng năm vốn vay đã thu hút và tạo việc làm cho hàng ngàn lao động, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Nhờ sự chỉ đạo kịp thời của UBND các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, đoàn thể nên đã phát huy được hiệu quả đồng vốn, nhiều mô hình sản xuất kinh doanh mới phù hợp với vùng nông thôn, thu hút nhiều lao động, đặc biệt là giải quyết nhiều lao động nông nhàn. Vốn vay giúp khôi phục và phát triển nhiều làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống, giúp hộ vay phát triển kinh tế gia đình, phát triển chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản.

 

Chương trình cho vay giải quyết việc làm đã tạo ra được nhiều việc làm cho xã hội, khôi phục các ngành nghề truyền thống, đã hỗ trợ vốn cho các cơ sở sản xuất kinh doanh và hộ gia đình mở rộng sản xuất, thu hút nhiều lao động, nhất là lao động bị chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, lao động nữ, lao động là người tàn tật, góp phần vào việc giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập cải thiện đời sống  cho người lao động. Chương trình cho vay giải quyết việc làm còn góp phần làm thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá ở nông thôn, đã làm thay đổi nhận thức của một bộ phận nhân dân vốn quen với sản xuất nhỏ lẻ chưa bắt kịp với phương thức sản xuất lớn. Đã xuất hiện nhiều điển hình làm kinh tế giỏi, không chỉ ở khu vực thành thị mà còn ở khu vực nông thôn, vùng khó khăn, hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Hiệu quả từ chương trình cho vay giải quyết việc làm đã được cấp uỷ, chính quyền và nhân dân đánh giá cao và đồng tình ủng hộ. Tuy vậy, trong quá trình thực hiện vẫn còn những khó khăn nhất định cần tháo gỡ trong thời gian tới. Nguồn vốn cho vay hộ nghèo, cho vay học sinh sinh viên không ngừng tăng cao thì chương trình giải quyết việc làm vẫn giữ mức tăng trưởng rất thấp, qua từng năm nguồn vốn mà NHCSXH Việt Nam thông báo cho Chi nhánh chỉ đáp ứng được một phần của nhu cầu đề ra, do vậy cần phải huy động thêm nhiều nguồn lực tại địa phương. Nhưng việc huy động nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm tại địa phương bình quân mỗi năm chỉ bổ sung thêm được khoảng 2 tỷ đồng, nên chưa đáp ứng được nhu cầu vốn để tạo việc làm mới cho người lao động. Mức cho vay trên một hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh còn thấp. Cơ chế cho vay chưa thật sự linh hoạt bằng các chương trình tín dụng khác, làm hạn chế tính chủ động của cơ sở trong quá trình cho vay quay vòng vốn.

Để giải quyết những khó khăn trên, trước mắt Chi nhánh NHCSXH phối hợp cùng Sở LĐTBXH thực hiện tốt mục tiêu giải quyết việc làm cho người lao động như tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền việc xuất khẩu lao động sang một số nước như Malaysia, Hàn quốc, các nước Trung Đông… Hỗ trợ vốn vay cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, người lao động để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, mở rộng kinh doanh.  Khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn tiếp tục tuyển dụng lao động vào làm việc dài hạn.

Thực hiện tốt các chương trình phát triển kinh tế- xã hội, nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo, từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động để tạo điều kiện cho người lao động có việc làm, nâng cao thu nhập. Đồng thời tăng cường công tác thông tin thị trường lao động và phổ biến pháp luật lao động để người lao động và người sử dụng lao động hiểu rõ các chế độ chính sách của Nhà nước, chấp hành nghiêm pháp luật về lao động. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền giáo dục cho người lao động, để người lao động không chỉ giỏi tay nghề mà còn có tác phong làm việc công nghiệp. Đổi mới việc thực hiện các dự án hỗ trợ vốn vay giải quyết việc làm.

Xoá đói giảm nghèo và giải quyết việc làm là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị, để đạt được mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX đề ra, tỉnh ta đang tập trung mọi nguồn lực ưu tiên đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn, xã nghèo, hộ nghèo. Ưu tiên cung cấp tín dụng ưu đãi kịp thời cho tất cả hộ nghèo có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn sản xuất kinh doanh với lãi suất thấp, không phải thế chấp để phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất giỏi, thu hút sự ủng hộ của các thành phần kinh tế, các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương để tạo thêm nguồn lực, thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ thất nghiệp mà nghị quyết đã đề ra.

Nhật Quang

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây