Có đường giao thông nội đồng, nông dân ấp Bình Phú, xã Bình Thạnh ra ruộng rất thuận tiện |
Anh Nguyễn Văn Sáu, 45 tuổi, vui vẻ cho biết, anh đã làm ruộng trên cánh đồng khu vực phía Bắc ấp Bình Phú từ hơn 10 năm rồi. Ruộng của anh cách đường giao thông khoảng 200 mét nhưng mỗi lần vận chuyển phân bón gặp nhiều khó khăn và đến khi thu hoạch lúa cũng không có đường vận chuyển ra. Đầu năm 2013, khi lãnh đạo địa phương vận động làm đường GTNĐ, anh hết sức vui mừng và sẵn sàng đóng góp 1.265.000 đồng để cùng bà con có ruộng trong khu vực này làm đường. Nay con đường đã hoàn thành, anh Sáu và bà con có ruộng ở cánh đồng này rất phần khởi. Anh Sáu nói: “Nếu không thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của Nhà nước thì chưa biết đến bao giờ cánh đồng Bắc Bình Phú này có được con đường GTNĐ”.
Ông Trần Văn Minh - Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh cho biết, từ đầu năm 2013 đến nay, nông dân có ruộng trên cánh đồng ấp Bình Phú đã đóng góp làm mới 3 con đường GTNĐ. Cụ thể là con đường GTNĐ Bắc Bình Phú dài 240 mét, rộng 4 mét, đi vào cánh đồng rộng hơn 100 ha. Để thực hiện con đường này, nông dân đã đóng góp 95 triệu đồng để sang nhượng phần đất của các chủ ruộng phía bên ngoài. Còn phần đất phún đổ làm đường và thi công san lấp do Công ty Quang Sáu hỗ trợ trị giá trên 100 triệu đồng. Đường thứ hai ở cánh đồng Nam Bình Phú dài 133 mét, vào cánh đồng rộng khoảng 35 ha. Nông dân đóng góp 37 triệu đồng, còn đất phún và thi công do lãnh đạo địa phương vận động Doanh nghiệp Tuấn Vy hỗ trợ, trị giá 40 triệu đồng. Con đường thứ ba cũng trên cánh đồng Nam Bình Phú dài 146 mét vào cánh đồng khoảng 100 ha, nông dân đóng góp 43 triệu đồng.
Ở huyện Trảng Bàng, xã Hưng Thuận, người dân cũng hết sức phấn khởi trước sự đổi thay chưa từng có trên cánh đồng quê mình. Niềm mơ ước có con đường rộng rãi, cao ráo từ bao đời nay giờ đã thành hiện thực. Ông Nguyễn Văn Chum - Trưởng ấp Cầu Xe cho biết, ở ấp này có một đường GTNĐ dài 2.200 mét trước đây có tên là đường Gò Nổng, nay gọi là đường GTNĐ tổ 9, ấp Cầu Xe. Con đường này trước kia nhỏ hẹp, vào mùa mưa đường ngập nước, lầy lội rất khó đi. Những tháng vừa qua, lãnh đạo xã, ấp đã tổ chức nâng cấp, mở rộng con đường, tổng kinh phí ước tính 578 triệu đồng. Trong đó, bà con nông dân đóng góp tiền mặt là 150 triệu đồng; vốn xã tham gia 70 triệu đồng; Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm miền Đông hỗ trợ 3.000m3 đất phún làm đường. Phần còn lại là tính trên giá trị đất đai do nông dân đóng góp làm đường mà không đòi hỏi bồi thường thiệt hại. Con đường được nâng cấp, mở rộng, việc vận chuyển rất thuận tiện, bà con nông dân hết sức phấn khởi…
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện Trảng Bàng cho biết, từ năm 2011 đến nay (tháng 5.2013), nhân dân xã An Tịnh đóng góp khai hoang lập nền hạ 9 con đường GTNT, dài 6.265 mét; nhân dân xã An Hoà hiến đất khai hoang nền hạ 3 con đường và tự nguyện tháo dỡ các vật kiến trúc, chặt bỏ cây trái để nâng cấp mở rộng các con đường trong xóm ấp; xã Lộc Hưng vận động nhân dân đóng góp làm 8 con đường GTNT, tổng chiều dài 5.300 mét; nhân dân xã Phước Chỉ đóng góp rải đá đường ấp Phước Bình, đường ấp Phước Trung với chiều dài tổng cộng 1.200 mét, làm đường mới GTNĐ ấp Phước Trung dài 100 mét; xã Phước Lưu vận động 2 doanh nghiệp đóng góp nâng cấp sỏi phún 2 con đường, với chiều dài tổng cộng 830 mét; xã Gia Lộc vận động nhân dân giặm vá, sửa chữa 7 con đường với tổng chiều dài 8.500 mét; nhân dân xã Gia Bình đóng góp làm đường GTNT ấp Phước Hiệp, ấp Chánh và giặm vá 4 con đường khác… Tính chung từ năm 2011 đến nay, nhân dân Trảng Bàng đã đóng góp làm đường GTNT, GTNĐ và một số công trình hạ tầng khác với tổng số tiền đóng góp là 2,62 tỷ đồng.
Sau hơn hai năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, ở huyện Trảng Bàng có 2 tập thể và 3 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh tặng bằng khen vì có nhiều cống hiến trong phong trào chung tay xây dựng NTM.
Theo BTNO