Dù chỉ mới đi giám sát ở 2 xã là xã An Hòa, huyện Trảng Bàng, xã Thái Bình, huyện Châu Thành và 01 trung tâm là Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội tỉnh, nhưng phần nào thấy được tình hình thực hiện các chính sách, pháp luật về áp dụng các biện pháp xử lý hành chính giáo dục đối với người nghiện ma túy tại xã, phường, thị trấn và áp dụng các quy định để đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hiện nay.
Như chúng ta đã biết, Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị của chúng ta cùng vào cuộc để phòng, chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, có những loại tội phạm và tệ nạn xã hội do sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng cùng với ý thức trách nhiệm của người dân nên từng lúc, từng nơi đã có sự kéo giảm đáng kể; tuy nhiên có những loại tội phạm và tệ nạn xã hội dù chúng ta đã làm quyết liệt từ tuyên truyền, vận động đến việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế bắt buộc, kể cả sự lên án của cộng đồng nhưng tội phạm này không giảm mà có chiều hướng tăng nhanh. Đó chính là loại tội phạm và tệ nạn xã hội về ma túy.
Khi đoàn đến làm việc với xã Thái Bình, huyện Châu Thành, đồng chí Tuấn, Phó Công an xã cho biết: Xã hiện có 27 đối tượng nghiện chất ma túy có hồ sơ quản lý; trong đó có 6 đối tượng từng đi tù, 13 đối tượng từng bị xử lý hành chính, so với cuối năm 2013, mặc dù xã đã thực hiện nhiều biện pháp khác nhau nhưng đến nay, số người nghiện ma túy trong xã đã tăng lên gấp đôi.
Điều đáng quan tâm là đến nay xã chưa có đối tượng nghiện ma túy nào bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, cũng như áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình.
Xã An Hòa cũng tình hình tương tự, trong 31 người sử dụng trái phép chất ma túy, chỉ duy nhất có một người bị áp dụng theo Nghị định 111/2013/NĐ-CP. Thế nhưng lại có đối tượng được đưa đến Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội để cai nghiện bắt buộc.
Theo quy định, một đối tượng bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, phải thuộc một trong hai trường hợp sau: Thứ nhất: Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên có nơi cư trú ổn định, đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Thứ hai: Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên chưa bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy nhưng không có nơi cư trú ổn định. So sánh các điều kiện quy định trên, 2 xã Thái Bình và An Hòa chưa có đối tượng nào được áp dụng đúng theo Nghị định 111 cả. Phải chăng đây cũng là những bất cập chung của các xã khác trong tỉnh và cũng là trở ngại cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy hiện nay. Nghiên cứu, tìm nguyên nhân thì thấy rằng có nhiều nguyên nhân, trong đó có mấy nguyên nhân chủ yếu sau: Thứ nhất: Nhận thức về pháp luật và vận dụng thực hiện pháp luật còn hạn chế; Thứ hai: Công tác lãnh đạo cũng như sự phối, kết hợp của các ngành có liên quan ở xã chưa thực hiện tốt, theo như quy định tại các điều 44,45,46 của Nghị định 111/2013/NĐ-CP, ngày 30/9/2013 của Chính phủ " Quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn" mà chủ yếu giao Công an thực hiện; Thứ ba: Việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, cũng như áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình sẽ có tác dụng tốt, nếu các quy trình được triển khai thực hiện một cách chặt chẽ, trách nhiệm của các ngành, các cấp của xã, của mỗi gia đình và cộng đồng phải được phát huy một cách tốt nhất, nếu không nó sẽ có tác dụng ngược; đó cũng chính là một trong những câu trả lời vì sao tình hình sử dụng trái phép chất ma túy trong tỉnh có chiều hướng tăng nhanh.
Khi đoàn đến giám sát tại Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội tỉnh thì có một tình hình khác cũng cần quan tâm, đó là: đến thời điểm 30/4/2015 Trung tâm có 97 học viên; trong đó tự nguyện đến cai nghiện: 6, cai nghiện bắt buộc: 86 và sau cai: 5 học viên. Độ tuổi của các học viên, từ 20-25: 28 người, từ 26-30: 40 người, từ 31-35: 22 người và từ 35 tuổi trở lên có 7 người. Việc thực hiện các chế độ ăn uống, sinh hoạt cho học viên cai nghiện tại Trung tâm đảm bảo theo quy định. Theo báo cáo của Ông Trần Văn Yên, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội tỉnh chỉ còn khoảng 20 học viên, khi nêu vấn đề học viên trốn trại, ông Yên cho rằng đó là điều không tránh khỏi, nguyên nhân chủ quan là do khâu quản lý, bảo vệ chưa tốt, nhưng cũng có một nguyên nhân là các công trình xây dựng với phòng ốc, tường rào bình thường, bảo vệ Trung tâm cũng không được trang bị các công cụ hữu hiệu cần thiết, nên nếu học viên có vấn đề gì bức xúc thì họ sẽ trốn trại. Vấn đề đặt ra là tại sao tình hình tội phạm ma túy và người sử dụng trái phép chất ma túy ngoài xã hội ngày càng tăng, mà người vào Trung tâm ngày càng giảm, đó là điều nghịch lý. Với một Trung tâm được xây dựng tương đối quy mô, rộng trên 8 hecta, với 5 khu chức năng và có khả năng dung nạp trên 1.700 người vào cai nghiện giờ đây nhiều dãy nhà xây xong lại bỏ không, lãng phí và đang xuống cấp trầm trọng. Câu hỏi này muốn giải quyết được thì các ngành liên quan trong tỉnh phải ngồi lại với nhau để tìm câu trả lời tốt nhất.
Khu E Trung tâm GDLĐXH tỉnh đang bỏ không và làm nơi chứa phế liệu
Trong tình hình sử dụng trái phép chất ma túy trong tỉnh có chiều hướng tăng nhanh, tội phạm ma túy có chiều hướng phức tạp, mong rằng các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận các đoàn thể và các ngành, các cấp liên quan cần có những chỉ đạo, những kế hoạch hành động, sự phối hợp đồng bộ để ngăn chặn, kéo giảm tình hình buôn bán và sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn tỉnh để những người con, người em của chúng ta không rơi vào con đường nghiện ngập, hủy hoại tuổi xuân, để nhiều gia đình bớt đi những nghèo khó, khổ đau, để xã hội, xóm làng thêm phần bình yên, hạnh phúc.
Nguyễn Nhiếm