Hỗ trợ người lầm lỡ tái hoà nhập cộng đồng

Thứ ba - 09/09/2014 00:00 216 0
Việc tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ về vật chất và tinh thần đối với những người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương là việc làm thường xuyên của các cấp chính quyền mà nòng cốt là lực lượng công an. Đây là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho họ sớm hoà nhập với cộng đồng, thể hiện qua việc Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/NĐ-CP quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù.

 

 

Sau hai năm triển khai thực hiện Nghị định của Chính phủ nhiều địa phương trong tỉnh đã thực hiện tốt, trong đó có huyện Tân Biên. Đây là huyện biên giới phía Bắc của tỉnh, với 93 km đường biên giới tiếp giáp nước bạn Campuchia, có một cửa khẩu quốc tế Xa Mát, một cửa khẩu phụ và nhiều đường tiểu ngạch qua lại biên giới nên tình hình an ninh trật tự tương đối phức tạp. Mặt khác, hàng năm trên địa bàn huyện tiếp nhận khoảng 50- 60 đối tượng tù tha đặc xá về địa phương, nên công tác quản lý địa bàn, quản lý đối tượng và đảm bảo an ninh trật tự gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên với chức năng nhiệm vụ được giao tập thể Ban lãnh đạo và cán bộ chiến sĩ công an huyện luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong đó nhiệm vụ quản lý, giúp đỡ đối tượng tù tha, đặc xá về địa phương sớm ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng và không tái phạm là nhiệm vụ hết sức nặng nề và không kém phần quan trọng. Vì vậy, sau khi triển khai thực hiện Nghị định số 80/2011/NĐ-CP ngày 16/9/2011 của Chính phủ quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, công an huyện xác định đây là một chủ trương lớn của Chính phủ, khẳng định chinh sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta đối với những người lầm lỡ, đây là nét đẹp truyền thống của dân tộc thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa đối với người đã từng lầm lỗi, chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương sớm ổn định cuộc sống, nên đã tập trung thực hiện các biện pháp tái hòa nhập cộng đồng.

Thực hiện Nghị định của Chính phủ, Công an huyện xây dựng kế hoạch điều tra cơ bản đối tượng tù tha, đặc xá trên địa bàn. Kết quả cho thấy có một số người đã có cuộc sống ổn định, một số chưa có việc làm, một số bỏ đi nơi khác sinh sống, đặc biệt có một số người muốn tìm việc làm để nuôi sống bản thân và gia đình nhưng do không tìm được việc làm nên tiếp tục tái phạm tội chiếm khoảng 9,8%. Xuất phát từ tình hình thực tế nêu trên, Công an huyện đã đề ra nhiều giải pháp triển khai thực hiện chủ trương của Chính phủ, trong đó có việc đề xuất xây dựng thí điểm mô hình “Hoàn lương, an tâm lao động sản xuất và tham gia phòng, chống tội phạm”. Để xây dựng mô hình đạt hiệu quả và sát với thực tế địa phương, công an huyện đã triển khai kế hoạch tổng rà soát đối tượng để xác định, phân loại đối tượng nào không có nghề nghiệp ổn định, có nguy cơ tái phạm để lập danh sách và phân công cán bộ gặp gỡ, tiếp xúc nắm tâm tư nguyện vọng, điều kiện kinh tế của từng người để tạo điều kiện giúp đỡ họ sớm ổn định cuộc sống, tránh đi mặc cảm xã hội, nhanh chóng tái hoà nhập cộng đồng và vận động họ tham gia mô hình, tuyên tuyền hướng dẫn họ hiểu rõ chủ trương của Đảng và Nhà nước giúp đỡ người tù tha đặc xá tái hoà nhập cộng đồng, phòng ngừa vi phạm pháp luật, đồng thời hướng dẫn họ tích cực tham gia tố giác và phòng chống tội phạm giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương. Sau khi thống kê rà soát nắm chắc hoàn cảnh cụ thể của đối tượng, Công an huyện đề xuất và tham mưu UBND huyện thành lập mô hình thí điểm “Hoàn lương, an tâm lao động sản xuất và tham gia phòng, chống tội phạm” tại 3 xã Trà Vong, Mỏ Công, Tân Phong, với 20 thành viên tham gia, ngày 20/6/2014 mô hình đã được ra mắt và chính thức đi vào hoạt động. Tại lễ ra mắt UBND 3 xã đã hỗ trợ vốn sản xuất cho 5 thành viên với số tiền là 79 triệu đồng.

Đến nay các thành viên tham gia mô hình đều tích cực lao động sản xuất, sử dụng vốn hỗ trợ vào đúng mục đích và đạt hiệu quả. Khi tham gia mô hình đã có một thành viên tự nguyện tham gia vào Đội tuần tra nhân dân và một thành viên tham gia vào Ban quản lý chợ.

Thời gian thực hiện thí điểm mô hình chưa lâu, nên chưa thể đánh giá hết được những kết quả và hiệu quả của mô hình, nhưng có một điều chắc chắn có thể khẳng định đây là việc làm mang ý nghĩa nhân đạo, nhân văn của Đảng và Nhà nước ta đối với những người đã có một thời lẩm lỗi.

                                                                                        Nhật Quang

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây