Khi nông thôn mới gắn với phong trào thi đua yêu nước

Thứ sáu - 11/09/2015 16:00 75 0
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” (ngày 8/6/2011), UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Kế hoạch số 112/KH-UBND ngày 8/11/2011 về phát động phong trào thi đua “Tây Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới” và chọn 2 huyện Hoà Thành, Tân Châu và 25 xã làm điểm xây dựng nông thôn mới. Sau 4 năm thực hiện, cuối năm 2014 toàn tỉnh đã có 6 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Trong giai đoạn 2011-2015, các phong trào thi đua yêu nước trong tỉnh đã được liên tục phát động, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp dân cư trong tỉnh được nâng lên rõ rệt, an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đặc biệt là các phong trào thi đua đã huy động được toàn xã hội hưởng ứng phương châm "nhà nhà thi đua, người người thi đua" được tổ chức, phát động ngày càng đi vào chiều sâu, có thực chất. Những thành tựu của phong trào thi đua yêu nước từ năm 2011 đến nay đã góp phần xây dựng nền kinh tế của tỉnh phát triển tương đối toàn diện, tiếp tục tăng trưởng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, lợi thế trong từng ngành, lĩnh vực được phát huy, khai thác tốt hơn. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng nông - lâm - thuỷ sản đạt 28%, tăng bình quân hằng năm 5,5%. Nông nghiệp phát triển tương đối toàn diện; việc ứng dụng khoa học - công nghệ, đẩy mạnh cơ giới hoá vào sản xuất ngày càng tăng lên. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên một hécta đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đến năm 2015 đạt 86,78 triệu đồng (năm 2010 đạt 83,3 triệu đồng/năm). Chăn nuôi duy trì ở mức ổn định. Tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp đạt 12,76% (năm 2010 đạt 12,47%). Nổi bật nhất trong thành tựu của phong trào thi đua yêu nước trên lĩnh vực nông nghiệp là kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Thành tựu trên lĩnh vực văn hoá - xã hội đã có sự đóng góp to lớn trong việc đổi mới, phát hiện, bồi dưỡng, nhân điển hình tiên tiến, nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước. Thông qua phong trào, các cuộc vận động "Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư", "Ngày vì người nghèo", "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc", "Xây dựng gia đình 4 chuẩn mực", các mô hình tiết kiệm, xây nhà đại đoàn kết, công tác từ thiện xã hội, xây dựng khu dân cư, ấp văn hoá không có tệ nạn xã hội… luôn được phát động ngày càng sâu rộng, toàn diện, đã đem lại kết quả. Ngày càng có nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, lập thành tích xuất sắc, đóng góp cho xã hội. Bên cạnh đó, sự nghiệp giáo dục và đào tạo không ngừng phát triển, chất lượng dạy và học ngày càng nâng lên. Hàng năm, số lượng học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông trúng tuyển vào đại học, cao đẳng đều tăng. 100% huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục trung học cơ sở, kết quả xóa  mù chữ được duy trì. 24/95 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục trung học phổ thông; 95/95 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi. Mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, đầu tư, nâng cấp về cơ sở vật chất, trang thiết bị; năng lực chuyên môn, tinh thần và thái độ phục vụ của cán bộ y tế được chấn chỉnh và nâng lên một bước. Các chương trình y tế quốc gia, hoạt động hỗ trợ khám chữa bệnh cho người nghèo, đối tượng chính sách, đồng bào vùng sâu, dân tộc thiểu số thực hiện đạt kết quả tốt. Giai đoạn 2011-2015, tỉnh Tây Ninh hoàn thành chỉ tiêu 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; các trạm y tế xã trong tỉnh đã được xây dựng lại khang trang với 10-15 phòng chức năng đảm bảo các nội dung hoạt động theo tiêu chí quốc gia về y tế xã; 100% xã có bác sĩ, 100% xã có y sĩ sản nhi hay nữ hộ sinh, 100% ấp có nhân viên y tế cộng đồng; công tác truyền thông dân số, kế hoạch hoá gia đình, nâng cao sức khoẻ sinh sản, chăm sóc, bảo vệ bà mẹ và trẻ em được quan tâm thường xuyên. Ngoài ra, các chương trình mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề giai đoạn 2012 - 2015, Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2013-2015 được thực hiện có hiệu quả. Hàng năm, tỉnh đã tạo điều kiện, giải quyết việc làm cho 21.250 lao động, đưa 541 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.  

Lĩnh vực trật tự an toàn xã hội được toàn dân trong tỉnh ra sức thi đua xây dựng. Từ năm 2011, phong trào thi đua "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" được đẩy mạnh, nhiều mô hình tự quản về an ninh trật tự được nhân rộng như mô hình "nhà trọ, nhà cho thuê an toàn", "Tổ xe ôm an toàn", "Khu dân cư liên kết an toàn", "Tổ liên kết an ninh trật tự", "Tổ liên kết an ninh biên giới"…. được duy trì. Với nhiều đợt thi đua cao điểm, lực lượng Công an đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống, kéo giảm các loại tội phạm; đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi buôn lậu, vận chuyển hàng lậu; thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kéo giảm mạnh tai nạn giao thông cả về số vụ, số người chết và số người bị thương; liên tục nhiều năm tỉnh Tây Ninh kéo giảm tai nạn giao thông trên cả ba mặt, được Chính phủ, Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia biểu dương. Đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có 71/80 xã đạt tiêu chí số 19 "An ninh trật tự xã hội được giữ vững", được UBND huyện, thành phố quyết định công nhận, đáp ứng các yêu cầu của tiêu chí số 19 "giữ vững an ninh, trật tự xã hội ở nông thôn" trong Bộ tiêu chí quốc gia về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Đến hết năm 2014, toàn tỉnh đã huy động được hơn 5.617 tỷ đồng và đã có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới theo 19 tiêu chí quốc gia. Dự kiến, đến hết năm 2015 sẽ có thêm 10 xã đạt chuẩn, nâng tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới trong toàn tỉnh lên 20%.

 

Tâm Giang

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây