Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tăng cường giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm

Thứ sáu - 18/08/2017 16:00 127 0
Vừa qua Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) tỉnh đã tiến hành giám sát việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm của một số địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh như: Hợp tác xã rau an toàn Long Mỹ, xã Long Thành Bắc, huyện Hoà Thành; Hợp tác xã dịch vụ thuỷ lợi và sản xuất rau an toàn Lộc Khê, xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng; chợ thành phố Tây Ninh, UBND huyện Hòa Thành và UBND thành phố Tây Ninh.

​Qua giám sát, có thể nói rằng công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng được lãnh đạo các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm. Từ đó, hoạt động mang lại kết quả ngày càng tốt, trong đó, đối với thành phố Tây Ninh công tác cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP thuộc các lĩnh vực y tế, công thương và nông nghiệp tại các đơn vị ngày càng được chú trọng. Cụ thể, năm 2017, thành phố đã cấp 1.458/1.476 giấy chứng nhận đủ điều kiện về lĩnh vực y tế (đạt 98,78%), đây là tỉ lệ tương đối cao,  thể hiện sự cố gắng của các cơ quan chức năng thành phố.  Công tác quản lý điều kiện bảo đảm ATTP đối với cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn thành phố được thực hiện đúng theo tinh thần Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công thương về việc phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước về ATTP, một cơ sở sản xuất, kinh doanh chỉ chịu sự quản lý của một cơ quan quản lý nhà nước. Đài Phát thanh thành phố tuyên truyền các văn bản pháp luật, kiến thức về ATTP, cũng qua đó kịp thời phản ánh những cơ sở vi phạm về VSATTP để cảnh báo cho người tiêu dùng, các cơ quan liên quan của thành phố cấp phát 109 băng đĩa, 30 loại tờ rơi tuyên truyền về ATTP, treo 44 băng ron tại các trụ sở như: trường học, Trạm Y tế xã, phường và ở các chợ trên địa bàn nhân dịp Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì ATTP. Công tác phối hợp giữa Mặt trận, đoàn thể và các ngành chuyên môn bước đầu có sự chuyển biến tích cực. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ngày càng được quan tâm, góp phần ngăn chặn các hành vi vi phạm về ATTP, tăng cường xử lý cơ sở vi phạm. Cụ thể quí I/2017, ngành Y tế tổ chức thanh tra, kiểm tra được 260 cơ sở, trong đó có 146 cơ sở đạt tiêu chuẩn về ATTP, qua kiểm tra nhắc nhở 104 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chánh 10 cơ sở, với số tiền là 6.650.000 đồng; Phòng Kinh tế tổ chức thanh, kiểm tra được 25 cơ sở. UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã ban hành Kế hoạch phối hợp về vận động và giám sát bảo đảm ATTP giai đoạn 2016 - 2020 và giai đoạn 2016 - 2017.

Đối với huyện Hoà Thành, công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP thuộc lĩnh vực y tế, công thương, nông nghiệp ngày càng được quan tâm, đảm bảo đúng qui trình, đúng thủ tục, toàn huyện đã cấp cho 1.080/1.144 cơ sở (đạt 94,4%),  Công tác quản lý điều kiện bảo đảm ATTP đối với cơ sở sản xuất, chế biến, dinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn Hòa Thành được thực hiện đúng theo tinh thần Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT theo đó một cơ sở sản xuất, kinh doanh chỉ chịu sự quản lý của một cơ quan quản lý nhà nước. UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Hòa Thành đã tổ chức triển khai cho 940 cơ sở ký cam kết ATTP, đạt tỉ lệ 82,3%. Các cơ quan huyện, xã tổ chức nói chuyện chuyên đề, cấp phát 3.100 tờ rơi, 21 đĩa cho 8 trạm y tế, 57 băng ron, Trung tâm y tế huyện mở 9 lớp xác nhận kiến thức ATTP cho 170 người, 6 tháng đầu năm 2017, huyện đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được 466 cơ  sở, qua đó nhắc nhở các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn. Đối với chợ thành phố Tây Ninh và 2 hợp tác xã sản xuất rau an toàn Lộc Khê và Long Mỹ cũng đã có nhiều chuyển biến trong nhận thức và cách làm.

Tuy nhiên, công tác quản lý về an toàn thực phẩm và nhận thức của những người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nói riêng và người dân nói chung còn nhiều hạn chế, cần phải có nỗ lực lớn của các ngành, các cấp và toàn xã hội. Qua giám sát cho thấy việc triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP của một số cơ quan, đơn vị liên quan chưa tốt, nhiều xã, phường thực hiện công tác ATTP kết quả còn thấp; còn nhiều cơ sở sản xuất, chế biến, din doanh thực phẩm chưa đảm bảo an toàn. Công tác tuyên truyền tuy có quan tâm nhưng thực hiện chưa sâu rộng. Nguồn lực làm công tác VSATTP ở huyện, thành phố và xã, phường còn thiếu và yếu, phần lớn chưa qua tập huấn nghiệp vụ. Số cuộc thanh tra, kiểm tra chưa nhiều, số cơ sở được thanh tra, kiểm tra còn ít: 260/1.476 cơ sở đối với ngành y tế, đạt 17,62% và 25/757 cơ sở  của ngành công thương quản lý, đạt 3,3% ( ở thành phố Tây Ninh) và ở huyện Hoà Thành công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về ATTP cũng giảm 109 cuộc so với cùng kỳ của năm 2016. Công tác xử phạt vi phạm hành chính tuyến xã, phường chưa thực hiện nghiêm, chủ yếu là nhắc nhở nên chưa đủ sức răn đe. Tiến độ triển khai Kế hoạch phối hợp số 2812 và Kế hoạch số 3329 của UBND tỉnh và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh về vận động và giám sát bảo đảm ATTP giai đoạn 2016 - 2020 và giai đoạn 2016 - 2017 còn chậm, bước đầu chỉ mới xây dựng kế hoạch, chưa cụ thể hoá để thực hiện. Ngoài ra, khi tiến hành giám sát tại chợ thành phố Tây Ninh, trong số 15 hộ được khảo sát có 11/15 hộ không có ký cam kết về ATTP và chỉ có 04 hộ được tập huấn kiến thức về ATVSTP. Qua làm việc với Ban quản lý chợ, cho thấy, công tác tuyên truyền về ATTP chưa tốt, chưa thường xuyên và Ban quản lý chợ chưa quan tâm kiểm tra, giám sát nhắc nhở các hộ kinh doanh thực hiện tốt ATTP, hầu hết các mặt hành buôn bán ở chợ đều không rõ nguồn gốc xuất xứ. Chợ có hệ thống truyền thanh nhưng chưa thông tin thường xuyên các quy định pháp luật về ATTP đến từng hộ kinh doanh trong chợ nên còn nhiều hộ chưa nắm rõ, còn tình trạng ứ đọng rác thải, gây mất vệ sinh trong và ngoài khuôn viên chợ.

Qua giám sát, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã kiến nghị UBND huyện, thành phố cần tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch 2812 và 3329 của UBND tỉnh và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh về vận động và giám sát bảo đảm ATTP giai đoạn 2016 - 2020 và giai đoạn 2016 - 2017, đồng thời đề ra giải pháp đề thực hiện cho từng năm mang lại hiệu quả thiết thực. Tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về ATTP, quản lý việc giết mổ gia súc, gia cầm, tránh tình trạng gia súc, gia cầm đã qua giết mổ nhưng chưa được kiểm dịch mà vẫn được vận chuyển, lưu thông trên thị trường. Tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông giáo dục ý thức của cộng đồng trong việc chấp hành pháp luật và các qui định trong lĩnh vực ATVSTP. Tuyên truyền cho nhân dân nhận thức tốt về lựa chọn các các sản phẩm mua bán trên thị trường, theo hướng tiêu dùng thông minh, bảo vệ sức khoẻ. Chỉ đạo quán triệt nâng cao nhận thức cho cán bộ lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, nhất là xã, phường trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh. Cần có chủ trương hỗ trợ kinh phí, để trang bị nhà lưới theo tiêu chuẩn đối với các HTX sản xuất rau an toàn, để khuyến khích các HTX phát triển. Đầu tư kinh phí mua sắm các trang thiết bị cho công tác thanh tra, kiểm tra về ATVSTP cho Ban Quản lý các chợ và tuyến xã, phường. Chỉ đạo các Phòng kinh tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát thống nhất thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP đối với cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản để cá nhân, tổ chức tiếp nhận thông tin thuận tiện. Chỉ đạo UBND cấp xã, phường, thị trấn triển khai việc tổ chức ký cam kết trách nhiệm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các hộ sản xuất, kinh doanh buôn bán thực phẩm, chế biến thức ăn nhỏ lẻ không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP; đồng thời xem đây là tiêu chí trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” theo hướng từ năm 2017 trở đi xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, phải đạt tiêu chí về ATTP. Bên cạnh đó, UBND thành phố cần quan tâm chỉ đạo Ban Quản lý chợ Thành phố Tây Ninh khắc phục các tồn tại, hạn chế như đã nêu và cần đặc biệt quan tâm đến công tác ATVSTP, tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về ATTP cho các hộ tham gia buôn bán trong phạm vi chợ; Chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức đăng ký cam kết ATTP cho các tiểu thương trong chợ; xây dựng chợ văn minh với môi trường sạch, đẹp, an toàn thực phẩm.

Đối với UBND huyện Hoà Thành cần quan tâm tạo điều kiện và hướng dẫn cho các Hợp tác xã trên địa bàn, nhất là Hợp tác xã rau an toàn Long Mỹ hoạt động tốt hơn, có hướng tìm đầu ra cho sản phẩm, cũng như việc quảng bá thương hiệu sản phẩm hợp tác xã.

Qua giám sát việc việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm nhằm giúp các địa phương, đơn vị đánh giá đúng tình hình thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, khắc phục các hạn chế, tồn tại, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế- xã hội của tỉnh năm 2017.

                                                                                      Trần Phước Hiệp

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây