Nhìn lại một năm thực hiện công tác cai nghiện phục hồi và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

Thứ năm - 28/11/2013 00:00 105 0
Tính đến cuối tháng 11/2013, số học viên cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục- Lao động xã hội là 259 học viên,.trong đó người cai nghiện ma túy bắt buộc là 251 học viên; người cai nghiện ma túy tự nguyện là 05 học viên, sau cai nghiện ma túy là 03 học viên.

 

 

Công tác khám chữa bệnh, cấp phát thuốc thường xuyên khoảng 15.228 lượt học viên. Cắt cơn giải độc, phối hợp điều trị theo Chương trình ARV: 210 lượt học viên, điều trị lao: 38 lượt học viên, khám sàng lọc lao: 85 học viên. Số học viên nhiễm HIV: 32 học viên (32/259) tỷ lệ 12.35 %.

Trung tâm đã tổ chức tư vấn cá nhân cho học viên về nội quy, quy định của Trung tâm, tư vấn cho gia đình học viên mới nhập. Trung tâm thường xuyên tổ chức cho học viên chơi thể dục, thể thao như bóng đá, bóng chuyền, xem phim… Trung tâm đang dạy 02 lớp xóa mù chữ (mức 1 và mức 2) cho 43 lượt học viên; liên kết với trường Trung cấp nghề tỉnh tổ chức dạy nghề điện dân dụng cho 39 học viên. Trong tháng 11/2013, Trung tâm đã mở thêm 02 lớp dạy nghề điện và nghề may với số học viên tham dự: 50 học viên. Tất cả hoạt động này nhằm giúp học viên thay đổi hành vi nhân cách.

Việc quản lý học viên của Trung tâm trong thời gian qua nhìn chung thực hiện chưa tốt, tình trạng học viên trốn Trung tâm diễn ra thường xuyên, nguyên nhân chủ yếu do đa số các học viên mới vào chưa an tâm tư tưởng để chữa bệnh, còn hoang man do áp lực, lôi kéo, tác động của những học viên tiêu cực khác, tìm cách trốn hoặc tổ chức trốn Trung tâm ảnh hưởng đến kết quả công tác cai nghiện.

Từ năm 2012, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai Thông tư số 03/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BCA ngày 10/02/2012 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Công an quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 94/2010/NĐ-CP ngày 09/9/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng cho cán bộ lãnh đạo các ban, ngành và các huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay trong công tác cai nghiện tại cộng đồng và tại gia đình là các địa phương chưa đảm bảo cơ sở vật chất, nhân sự thành lập tổ công tác cai nghiện, nhất là Y, Bác sĩ có chuyên môn về cắt cơn nghiện nên chưa thực hiện được. Năm 2013, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện tại Trung tâm, tại gia đình và cộng đồng gồm đại diện UBND, cán bộ các cấp huyện, xã thuộc các ngành Lao động –Thương binh và Xã hội, Công an, Tư pháp, Y tế và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội LHPN và Đoàn Thanh niên với 720 đại biểu.

Việc quản lý sau cai nghiện tại Trung tâm từ năm 2011 đến tháng 9/2013 có 46 học viên. Số học viên sau cai tại Trung tâm được hỗ trợ các chế độ theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước, được học nghề, học văn hóa, được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, và các quyền lợi khác theo quy định. Trung tâm đã tổ chức 01 lớp dạy nghề điện dân dụng cho 08 học viên sau cai tại Trung tâm.

Đến tháng 11/2013 đã có 223 học viên thực hiện chế độ quản lý sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú (năm 2011: 27 người, năm 2012: 93 người và năm 2013:103 người). Số học viên sau cai tại nơi cư trú bước đầu được các cấp chính quyền và đoàn thể nơi cư trú quan tâm và số học viên quản lý sau cai tại Trung tâm được hỗ trợ các chế độ theo quy định của Nhà nước.

Công tác cai nghiện được thực hiện theo đúng quy trình hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Hầu hết đối tượng đưa vào cai nghiện đều được cắt cơn, phục hồi sức khoẻ tốt. Chất lượng cai nghiện phục hồi và quản lý sau cai nghiện được cải thiện rõ rệt, đối tượng học viên nhiễm HIV/ADIS được quan tâm điều trị và chăm sóc sức khỏe tốt hơn so với trước đây.

Tuy nhiên, thực tiễn trong thời gian qua cho thấy công tác quản lý người nghiện còn mang tính hành chính, chưa thực sự đi vào các biện pháp chuyên môn về tư vấn như giáo dục chuyển đổi nhận thức, hành vi và dự phòng tái nghiện, quan tâm đến nhu cầu chính đáng của cá nhân, cán bộ thiếu gần gũi với người cai nghiện; Việc tổ chức dạy nghề, dạy văn hóa cho người nghiện còn nhiều hạn chế. Do trình độ học vấn của học viên còn thấp, học viên không đủ sức khỏe để tham gia các khóa học. Việc đào tạo các khóa học chưa gắn với nhu cầu thực tế xã hội, trình độ đào tạo chưa chuyên sâu nên phần lớn các học viên gặp khó khăn khi tìm việc làm để ổn định cuộc sống; Tình trạng học viên trốn Trung tâm xảy ra thường xuyên do cán bộ quản lý của Trung tâm chưa được đào tạo chuyên nghiệp, địa bàn rộng trong khi biên chế còn ít. Bên cạnh đó, nhận thức của những học viên mới còn hạn chế nên bị các học viên khác lôi kéo, rủ rê tổ chức trốn; Công tác quản lý sau cai tại nơi cư trú chưa có hiệu quả vì đa số các học viên không tham gia học nghề và chưa có việc làm ổn định; các ban, ngành, đoàn thể và Chính quyền địa phương cùng với gia đình chưa quan tâm, động viên, tư vấn nhằm giúp đỡ học viên có một môi trường vui chơi, học tập, lao động sau khi tái hòa nhập cộng đồng nhằm tránh tiếp xúc với các đối tượng xấu để hạn chế nguy cơ tái nghiện; Sự phối hợp giữa Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội – Y tế và UBND huyện, thị chưa chặt chẽ nên công tác tổ chức cai nghiện ma túy tại cộng đồng và gia đình chưa thực hiện được, làm ảnh hưởng đến chủ trương đa dạng hóa công tác cai nghiện ma túy của Chính phủ; Tình trạng tái nghiện và phát sinh người nghiện mới gia tăng nên mục tiêu xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm không đạt kế hoạch.

 Từ những tồn tại nêu trên, trong năm 2014 ngành Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp cùng các ngành có liên quan triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: Nâng cao chất lượng công tác cai nghiện ma túy, ngăn chặn phát sinh đối tượng mới nhằm giảm dần tình trạng nghiện ma túy trong cộng đồng, kết hợp quản lý chặt chẽ đối tượng sau cai và hỗ trợ đối tượng tái hòa nhập cộng đồng. Góp phần ngăn chặn và phòng ngừa phát sinh tệ nạn ma túy, mại dâm, kéo giảm số người vi phạm tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.Phát hiện sớm, xử lý kịp thời các cơ sở, tụ điểm, đối tượng vi phạm tệ nạn ma túy nhằm ngăn chặn có hiệu quả không để phát sinh, phát triển của tệ nạn ma túy trên địa bàn, tạo môi trường lành mạnh không có ma túy để đưa người sau cai nghiện về tái hoà nhập cộng đồng, giảm dần tỷ lệ tái nghiện, nâng cao hiệu quả công tác chữa trị bệnh cho người nghiện ma túy nhằm đạt. Mục tiêu chung là từng bước xây dựng, chuyển hoá xã, phường trọng điểm và xã phường nhiều tệ nạn ma túy thành ít hoặc không có tệ nạn ma túy; Thực hiện tốt công tác rà soát thống kê, phân loại, lập hồ sơ quản lý, theo dõi tình hình di, biến động người nghiện ma tuý trên địa bàn. Kết hợp các biện pháp cai nghiện tập trung và cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; áp dụng quản lý đối tượng với các hình thức: quản lý hành chính tại xã, phường, thị trấn; cai nghiện bắt buộc và cai nghiện tự nguyện; quản lý sau cai nghiện tập trung và quản lý sau cai nghiện tại cộng đồng, kết hợp hoạt động hỗ trợ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng; Nâng cao năng lực cho cán bộ tham gia công tác phòng, chống tệ nạn xã hội các cấp; Đội công tác xã hội tình nguyện qua các hoạt động bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ; Giúp đỡ, tạo điều kiện để người sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng và tại cơ sở chữa bệnh được tổ chức quản lý, tư vấn, dạy nghề và giải quyết việc làm, đời sống ổn định; Các tổ chức, đoàn thể xã hội tham gia tích cực kế hoạch toàn dân tham gia vận động, giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện và quản lý người sau cai nghiện ma túy do chính quyền cùng cấp phát động.

Quang Dững

 

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây