Quốc hội thảo luận về việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

Thứ hai - 07/11/2016 15:00 97 0
Hôm 4.11, trong ngày làm việc thứ 13, kỳ họp thứ 2, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường để thảo luận về việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp tại Hội trường.

Qua 1 ngày thảo luận, đa số đại biểu đánh giá cao sự cố gắng của đoàn giám sát (Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thành lập Đoàn giám sát và tiến hành giám sát về việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên phạm vi cả nước vào những tháng cuối năm 2015 và đầu năm 2016- NV) và cơ bản nhất trí với báo cáo giám sát; đại biểu cho rằng báo cáo giám sát đã phản ánh khá toàn diện kết quả đạt được và những hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân trong việc ban hành chính sách pháp luật và tổ chức thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Các đại biểu Quốc hội biểu dương những cố gắng của đoàn giám sát, sự phối hợp tích cực của Chính phủ, các bộ, ngành địa phương trong quá trình giám sát của Quốc hội. Qua thảo luận, các ý kiến cho rằng về cơ bản, Chính phủ đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội về xây dựng nông thôn mới.

Song, việc ban hành còn chậm, chưa đầy đủ, kịp thời và đồng bộ, thậm chí có một số văn bản đến nay chưa được ban hành, nhiều văn bản thiếu tính cụ thể, tính khả thi và không phù hợp với điều kiện thực tế của các vùng, miền, địa phương, như: Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới đưa ra chưa thật hợp lý; một số quy định văn bản dưới luật còn gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp và địa phương; cần làm rõ trách nhiệm việc chậm ban hành các văn bản của một số bộ, ngành...

Về kết quả thực hiện chương trình, trong giai đoạn vừa qua, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng qua 5 năm thực hiện chương trình, diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi. Nhất là hệ thống kết cấu hạ tầng, kỹ thuật, mô hình sản xuất tập trung bước đầu được hình thành. Sản xuất nông nghiệp có bước phát triển khá tích cực, thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện; nhiều địa phương đã có cách làm hay, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn tình hình; một số nơi đã hình thành hệ tiêu chí nông thôn mới nâng cao.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng trọng tâm của chương trình là cần thay đổi phương thức sản xuất, củng cố quan hệ sản xuất và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, tạo sự phát triển mạnh mẽ trong nông nghiệp gắn với nâng cao thu nhập của người dân nhưng chưa đạt được yêu cầu đặt ra. Đời sống của nông dân tại một số địa phương còn nhiều khó khăn, việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn nhất là ở vùng miền núi còn nhiều hạn chế.

Kết quả thực hiện chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới với quá trình tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp còn hạn chế, quá trình tạo thế để tham gia hội nhập quốc tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn yếu. Nhiều ý kiến cho rằng việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế, liên kết giữa 4 nhà trong một số mặt còn mang tính hình thức, chưa thực chất, gắn kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm vẫn là lực cản trong phát triển nông nghiệp.

 Nông dân xã Thanh Phước (huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh) đóng góp tiền làm đường giao thông nội đồng- Ảnh minh hoạ

Có đại biểu băn khoăn về tình trạng còn nhiều xã được công nhận hoàn thành mục tiêu chương trình nhưng vẫn nợ tiêu chí hoặc không đạt chuẩn theo bộ tiêu chí nông thôn mới; các tiêu chí đạt được chưa thật sự bền vững, chất lượng không cao, thậm chí có thể quay trở lại không đạt chuẩn.

Nhiều ý kiến đại biểu lo lắng về tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản của các địa phương, còn có địa phương huy động quá sức dân trong quá trình thực hiện chương trình, nhất là những khu vực có phong trào xây dựng nông thôn mới dẫn đầu cả nước. Các đại biểu cho rằng, phải chăng đây là sự nóng vội hoặc chạy theo thành tích ở một số địa phương. Tình trạng lãng phí, tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng cơ bản vẫn diễn ra đã tạo ra những bức xúc trong nhân dân cần được xử lý nghiêm minh.

Nhiều ý kiến cho rằng nguồn lực thực hiện chương trình chưa đảm bảo, còn quá ít, song phân bổ chưa hợp lý giữa các vùng, miền, địa phương; phân bổ kinh phí còn chậm, dàn trải, phân tán, không hiệu quả. Việc lồng ghép các chương trình, dự án khác thực hiện đạt hiệu quả chưa cao. Cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn lúng túng và chưa đổi mới.

Đại biểu cũng đồng tình với sự cần thiết ban hành nghị quyết của Quốc hội với những giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng mục tiêu đến năm 2020 có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới là khó khăn. Các đại biểu cũng đề xuất rất nhiều giải pháp, kiến nghị để đạt được kết quả cao hơn. Đó là cần làm tốt công tác quy hoạch hạ tầng, quy hoạch sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, quy hoạch vùng và liên kết vùng. Phải ban hành, sửa đổi kịp thời các văn bản, cơ chế chính sách, trước hết là xây dựng bộ tiêu chí cho phù hợp, trong đó có tiêu chí của quốc gia thống nhất cả nước, có tiêu chí giao cho địa phương xây dựng để phù hợp với tình hình thực tế, phát huy được tính chủ động, sáng tạo của địa phương.

Có ý kiến đề nghị phải điều chỉnh mục tiêu và nội dung xây dựng nông thôn mới. Phải bố trí nguồn lực, trong đó có nguồn lực của các cấp ngân sách, nguồn lực từ nguồn vốn tín dụng; chú ý bố trí, bổ sung vốn điều lệ, bù lãi suất cho ngân hàng chính sách xã hội để cho vay hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. Có chính sách thu hút vốn đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào nông nghiệp.

Thực hiện tốt chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm, song việc huy động sức dân phải đảm bảo hợp lý để tạo ra sức mạnh về tài chính cho đầu tư vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp. Trong đầu tư phải công khai, minh bạch, tích cực phòng, chống tham nhũng và lãng phí.

Xã đoàn Phước Chỉ (huyện Trảng Bàng) xây dựng cầu bê tông, giúp học sinh đến trường thuận lợi hơn- Ảnh minh hoạ

Tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức cho phù hợp, nhân rộng các mô hình sản xuất mới, tiên tiến, các hợp tác xã kiểu mới, các mô hình liên doanh, liên kết, hình thành các chuỗi giá trị trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Có chính sách khuyến khích, chuyển giao ứng dụng khoa học, công nghệ và quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, tiến tới một nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, tăng giá trị gia tăng hàm lượng tri thức trong sản xuất nông nghiệp. Cần chuyển mạnh sang công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh nông, lâm, thủy sản, phải tạo cho được thương hiệu nông sản, thủy sản của Việt Nam.

Nhiều ý kiến đại biểu đề nghị xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn một cách thực chất, tránh cho được việc đầu tư không hợp lý mang tính hình thức và không hiệu quả, không gắn với tái cơ cấu nông nghiệp. Đầu tư tăng cường năng lực phòng, chống giảm nhẹ tác động của thiên tai, chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và con người phải sống hài hòa với tự nhiên.

Phải chú ý đến giáo dục, y tế, văn hóa ở nông thôn, nếu không nâng cao dân trí, không chú ý đến văn hóa, đời sống tinh thần của nhân dân thì tăng trưởng kinh tế trong nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới sẽ không hiệu quả và kém bền vững.

Cần tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý trách nhiệm, đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Mặt trận và các đoàn thể quần chúng. Tích cực tuyên truyền ý nghĩa của chương trình qua các kênh báo chí và truyền thông đến người dân, tạo sự đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện…

Thứ hai (7.11), Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự án Luật quản lý ngoại thương và dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Theo BTNO

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây