Quy hoạch khu, cụm công nghiệp góp phần phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương

Thứ tư - 11/09/2013 00:00 38 0
Các khu công nghiệp trên địa bàn huyện Trảng Bàng từ khi đi vào hoạt động đã góp phần vào việc khai thác có hiệu quả tiềm năng đầu tư của huyện nói riêng, của tỉnh Tây Ninh nói chung, như việc giải quyết lượng lớn việc làm cho lực lượng lao động nông thôn, góp phần cải thiện đời sống và hỗ trợ giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội tại địa phương.

 

 

Huyện Trảng Bàng có 04 khu, cụm công nghiệp đang hoạt động trên tổng diện tích hơn 3.315 ha là: Khu công nghiệp Trảng Bàng, Khu chế xuất Linh Trung III, Khu công nghiệp Bourbon - An Hòa và Khu liên hợp Công nghiệp Dịch vụ Phước Đông - Bời Lời. Với sự hình thành và phát triển của các khu, cụm công nghiệp, giá trị sản xuất công nghiệp của huyện Trảng Bàng chiếm 1/3 toàn tỉnh. Ngoài ra, các khu công nghiệp đã thu hút giải quyết việc làm cho trên 38 ngàn lao động trong và ngoài huyện. Bên cạnh việc phát triển công nghiệp, các dịch vụ trên địa bàn huyện cũng phát triển theo, như: dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, dịch vụ vận chuyển, kinh doanh mua bán xuất - nhập - khẩu và các hình thức dịch vụ mua bán lẻ... Việc hình thành các khu công nghiệp đã tác động tích cực đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được về mặt kinh tế, các vấn đề xã hội phát sinh đòi hỏi chính quyền địa phương phải có hướng giải quyết kịp thời, như khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, xử lý nước thải, khắc phục ngập úng khu dân cư, thu gom rác thải sinh hoạt, vệ sinh công cộng khu vui chơi giải trí, khu sinh hoạt văn hóa, giảm thiểu tệ nạn xã hội, tình hình an ninh trật tự địa phương.... Mặt khác, vấn đề về kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, kiềm chế tai nạn giao thông, giảm thiểu tình trạng học sinh bỏ học, bạo lực học đường... đang là những vấn đề được cử tri quan tâm phản ánh trong các kỳ họp Hội đồng nhân dân các cấp.

Mặt khác, Trảng Bàng là huyện có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, việc quy hoạch các dự án khu, cụm công nghiệp phần nào dẫn đến diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, ảnh hưởng đến phát triển sản xuất nông nghiệp. Đối với dự án khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lắp đầy thấp sẽ gây lãng phí trong sử dụng đất, vì chủ đầu tư tiến hành giải phóng mặt bằng nhưng khả năng tài chính không thể đáp ứng để tiếp tục triển khai thực hiện, vì vậy, đất nằm trong quy hoạch bị bỏ không trong khi người dân có nhu cầu thì không thể sản xuất được. Còn đối với dự án chậm triển khai, do tâm lý của người dân, khi đất đã vào quy hoạch thì không chuyên tâm vào đầu tư sản xuất mà chỉ sản xuất cầm chừng dẫn đến năng suất sản lượng không cao. Việc này cũng ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân đối với phần đất thuộc quyền sử dụng của mình như bị hạn chế trong quá trình mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng, xây dựng, sửa chữa nhà ở...

Chính vì vậy, ngoài hiệu quả về mặt kinh tế khi quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, vấn đề an sinh của người dân cần được chú trọng hơn để đáp ứng nhu cầu, lợi ích của nhân dân trên tất cả các mặt kinh tế-xã hội.

 

Tâm Giang

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây