Quyết định 2472/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phú - góp phần nâng cao nhận thức cho đồng bào vùng dân tộc, biên giới Tây Ninh

Thứ ba - 25/11/2014 00:00 35 0
Chính sách dân tộc luôn được Tây Ninh chú trọng Tây Ninh là tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ, nằm trong vùng trọng điểm kinh tế phía Nam của cả nước, phía Tây và Tây Bắc tỉnh giáp Vương quốc Campuchia, phía Đông giáp tỉnh Bình Dương và Bình Phước, phía Nam giáp TP.Hồ Chí Minh và Long An. Toàn tỉnh có một Thành phố và 8 huyện, diện tích tự nhiên 4.032,61km2, dân số 1.095.583 người. Ngoài ra, Tây Ninh có đường biên giới dài 240 km giáp 03 tỉnh của Vương quốc Campuchia, 20 xã biên giới thuộc 5 huyện: Trảng Bàng, Bến Cầu, Châu Thành, Tân Biên và Tân Châu, có 02 cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Xa Mát và nhiều cửa khẩu tiểu ngạch. Tây Ninh hiện có 22 dân tộc thiểu số với 4.079 hộ, gần 17.661 nhân khẩu, trong đó chủ yếu là các dân tộc: Khơ me, Chăm, Hoa, Tà Mun… chiếm trên 1,6 % dân số toàn tỉnh.

 

 

   Trong những năm qua, các chính sách dân tộc luôn được các cấp, ban, ngành tỉnh Tây Ninh chú trọng. Cùng với việc tạo điều kiện phát triển kinh tế, tỉnh ta cũng luôn chú trọng tới đời sống tinh thần của nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc vùng khó khăn. Trong đó, việc thực hiện Quyết định 2472/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012 - 2015 bước đầu đã có tác động tích cực tới đời sống của người dân.

Sự quan tâm của UBND tỉnh

Quyết định 2427/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012 - 2015” được ban hành, Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh giao cho Phòng Dân tộc thuộc UBND tỉnh trực tiếp triển khai thực hiện Quyết định và chỉ đạo cho các đơn vị, các địa phương thực hiện nghiêm túc chính sách hỗ trợ các loại báo, bản tin, tạp chí của các báo Trung ương được cấp không thu tiền cho vùng đồng bào dân tộc, biên giới và các trường học trên địa bàn tỉnh. Nhìn chung công tác tổ chức thực hiện Quyết định 2427/QĐ-TTg được Tây Ninh thực hiện có hiệu quả; nhiều đầu báo, tạp chí được cấp, phát trực tiếp đến các cơ quan, đơn vị và đối tượng thụ hưởng của chương trình, góp phần quan trọng trong việc đem đời sống văn hoá tinh thần đến với người dân, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá, nghệ thuật của đồng bào dân tộc.

Hiệu quả của Quyết định 2427/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh

Từ năm 2012 đến 2014, Tây Ninh đã cấp phát 798.276 tờ báo, tạp chí, chuyên đề thuộc 20 loại ấn phẩm theo quy định tại Điều 1, Quyết định số 2472/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến UBND các xã biên giới, vùng đồng bào dân tộc và các đơn vị khu vực biên giới trên địa bàn tỉnh.

Ngay từ khi triển khai thực hiện, UBND tỉnh Tây Ninh đã chỉ đạo trực tiếp cho ngành Bưu điện thông qua dịch vụ chuyển phát công ích thực hiện việc cấp phát báo kịp thời đến vùng đồng bào dân tộc, các đồn, chốt biên phòng, các xã biên giới và các trường tiểu học, trung học cơ sở tại các xã biên giới với tần suất 01 chuyến/01ngày. Nhờ được triển khai đồng bộ, chặt chẽ, các loại báo, tạp chí theo Quyết định 2472 đã được cấp phát đúng đối tượng và địa chỉ, tạo thêm niềm tin của nhân dân đối với chính sách của Đảng và Nhà nước.

Có thể khẳng định việc cấp không thu tiền một số loại báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 2472/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã mang lại những lợi ích thiết thực, giúp đồng bào dân tộc và các vùng biên giới nâng cao nhận thức, trình độ dân trí. Chính sách hỗ trợ báo, tạp chí đã cung cấp cho người đọc, người làm công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành ở các vùng đồng bào dân tộc, biên giới nắm nhiều thông tin về chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, các kinh nghiệm tổ chức chỉ đạo xoá đói giảm nghèo, kiến thức làm ăn, chăm sóc sức khoẻ, sử dụng các thiết bị quản lý máy móc, vật dụng trong sản xuất và sinh hoạt, các phong tục tập quán, nét đẹp văn hoá của các dân tộc.... Qua đó, một số cán bộ xã và nhân dân đã tiếp cận được những kiến thức khoa học kỹ thuật, ứng dụng đưa vào sản xuất, các tập quán canh tác cũ, lạc hậu dần dần được loại bỏ. Thông qua các nguồn thông tin, các báo, tạp chí đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho đồng bào các dân tộc, góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá, nghệ thuật của dân tộc.

Những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai

            Quyết định 2472 của Thủ tướng Chính phủ thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến đời sống văn hóa, tinh thần nói riêng và sự phát triển toàn diện, bền vững của vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn nói chung. Thông qua sự chỉ đạo của UBND tỉnh, các cấp uỷ Đảng, chính quyền ở địa phương đã quan tâm tạo mọi điều kiện trong việc triển khai thực hiện Quyết định 2472/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp một số loại báo, tạp chí cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Nội dung và hình thức của các báo, tạp chí từng bước đã có nhiều cải tiến, đề cập đến nhiều mặt của đời sống xã hội, đăng tải kịp thời các hoạt động diễn ra ở vùng đồng bào dân tộc, phổ biến chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là chính sách dân tộc tới đồng bào các dân tộc, nội dung các bài viết cơ bản phù hợp với đồng bào dân tộc thiểu số.

Hiện nay, các  loại báo, tạp chí được ngành Bưu điện cấp, phát chủ yếu chỉ về đến UBND xã, không có người phát về đến các ấp, các chốt biên phòng, một số trường hợp khi báo, tạp chí được chuyển về đến nơi thông tin đã cũ, không còn phù hợp. Công tác quản lý, sử dụng, bảo quản các loại báo, tạp chí tại cơ sở chưa được chú trọng; việc quản lý, kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách của cơ quan chuyên môn còn gặp nhiều khó khăn; Uỷ ban nhân dân xã là nơi tiếp nhận, quản lý và sử dụng các loại báo, tạp chí cấp cho đồng bào dân tộc thiểu số nhưng một số địa phương thiếu quan tâm và chưa nắm rõ chính sách này nên hiệu quả chưa cao.

Về nội dung các bài trên các báo, tạp chí phản ánh chưa đều khắp và chưa phản ánh hết các mặt đời sống đồng bào vùng dân tộc, vùng biên giới...

Giải pháp trong thời gian tới

Việc cấp một số loại báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn sau hơn 03 năm thực hiện đã góp phần tuyên truyền hiệu quả, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những gương người tốt việc tốt, những mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi đến đồng bào vùng dân tộc, biên giới.

Trong những năm tiếp theo, để thực hiện tốt Quyết định 2472, các địa phương, nhất là UBND các xã cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý các ấn phẩm được cấp đối với các đối tượng thụ hưởng; đồng thời tổ chức rà soát các đối tượng được thụ hưởng chính sách hàng năm để có sự bổ sung, điều chỉnh trong kế hoạch thực hiện. Để nội dung các báo, tạp chí đến được với mọi người dân vùng dân tộc, biên giới, UBND các cấp nên chỉ đạo các cơ sở được cấp, phát báo lựa chọn nội dung phù hợp với điều kiện từng địa phương, tổ chức sinh hoạt lồng ghép với các cuộc họp, tập huấn, truyền thông; kịp thời biểu dương những tập thể, cá nhân đã tiếp nhận và áp dụng có hiệu quả các thông tin, kiến thức trong sách, báo, tạp chí vào thực tế cuộc sống. Bên cạnh đó, các ngành liên quan thường xuyên chỉ đạo các địa phương xây dựng tủ sách và quy chế quản lý, khai thác, sử dụng báo, tạp chí nhằm phục vụ tốt và kịp thời nhu cầu cập nhật thông tin của người dân.

Đối với các báo, tạp chí cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về các mô hình kinh tế hiệu quả với từng vùng, kinh nghiệm hay trong chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật..., mục tiêu cuối cùng góp phần giải bài toán giảm nghèo; đẩy mạnh tuyên truyền các gương điển hình tiên tiến vùng đồng bào dân tộc, biên giới, hướng đến Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số toàn quốc diễn ra trong thời gian tới. Qua đó, biểu dương tinh thần, động viên những gương điển hình vùng đồng bào dân tộc, biên giới trong thi đua phát triển kinh tế, khối đại đoàn kết dân tộc.

           Linh Đan

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây