Tây Ninh: Chuyển đổi nền nông nghiệp theo hướng chất lượng cao

Thứ sáu - 25/08/2017 09:00 55 0
Nông nghiệp tỉnh Tây Ninh đã có nhiều chuyển biến tích cực

​Giai đoạn 2011-2015, nông nghiệp tỉnh Tây Ninh đã có nhiều chuyển biến tích cực, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 5,28%/năm; trong đó, trồng trọt tăng 5,15%/năm; chăn nuôi tăng 2,41%/năm (Tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp đạt 12,76%) và dịch vụ nông nghiệp tăng 17,23%/năm. Trong trồng trọt, cây lâu năm, cây thực phẩm nhất là rau quả có tốc độ tăng khá. Tỷ lệ che phủ của rừng đạt 37,8% (bao gồm cả độ che phủ của cây cao su trên địa bàn).

udcnsh.jpg

Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học vào cây trồng. (Ảnh Lê Bi)

Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị và hiệu quả cao, một số vùng chuyên canh cây trồng như: Cao su, mía, mì, mãng cầu, lúa, rau màu... đã hình thành và phát triển ổn định. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 01 ha đất trồng trọt là 86,93 triệu đồng; giá trị sản phẩm thu được trên 01 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản là 526,48 triệu đồng. Ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp ngày càng sâu rộng hơn, góp phần tăng năng suất và chất lượng nông sản. Tỷ lệ sử dụng giống cây trồng vật nuôi, tiến bộ kỹ thuật được nâng lên đáng kể (trên 80%); năng suất tăng từ 5 - 10%, chất lượng nông sản ngày càng nâng cao trong giá trị sản xuất nông nghiệp ; giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm tỷ trọng 11%, phát triển sản phẩm đạt: chất lượng tiêu thụ ở trong nước và xuất khẩu.

Phần lớn các loại cây trồng chính như: Lúa, mía, mì đã thực hiện cơ giới hóa từ khâu làm đất, trồng, chăm sóc đến khâu thu hoạch chiếm tỷ lệ ngày càng cao.

Chăn nuôi phát triển khá mạnh theo mô hình trang trại lạnh, quy mô lớn, chăn nuôi khép kín. Tỷ lệ chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng trang trại tập trung công nghiệp, bán công nghiệp chiếm gần 50% so với tổng đàn (59 trang trại bò sữa với 3.975 con, chiếm 48% tổng đàn bò sữa; đối với heo có 105 trang trại với tổng số 93.668 con, chiếm 48% tổng đàn; 76 trang trại gia cầm (chủ yếu là gà, vịt) với 3.156.472 con, chiếm 55% tổng đàn). Công tác quản lý vật nuôi được thực hiện tốt, đảm bảo các điều kiện vệ sinh môi trường và phòng ngừa dịch bệnh.

Các thành phần kinh tế trong sản xuất nông nghiệp được quan tâm, tạo điều kiện phát triển, đã thành lập mới 2.185 doanh nghiệp (104 doanh nghiệp nông nghiệp), với tổng vốn đăng ký trên 7 ngàn tỷ đồng. Kinh tế tập thể tiếp tục được phát triển, đến năm 2015 có 1.800 tổ hợp tác với gần 60.000 tổ viên, 98 hợp tác xã (56 HTX nông nghiệp). Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại có 107 tổ hợp tác hoạt động theo Nghị định 151/2007/NĐ-CP với trên 2.000 thành viên và 94 hợp tác xã (41 HTX nông nghiệp).

Tuy đạt những thành quả nêu trên nhưng so với tiềm năng, lợi thế của tỉnh vẫn còn một số hạn chế. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch chậm; hiệu quả chăn nuôi thấp. Các mô hình sản xuất trong nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất hàng hóa, giá trị gia tăng thấp; công nghiệp chế biến tuy gắn với xây dựng vùng nguyên liệu nhưng chế biến chưa sâu, một số nông sản nhất là rau quả, cây ăn trái hầu như công nghiệp chế biến chưa phát triển nên giá trị hàng hoá thấp; khoa học công nghệ trong nông nghiệp chưa tương xứng với yêu cầu của nền sản xuất nông nghiệp hiện đại; năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của một số sản phẩm nông nghiệp chưa tương xứng tiềm năng, giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích còn thấp, thương hiệu nông sản chưa được chú trọng.

Mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn sơ khai, quy mô nhỏ, đã định hình tiêu chí sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, nhưng chậm quy hoạch tạo quỹ đất sạch để thu hút các dự án nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp thực hành nông nghiệp tốt, nông nghiệp công nghệ cao còn ít, hạn chế, phát triển thiếu tính bền vững, nhiều rủi ro do chưa có chính sách hỗ trợ tạo được đòn bẩy để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp nhất là thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp.

Phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Nhằm khuyến khích tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư tiếp cận nguồn vốn vay thực hiện đầu tư các dự án phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Tạo ra những sản phẩm an toàn, có chất lượng, hiệu quả cao và bảo đảm môi trường sinh thái. Khai thác hợp lý và có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên; đồng thời tận dụng tối đa lợi thế của địa phương về vị trí địa lý và thị trường tiêu thụ, kết hợp với việc sơ chế, chế biến và bảo quản nhằm nâng cao giá trị sản phẩm thúc đẩy nền nông nghiệp tỉnh Tây Ninh phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện nhanh đời sống nông dân. Hình thành các vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa như: Các loại rau, củ, quả; cây ăn trái; chăn nuôi và thủy sản theo hướng tập trung có chất lượng cao bảo đảm tiêu chuẩn quy định phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Thúc đẩy nhanh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao góp phần tạo giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân đạt 100 triệu đồng/ha; có ít nhất 40% sản lượng nông sản, thực phẩm (bao gồm rau quả, trái cây) được sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, nông nghiệp hữu cơ có thể truy xuất nguồn gốc được và tỷ trọng giá trị nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỷ trọng đạt 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh đến năm 2021, đó là mục tiêu của Đề án Hỗ trợ lãi suất phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (nông nghiệp sạch), nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2017-2021.

Đối tượng áp dụng của Đề án bao gồm pháp nhân và cá nhân có nhu cầu vay vốn để thực hiện dự án sản xuất kinh doanh thực hành sản xuất nông nghiệp tốt; nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nông nghiệp hữu cơ; công nghệ sơ chế, bảo quản và chế biến các sản phẩm nông nghiệp theo quy định.

Về nguyên tắc hỗ trợ lãi suất, trong cùng một thời gian, nhà đầu tư có nhiều chính sách hỗ trợ giống nhau thì chỉ được lựa chọn áp dụng một chính sách hỗ trợ có lợi nhất. Nhà đầu tư chỉ được áp dụng chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay 01lần/dự án trong chu kỳ 10 năm (tính từ ngày hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất theo quy định) để đầu tư phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt; nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nông nghiệp hữu cơ. Trường hợp khi có dự án mới cần thiết phải bổ sung trong khoảng thời gian này hoặc cùng nội dung dự án nhưng có thay đổi về quy mô, công nghệ thì Chủ đầu tư phải có đơn xin chủ trương và được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt sẽ được xem xét bổ sung hỗ trợ tiếp trên vùng dự án.

Theo đó, đối tượng vay vốn có dự án đầu tư được cấp thẩm quyền phê duyệt. Có hợp đồng vay vốn thực hiện dự án đầu tư phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt; nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nông nghiệp hữu cơ; sơ chế, bảo quản và chế biến các sản phẩm nông nghiệp đã được giải ngân tại các chi nhánh Ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; việc hỗ trợ lãi suất chỉ thực hiện đối với khoản vay trả nợ đúng hạn, những khoản vay chuyển sang nợ quá hạn sẽ không được hỗ trợ kể từ thời điểm phát sinh nợ quá hạn.

Đối với Dự án thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp hữu cơ được hỗ trợ 50% mức lãi suất được hỗ trợ sau khi được ngân hàng thương mại giải ngân; nếu sau 03 đến 05 năm (hết thời gian quy định hưởng hỗ trợ lãi suất) kể từ ngày vay vốn mới được cấp giấy chứng nhận VietGAP, VietGAHP, GlobalGAP và hữu cơ theo quy định thì được hỗ trợ 50% mức lãi suất còn lại. Trường hợp hết thời gian quy định được hỗ trợ lãi suất nhưng chưa được cấp chứng nhận theo quy định thì ngưng việc hỗ trợ 50% mức lãi suất còn lại; trong quá trình sản xuất không được cơ quan chức năng chứng nhận sản phẩm đạt GAP mà không chứng minh được việc thực hiện để chứng nhận sản phẩm đạt GAP thì thu hồi phần lãi suất đã hỗ trợ.

Đối với dự án đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khi có biên bản nghiệm thu nội dung, khối lượng công việc đã hoàn thành theo dự án được phê duyệt được hỗ trợ 100% mức lãi suất theo quy định.

Đối với dự án sơ chế, bảo quản và chế biến sản phẩm nông nghiệp khi có biên bản nghiệm thu nội dung, khối lượng công việc đã hoàn thành theo dự án được phê duyệt và đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy định được hỗ trợ 100% mức lãi suất.

Việc hỗ trợ lãi suất được thực hiện vào Quý I năm tiếp theo, trên cơ sở chứng từ thu lãi vay thuộc dự án đầu tư được cấp thẩm quyền phê duyệt của các chi nhánh Ngân hàng thương mại trong năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chi khoản lãi suất hỗ trợ theo quy định trực tiếp cho nhà đầu tư.

Mức trần vốn vay được hỗ trợ lãi suất, đối với pháp nhân, mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất không vượt quá 20 tỷ đồng/dự án; riêng đối với dự án đầu tư chế biến các loại rau quả, cây ăn trái; dự án giết mổ hiện đại (phá lốc, đông lạnh) mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất không vượt quá 40 tỷ đồng/dự án. Đối với cá nhân, mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất không vượt quá 10 tỷ đồng/dự án.

Đề án tập trung các dự án đầu tư phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt; Các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Các dự án nông nghiệp hữu cơ.

Các dự án đầu tư phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt

 Tiêu chí xác định dự án phát triển thực hành nông nghiệp tốt áp dụng theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 của Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14 tháng 3 năm 2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Nhóm dự án lĩnh vực trồng trọt, gồm Sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, an toàn và hiệu quả cao, đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; tập trung vào sản xuất lúa gạo chất lượng cao; các loại rau quả, cây ăn trái như: mãng cầu, chuối, xoài, bưởi, dứa (thơm), chanh dây; Quy mô dự án đầu tư: Áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt có diện tích tối thiểu gắn với quy mô diện tích cánh đồng lớn trở lên hoặc có giá trị đầu tư tối thiểu từ 5 tỷ đồng/dự án trở lên.

Nhóm dự án lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản, gồm chăn nuôi bò thịt, gia cầm (gà thịt lông màu); thủy sản nuôi tôm càng xanh, các loại cá bản địa mà địa phương có thế mạnh như: Cá rô, cá lóc, lươn, ếch, baba áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAHP, GlobalGAP). Dự án chăn nuôi bò thịt 300 con/năm trở lên, gà thịt lông màu 5.000 con/lứa trở lên hoặc đạt tiêu chuẩn VietGAHP; dự án nuôi trồng thủy sản diện tích mặt nước từ 05 ha trở lên hoặc có giá trị đầu tư tối thiểu 10 tỷ đồng/dự án trở lên.

Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, mức hỗ trợ lãi suất là 2%/năm, thời gian hỗ trợ không quá 2 năm; đối với cây ăn trái, rau, hoa trong nhà màng, nhà kính thời gian hỗ trợ không quá 5 năm.

Các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Tiêu chí xác định dự án nông nghiệp ứng dụng công nghiệp cao theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 của Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14 tháng 3 năm 2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Nhóm dự án công nghệ sinh học bao gồm sản xuất các chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp: Phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh; thuốc bảo vệ thực vật, thuốc điều hòa sinh trưởng, chế phẩm xử lý môi trường có nguồn gốc sinh học; Lai tạo giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản có ứng dụng các kỹ thuật sinh học phân tử để tạo ra các giống cây, con mới có các đặc tính ưu việt (năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng kháng bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu); Ứng dụng công nghệ nhân giống bằng nuôi cấy mô tế bào, đột biến phóng xạ đối cây trồng, vật nuôi và công nghệ tế bào động vật trong đông lạnh tinh, phôi và cấy chuyển hợp tử, phân biệt giới tính, thụ tinh ống nghiệm sản xuất giống vật nuôi phù hợp điều kiện của tỉnh; Sản xuất vắc-xin thú y để phòng bệnh cho vật nuôi; Sản xuất giống cây trồng (sản xuất hạt giống lai hoặc giống cấy mô hoặc chiết, ghép, giâm cành nhân nhanh giống) có năng suất, chất lượng cao phù hợp nhu cầu phát triển nông nghiệp địa phương, đạt tiêu chuẩn theo quy định; Sản xuất heo giống (từ giống ông, bà trở lên) có năng suất, chất lượng cao và bảo đảm cung cấp con giống đạt tiêu chuẩn phục vụ phát triển ngành chăn nuôi của tỉnh; Ứng dụng công nghệ vi sinh, enzym và protein ứng dụng sản xuất quy mô công nghiệp các chế phẩm sinh học dùng trong dinh dưỡng, bảo vệ cây trồng, vật nuôi; Công nghệ sinh học (nghiên cứu thiên địch) trong quản lý và phòng trừ dịch sâu, bệnh hại cây trồng nông lâm nghiệp; sinh học phân tử và miễn dịch học, vi sinh vật học trong phòng, trị một số loại dịch bệnh nguy hiểm đối với thủy sản.

Nhóm dự án công nghệ tự động hóa bao gồm cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất, thu hoạch, chế biến và bảo quản sau thu hoạch các loại rau, quả; Tự động hóa trong tưới tiêu, kết hợp dinh dưỡng trong canh tác rau quả, hoa, nấm ăn, nấm dược liệu trong nhà kính, nhà màng; Tự động hóa, bán tự động trong quá trình chăn nuôi quy mô lớn đối với bò thịt, gia cầm (gà thịt lông màu), thâm canh nuôi trồng thủy sản tôm càng xanh, các loại cá bản địa mà địa phương có thế mạnh như: Cá rô, cá lóc, lươn, ếch, baba, đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm theo quy định; chăn nuôi quy mô công nghiệp thì áp dụng cho tất cả sản phẩm vật nuôi.

Nhóm dự án kỹ thuật canh tác, nuôi trồng: Ứng dụng kỹ thuật canh tác (không dùng đất): thủy canh, khí canh, trồng cây trên giá thể, màng dinh dưỡng; công nghệ tưới phun, tưới nhỏ giọt có hệ thống điều khiển tự động, bán tự động; công nghệ nhà kính, nhà lưới, nhà màng có hệ thống điều khiển tự động hoặc bán tự động; thâm canh và quản lý cây trồng tổng hợp (ICM); công nghệ nuôi thâm canh, nuôi siêu thâm canh thủy sản và xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản; Nhân giống và sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu trong nhà màng, nhà kính có hệ thống điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng thích hợp; Sản xuất các loại rau, quả, hoa lan trong nhà lưới, nhà màng, nhà kính áp dụng công nghệ thủy canh hoặc tưới nước tiết kiệm, điều tiết tự động dinh dưỡng, ánh sáng; Chăn nuôi bò thịt, gia cầm (gà thịt lông màu); thủy sản nuôi tôm càng xanh, các loại cá bản địa mà địa phương có thế mạnh như: Cá rô, cá lóc, lươn, ếch, baba, đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm theo quy định; chăn nuôi quy mô công nghiệp thì áp dụng cho tất cả sản phẩm vật nuôi.

Lĩnh vực trồng trọt áp dụng theo quy mô diện tích tối thiểu cánh đồng lớn trở lên hoặc giá trị đầu tư tối thiểu 5 tỷ đồng/dự án trở lên. Lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản: Dự án chăn nuôi heo giống (ông, bà trở lên) từ 100 con/năm trở lên; dự án chăn nuôi bò thịt 500 con/năm trở lên, gà thịt lông màu 10.000 con/lứa trở lên theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp; dự án nuôi trồng thủy sản diện tích mặt nước từ 05 ha trở lên hoặc giá trị đầu tư tối thiểu 10 tỷ đồng/dự án trở lên.

Nhóm dự án lĩnh vực sơ chế, bảo quản và chế biến: Đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm khép kín có hệ thống pha lốc, đông lạnh đạt tiêu chuẩn chất lượng HACCP, GMP, SSOP; an toàn thực phẩm; Quy mô dự án đầu tư: Dự án giết mổ gia súc, gia cầm công suất giết mổ ngày/đêm đạt tối thiểu là 400 con gia súc hoặc 4.000 con gia cầm hoặc 200 con gia súc và 2.000 con gia cầm; Sơ chế, bảo quản và chế biến các loại rau, củ, quả; cây ăn quả bảo đảm đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm theo các quy định hiện hành; Ứng dụng công nghệ chiếu xạ, công nghệ xử lý hơi nước nóng, công nghệ xử lý nước nóng, công nghệ sấy lạnh, sấy nhanh trong bảo quản nông sản; Ứng dụng công nghệ mới trong bảo quản và chế biến nông sản: công nghệ bao gói khí quyển kiểm soát; công nghệ bảo quản lạnh nhanh kết hợp với chất hấp thụ etylen để bảo quản rau, hoa, quả tươi.

Dự án lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản: Mức hỗ trợ lãi suất là 2,5%/năm, thời gian hỗ trợ không quá 3 năm; Dự án lĩnh vực sơ chế, bảo quản và chế biến; giết mổ gia súc, gia cầm: Mức hỗ trợ lãi suất là 3%/năm, thời gian hỗ trợ không quá 5 năm.

Các dự án nông nghiệp hữu cơ

Nhóm dự án lĩnh vực trồng trọt: Sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ có chất lượng, an toàn và hiệu quả cao, đạt tiêu chuẩn hữu cơ, sản xuất lúa gạo hàng hóa chất lượng cao; các loại rau quả, cây ăn trái như: mãng cầu, chuối, xoài, bưởi, dứa (thơm), chanh dây. Quy mô dự án đầu tư: Dự án nông nghiệp hữu cơ diện tích từ 05 ha trở lên hoặc có giá trị đầu tư 5 tỷ đồng trở lên/dự án.

Nhóm dự án lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản: Khuyến khích phát triển chăn nuôi bò thịt, heo gia cầm (gà thịt lông màu); thủy sản nuôi tôm càng xanh, các loại cá bản địa mà địa phương có thế mạnh như: Cá rô, cá lóc, lươn, ếch, baba đạt tiêu chuẩn hữu cơ;

Dự án chăn nuôi heo giống (ông, bà trở lên) từ 50 con/năm trở lên; chăn nuôi heo thịt 500 con/năm trở lên; bò thịt 100 con/năm trở lên; gà thịt lông màu 5.000 con/lứa trở lên. Dự án nuôi trồng thủy sản diện tích mặt nước từ 05 ha trở lên hoặc có giá trị đầu tư 10 tỷ đồng trở lên/dự án. Mức hỗ trợ lãi suất là 3%/năm, thời gian hỗ trợ không quá 5 năm.

Nguồn kinh phí thực hiện từ ngân sách tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác: Dự kiến tổng kinh phí thực hiện: 49.645 triệu đồng.

MN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây