Thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới

Thứ sáu - 18/08/2017 16:00 199 0
Môi trường là tiêu chí thứ 17 trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM), với mục tiêu bảo vệ môi trường sinh thái ở khu vực nông thôn, giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống. Mặc dù vậy, đây cũng là một trong những tiêu chí gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.

Nhằm giúp các địa phương thực hiện để đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM, Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành hướng dẫn việc thực hiện đánh giá, trình tự thủ tục, hồ sơ đề nghị công nhận và duy trì đạt chỉ tiêu 17.2; 17.3 và 17.5 thuộc tiêu chí 17 đối với xã đạt chuẩn NTM thuộc tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016-2020.

Hướng dẫn này quy định về bảo vệ môi trường; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, các cơ sở, hộ cá thể sản xuất kinh doanh, chăn nuôi, chế biến và hộ gia đình cá nhân có liên quan để thực hiện đánh giá, trình tự thủ tục, hồ sơ đề nghị công nhận và duy trì đạt chỉ tiêu 17.2; 17.3 và 17.5 thuộc tiêu chí 17 về Môi trường và an toàn thực phẩm của Bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020.

Hướng dẫn này áp dụng đối với các cơ sở, hộ cá thể sản xuất kinh doanh, dịch vụ, chăn nuôi, chế biến, làng nghề . . . (cơ sở); các cơ quan quản lý nhà nước cấp huyện, cấp xã, các tổ tự quản và hộ gia đình, cá nhân thuộc địa bàn các xã trên địa bàn tỉnh Tây Ninh thực hiện xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020.

Đối với xã công nhận lần đầu đạt chuẩn NTM

Thực hiện và đánh giá chỉ tiêu 17.2 về tỷ lệ cơ sở sản xuất – kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường (gọi tắt chỉ tiêu 17.2).

Các cơ sở sản xuất, chế biến, chăn nuôi, kinh doanh, dịch vụ tổ chức điều tra, thống kê và cập nhật, bổ sung các dự án/cơ sở hoạt động trên địa bàn xã thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết hoặc Kế hoạch bảo vệ môi trường, Đề án bảo vệ môi trường (hồ sơ môi trường) đã lập và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc xác nhận theo quy định của pháp luật; thực hiện đầy đủ các biện pháp quản lý, xử lý chất thải để bảo vệ môi trường đã đăng ký, cam kết trong hồ sơ môi trường được phê duyệt và các quy định tại Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT ngày 14/10/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh dịch vụ tập trung, làng nghề và cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ (Thông tư số 31). Được cấp có thẩm quyền kiểm tra xác nhận hoặc thông báo kết quả đã thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định, không gây ô nhiễm môi trường. Thực hiện quan trắc, giám sát môi trường theo hồ sơ môi trường được phê duyệt hoặc xác nhận và nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải theo quy định của pháp luật

Khu nuôi trồng thủy sản tập trung trên địa bàn các xã phải phù hợp với quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản được cấp có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện thu gom, xử lý triệt để chất thải phát sinh, đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh thủy sản theo quy định, không gây ô nhiễm môi trường.; Không sử dụng thuốc thú y thủy sản, hóa chất đã hết hạn sử dụng hoặc ngoài danh mục cho phép trong nuôi trồng thủy sản theo quy định tại Thông tư số 10/2016/TT-BNNPTNT ngày 01/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành danh mục thuốc thú y được phép lưu hành, cấm sử dụng ở Việt Nam.

Uỷ ban nhân dân cấp xã có làng nghề được công nhận phải lập phương án bảo vệ môi trường cho từng làng nghề trên địa bàn, trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt và bố trí nguồn lực để thực hiện theo Thông tư số 31; Xây dựng kế hoạch, lộ trình và từng bước đầu tư nâng cấp, hoàn thiện kết cấu hạ tầng bao gồm: hệ thống thu gom nước mưa, nước thải, hệ thống xử lý nước thải tập trung (nếu có) đảm bảo xử lý toàn bộ nước thải phát sinh đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường tương ứng; Thực hiện các quy định về quản lý, xử lý rác thải, chất thải nguy hại phát sinh  như: có điểm tập kết, lưu giữ  rác thải tạm thời, kho lưu giữ chất thải nguy hại hợp vệ sinh, hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định.

Việc đánh giá công nhận được thực hiện nếu có 100% cơ sở sản xuất - kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường

Thực hiện và đánh giá chỉ tiêu 17.3 về xây dựng cảnh quan, môi trường xanh – sạch – đẹp, an toàn (gọi tắt chỉ tiêu 17.3)

 Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành Quyết định thành lập tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường của mỗi ấp, có lực lượng, phương tiện và quy chế hoạt động để bảo vệ môi trường trên địa bàn quản lý; Mỗi xã có phương án thực hiện xây dựng cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp phù hợp với đặc điểm tự nhiên, sinh thái, văn hóa của địa phương gồm:

 Hàng năm vào các ngày lễ, tổ chức phát động trồng cây xanh (bao gồm cả cây bóng mát, cây cảnh, hoa và thảm cỏ) phù hợp với quy hoạch được phê duyệt, ưu tiên trồng ở các nơi công cộng, trụ sở UBND xã, trường học, trạm y tế, trung tâm văn hóa thể thao, chợ. Diện tích cây xanh tối thiểu bằng hoặc lớn hơn 2m2/người. Nếu có hồ sinh thái thì phải nạo vét, tu bổ thường xuyên nhằm tạo không gian, cảnh quan môi trường; có rào chắn, biển cảnh báo khu vực nguy hiểm để an toàn cho người dân

Vận động các hộ dân thường xuyên làm vệ sinh khu vực ven đường (phần trước nhà mình) như dọn cỏ, khai thông mương thoát nước, cải tạo vườn tạp, chỉnh trang hàng rào có cây xanh hoặc phủ cây xanh được cắt tỉa gọn gàng không làm làm cản trở giao thông, cổng ngõ không lầy lội . . . Vận động các tổ chức đoàn thể và các hộ dân làm vệ sinh ở những nơi công cộng vào các ngày lễ trong năm.

 Các khu vực công cộng (chợ, đường giao thông . . . ) không có tình trạng xả rác, đốt rác gây mất cảnh quan và ô nhiễm môi trường; không lấn chiếm lề đường gây mất an toàn giao thông. 

Việc đánh giá công nhận căn cứ vào việc có thực hiện đầy đủ các nội dung nêu trên, đảm bảo cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp, an toàn

Thực hiện và đánh giá chỉ tiêu 17.5 về chất thải rắn trên địa bàn và nước thải khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất – kinh doanh được thu gom, xử lý theo quy định (gọi tắt chỉ tiêu 17.5)

 Về nước thải, tại Khu dân cư tập trung, mỗi khu của ấp, xã phải có hệ thống tiêu thoát nước mưa, nước thải bảo đảm tiêu thoát nước mưa, nước thải đảm bảo nhu cầu tiêu thoát nước của khu vực, không có hiện tượng tắc nghẽn, tù đọng nước thải và ngập úng; có điểm thu gom được lượng nước thải phát sinh tối thiểu của khu dân cư tập trung là 80%, khu dân cư không tập trung là 60% của các hộ gia đình, cơ sở và có biện pháp xử lý phù hợp trước khi xả vào kênh, mương, sông, suối, ao hồ; Đối với khu dân cư do địa hình khó khăn không thể xây dựng được hệ thống tiêu thoát nước tập trung thì các hộ gia đình phải có công trình thu gom và xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường.

 Cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, dịch vụ, chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản phải có công trình, biện pháp bảo vệ môi trường để thu gom xử lý nước thải đã cam kết theo hồ sơ môi trường được phê duyệt hoặc xác nhận và các quy định được nêu tại chỉ tiêu 17.2.

Về chất thải rắn (rác thải), đối với bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, phụ phẩm nông nghiệp, tổ chức thu gom, vận chuyển và xử lý toàn bộ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi đã sử dụng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 16/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Không vứt, đổ bừa bãi ra môi trường, khu vực trồng trọt, chăn nuôi, kênh mương, ao hồ, sông suối các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y hết hạn sử dụng, các loại bao bì sau khi sử dụng trong chăn nuôi, trồng trọt.

 Cơ sở sản xuất, hộ gia đình phải thu gom sử dụng lại các phụ phẩm từ nông nghiệp để làm phân bón, thức ăn gia súc, sản xuất nấm . . . hoặc hợp đồng với tổ chức thu gom, xử lý theo quy định. Không đốt rơm rạ hoặc vứt bỏ bừa bãi.

 Rác thải phát sinh từ khu dân cư, phải Phân loại, thu gom, lưu giữ rác thải. Trong đó,  rác thải sinh hoạt phát sinh từ các hộ gia đình được thu gom từ 75% trở lên và  khuyến khích phân loại thành: nhóm hữu cơ dễ phân hủy; nhóm có khả năng tái sử dụng, tái chế; nhóm không thể tái sử dụng, tái chế hoặc ủ làm phân thì phải xử lý theo quy định và được thu gom hàng ngày hoặc cách ngày, lưu giữ trong bao bì hoặc thiết bị phù hợp, đảm bảo vệ sinh môi trường và vận chuyển tới nơi lưu giữ rác tạm thời của địa phương để chuyển đến khu xử lý tập trung theo quy hoạch của tỉnh. Không có trường hợp xả rác, đốt rác bừa bãi tại các nơi công công, đường giao thông trên địa bàn xã; Mỗi xã bố trí một điểm lưu giữ rác tạm thời có diện tích từ 200-500m2, nền cao hơn mặt đất tự nhiên 30cm và được che chắn đảm bảo không bị nước mưa, động vật làm phát tán chất ô nhiễm ra môi trường. Điểm lưu giữ rác tạm thời phải có khoảng cách vệ sinh đạt ≥ 20m đến khu vực dân cư tập trung, thuận tiện về giao thông để người dân thực hiện; Mỗi khu dân cư bố trí từ 1-2 thùng chứa rác tập trung và thành lập tổ tự quản về bảo vệ môi trường hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, cộng đồng trách nhiệm, tuân theo quy định của pháp luật; đôn đốc hộ gia đình, cá nhân thực hiện quy định về giữ gìn vệ sinh môi trường; thu gom, phân loại và xử lý rác tại khu dân cư và nơi công cộng; vận động nhân dân xóa bỏ hủ tục, thói quen mất vệ sinh, có hại cho sức khỏe và môi trường.

Việc xử lý rác sinh hoạt phát sinh ở khu dân cư nông thôn sau khi được phân loại, nếu không thể  tái chế, tái sử dụng hoặc ủ làm phân bón thì phải chuyển về các khu xử lý rác tập trung để xử lý triệt để, không gây ô nhiễm môi trường. Trong đó nêu rõ: Đơn vị phụ trách thu gom, vận chuyển; Chủng loại, số lượng phương tiện vận chuyển; Cách thức phân loại; Tần suất, lịch trình thu gom đối với từng cụm dân cư;  Vị trí các điểm lưu giữ rác tạm thời. Các điểm bố trí thùng chứa rác tập trung của các khu dân cư. Rác sinh hoạt phát sinh ở các hộ gia đình ở đơn lẻ, phân tán, cách xa khu tập trung dân cư, rác thải chủ yếu là chất hữu cơ nếu chưa có dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý tập trung thì khuyến khích tự xử lý tại gia đình như ủ làm phân hữu cơ.

 Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chăn nuôi/giết mổ gia súc/gia cầm phải thực hiện quy định về quản lý, xử lý rác thải theo hồ sơ môi trường được phê duyệt hoặc xác nhận. Chất thải nguy hại thực hiện quy định tại Thông tư 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 về quản lý chất thải nguy hại.

Việc đánh giá công nhận chất thải rắn trên địa bàn và nước thải khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất - kinh doanh được thu gom, xử lý theo quy định tại Hướng dẫn này.

        Đối với xã đã công nhận, được duy trì đạt chỉ tiêu 17.2; 17.3 và 17.5 

Do nội dung hướng dẫn thực hiện chỉ tiêu 17.2, 17.3 có một số thay đổi so với giai đoạn 2011-2015 và bổ sung thêm chỉ tiêu 17.5, nên các xã đã được công nhận theo các văn bản hướng dẫn trước đây, để được duy trì giai đoạn 2016-2020 thì hàng năm phải xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các biện pháp đã đạt và bổ sung các nội dung và chỉ tiêu mới. Cụ thể, đối với việc thực hiện và đánh giá chỉ tiêu 17.2, hàng năm, tổ chức cập nhật các cơ sở sản xuất kinh doanh, chế biến, chăn nuôi gia súc, gia cầm… mới phát sinh (cơ sở) trên địa bàn xã so với thời điểm đã được thống kê, phân loại của năm đánh giá được công nhận và bổ sung các cơ sở nuôi trồng thủy sản, làng nghề (nếu có) để bổ sung vào danh sách cơ sở trên địa bàn xã; Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện/thành phố yêu cầu các cơ sở phải lập xác nhận hồ sơ môi trường trình UBND cấp huyện, thành phố xác nhận và tổ chức kiểm tra, thông báo kết quả về việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường của các cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý như đã nêu trên của hướng dẫn này, xử lý kịp thời các vi phạm theo pháp luật quy định. Không có cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Thực hiện và đánh giá chỉ tiêu 17.3, duy trì các nội dung thực hiện và đánh giá theo các nội dung đã nêu trên của hướng dẫn này đảm bảo có hệ thống cây xanh phù hợp với quy hoạch được phê duyệt; vận động các hộ dân thường xuyên làm vệ sinh môi trường; Không có tình trạng xả rác, đốt rác nơi công cộng, chợ, các tuyến đường giao thông, ao hồ, kênh mương, sông suối . . . gây mất cảnh quan và ô nhiễm môi trường; không lấn chiếm lề đường ảnh hưởng  an toàn giao thông. Luôn đảm bảo cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp và an toàn.

Thực hiện và đánh giá chỉ tiêu 17.5, do đây là chỉ tiêu mới quy định phải thực hiện trong giai đoạn 2016-2020, nên phải bổ sung đầy đủ các nội dung thực hiện và đánh giá theo nội dung trên của hướng dẫn này, đảm bảo nước thải Khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, dịch vụ, chăn nuôi,giết mổ gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản . . . và rác thải từ thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, phụ phẩm nông nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chăn nuôi/giết mổ gia súc/gia cầm, nuôi trồng thủy sản ... được thu gom, xử lý theo quy định tại hướng dẫn này.

Hồ sơ đề nghị xét, công nhận lần đầu hoặc đề nghị được duy trì đạt chỉ tiêu 17.2; 17.3 và 17.5 bào gồm: Tờ trình đề nghị công nhận xã đạt hoặc được duy trì chỉ tiêu 17.2, 17.3 và 17.5 do Chủ tịch UBND xã ký, đóng dấu; Báo cáo kết quả thực hiện chỉ tiêu 17.2, 17.3, 17.5 theo nội dung của hướng dẫn này, các số liệu chi tiết như: danh sách cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn xã, tình hình thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường của cơ sở … phải bổ sung vào phụ lục báo cáo và được Chủ tịch UBND cấp xã ký, đóng dấu; Biên bản họp của UNBD xã đề nghị công nhận hoặc công nhận lại và các tài liệu liên quan: Báo cáo kết quả điều tra, phân loại các cơ sở theo Nhóm A, B, C và đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường trên địa bàn xã.

    Trình tự, thủ tục để công nhận lần đầu hoặc đề nghị được duy trì trước ngày 15 tháng 11 hàng năm, UBND xã gửi báo đánh giá kết quả thực hiện chỉ tiêu 17.2, 17.3, 17.5 theo nôi dung của hướng dẫn này gửi về UBND huyện, thành phố (qua Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, thành phố) để xem xét. Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thành phố có trách nhiệm thẩm tra báo cáo kết quả thực hiện chỉ tiêu 17.2, 17.3, 17.5 của các xã và báo cáo kết quả thẩm tra về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổ chức kiểm tra, xem xét có ý kiến và báo cáo Ban chỉ đạo tỉnh trước ngày 15 tháng 12 hàng năm. Sau 05 năm kể từ khi công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã phải thực hiện trình tự, thủ tục và hồ sơ đề nghị công nhận lại chỉ tiêu 17.2,  17.3 và 17.5 như công nhận lần đầu.

Tại hướng dẫn, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho chủ cơ sở, hộ gia đình, cá nhân về bảo vệ môi trường, tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường, Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã.

Trong đó, chủ cơ sở thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung của hồ sơ môi trường được phê duyệt hoặc xác nhận và các quy định của địa phương về bảo vệ môi trường như: xử lý nước thải, khí thải, bụi, tiếng ồn, quản lý và xử lý rác thải, chất thải nguy hại, đánh giá hiệu quả xử lý các chất thải và nghĩa vụ thực hiện nộp các loại phí, lệ phí theo quy định của pháp luật. Báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân cấp xã trước ngày 15 tháng 10 hàng năm để tổng hợp .

Hộ gia đình, cá nhân về bảo vệ môi trường thu gom và chuyển rác thải sinh hoạt đến đúng nơi quy định của địa phương. Nước thải phải có công trình thu gom và xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường; Không được phát tán khí thải, gây tiếng ồn và tác nhân khác gây ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt của cộng đồng dân cư xung quanh; nộp đủ và đúng thời hạn các loại phí bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; Tham gia hoạt động vệ sinh môi trường khu phố, đường làng, ngõ xóm, nơi công cộng và hoạt động tự quản về bảo vệ môi trường của cộng đồng dân cư; Có công trình vệ sinh, nếu chăn nuôi gia súc, gia cầm phải xử lý chất thải  bảo đảm vệ sinh, an toàn đối với khu vực;

Tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường kiểm tra, đôn đốc hộ gia đình, cá nhân thưc hiện quy định về giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường; tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ hủ tục, thói quen mất vệ sinh, có hại cho sức khoẻ và môi trường; Tổ chức thu gom, tập kết và xử lý chất thải; Giữ gìn vệ sinh môi trường tại khu dân cư và nơi công cộng; Tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn.

Ủy ban nhân dân cấp xã thành lập tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường của mỗi ấp, có lực lượng, phương tiện và quy chế hoạt động để bảo vệ môi trường trên địa bàn quản lý, xây dựng phương án và tổ chức thực hiện cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp phù hợp với đặc điểm tự nhiên, sinh thái, văn hóa của địa phương; Tổ chức việc quản lý, vận hành và duy tu, bảo dưỡng theo đúng quy định khi được bàn giao, tiếp nhận, quản lý các dự án, công trình thuộc kết cấu hạ tầng về bảo vệ môi trường của địa phương.  Ban hành quy chế hoạt động và tạo điều kiện để tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường hoạt động có hiệu quả theo quy định tại Điều 83 Luật Bảo vệ môi trường. Huy động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn để đầu tư, xây dựng, vận hành, duy tu và cải tạo các công trình thuộc kết cấu hạ tầng về bảo vệ môi trường trên nguyên tắc dân chủ, tự nguyện. Việc quản lý các khoản đóng góp này phải công khai, có kiểm tra, kiểm soát và đảm bảo sử dụng đúng mục đích, đúng chế độ quy định. Tổ chức kiểm tra, hướng dẫn cơ sở nhỏ, hộ gia đình cá nhân thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và xử lý vi phạm theo thẩm quyền; tham gia kiểm tra, giám sát bảo vệ môi trường đối với các cơ sở trên địa bàn theo yêu cầu của cơ quan cấp trên. Thực hiện tuyên truyền, phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức cho người dân về trách nhiệm bảo vệ môi trường; khuyến khích các cơ sở tận thu, tái chế, tái sử dụng và xử lý tại chỗ các loại chất thải. Công bố các thông tin về bảo vệ môi trường trên các phương tiện thông tin, truyền thông của địa phương, thông qua các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương và trong các cuộc họp Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân cấp xã. Báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện (thông qua Phòng Tài nguyên và Môi trường) về tình hình thực hiện chỉ tiêu 17.2, 17.3 và 17.5 trước ngày 30 tháng 10 hàng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu.

          Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, hướng dẫn thực hiện chỉ tiêu 17.2, 17.3 và 17.5 thuộc tiêu chí 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới cho Ủy ban nhân dân cấp xã, tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường và cộng đồng dân cư; Chỉ đạo phòng chuyên môn chủ trì, phối hợp Ủy ban nhân dân cấp xã xây dựng nông thôn mới đã được công nhận và các xã đăng ký công nhận lần đầu để tổ chức rà soát cập nhật, bổ sung các cơ sở phát sinh, hướng dẫn thực hiện hồ sơ môi trường và tổ chức kiểm tra, thanh tra theo thẩm quyền việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường đã đăng ký, cam kết trong hồ sơ môi trường được xác nhận, thông báo kết quả kiểm tra làm cơ sở đánh gia chỉ tiêu 17.2 theo hướng dẫn này. Phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, đánh giá việc thực hiện hướng dẫn này; Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn quản lý theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý, đảm bảo xã công nhận nông thôn mới không có cơ sở gây ô nhiễm môi trường; Hàng năm ưu tiên phân bổ kinh phí sự nghiệp môi trường theo quy định tại Thông tư số 02/2017/TT-BTC ngày 06/01/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường và văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh về phân cấp nhiệm vụ chi kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Tây Ninh và các nguồn ngân sách nhà nước khác cho các xã đăng ký xây dựng nông thôn mới thực hiện nội dung các chỉ tiêu 17.2, 17.3 và 17.5 về bảo vệ môi trường.

Tiêu chí môi trường về nông thôn mới nhằm hướng đến mục tiêu bảo vệ, nâng cao chất lượng môi trường sinh thái ở khu vực nông thôn. Qua thực tiễn triển khai, có thể thấy rằng, thực trạng mức độ đáp ứng của tiêu chí này chưa đạt so với yêu cầu theo Chương trình xây dựng NTM. Nhằm phấn đấu có 64/80 xã đạt tiêu chí môi trường theo kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong năm 2017, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn của các cấp, các ngành, tập trung hỗ trợ nguồn lực và sự nỗ lực trong nhân dân.

MN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây