Nhờ thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH mà đời sống tinh thần của nhân dân được nâng lên (Ảnh: Thế Dương) |
Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” ra đời năm 1998, đã đề ra 5 quan điểm, 10 nhiệm vụ cụ thể và 4 nhóm giải pháp, trong đó, nhóm giải pháp số 1, có ý nghĩa then chốt là: “Mở cuộc vận động giáo dục chủ nghĩa yêu nước gắn với thi đua yêu nước và Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Kết luận Hội nghị Trung ương 10 (khóa IX) cũng đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là: Tiếp tục đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa lành mạnh trong xã hội, trước hết là trong các tổ chức Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và trong từng cá nhân, gia đình, thôn xóm, đơn vị, tổ chức cơ sở… Chú trọng xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, nhất là cộng đồng dân cư, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tốt đẹp, phong phú…
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII), ngày 23/12/1999, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 235/1999/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo cuộc vận động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” với 22 Bộ, ngành thành viên. Ngày 21/4/2000, tại tỉnh Quảng Nam, Ban Chỉ đạo Trung ương phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" đã ra mắt. Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm trực tiếp chỉ đạo và thay mặt Chính phủ chính thức phát động phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" trong toàn quốc. Phong trào này kế thừa những thành tựu, kinh nghiệm, kết quả đạt được từ các phong trào “Đời sống mới” (Năm 1961), xây dựng “gia đình văn hoá”, “làng văn hoá” (năm 1991) và phong trào “TDĐKXDĐSVH ở khu dân cư ” (năm 1995).
Phong trào là sợi dây đan kết các phong trào hiện có về xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở. Mục tiêu chung của phong trào là đoàn kết xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống tốt đẹp; đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá phong phú, lành mạnh, đẩy lùi tệ nạn xã hội.
Trong phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" có các phong trào cụ thể là: Phong trào xây dựng người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến; Phong trào xây dựng gia đình văn hoá; Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư; Phong trào Xây dựng làng, bản, ấp, khu phố văn hoá; Phong trào Xây dựng công sở, doanh nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang… có nếp sống văn hoá; Phong trào Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại; Đẩy mạnh phong trào học tập, lao động sáng tạo.
Nhận thức sâu sắc về ý nghĩa và vai trò quan trọng của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trên cả nước đã kịp thời xây dựng kế hoạch triển khai phong trào với những nội dung thiết thực, mang tính khả thi. Công tác phối hợp hoạt động giữa các thành viên Ban Chỉ đạo tiến hành chặt chẽ, từng bước đã đem lại hiệu quả thiết thực, khơi dậy ý thức đoàn kết và tinh thần tự quản trong từng khu dân cư; phương pháp tiến hành đẩy mạnh nâng cao chất lượng phong trào kết hợp giữa công tác tuyên truyền, thuyết phục, làm cho nhân dân thấy lợi ích của mình gắn với lợi ích chung của cộng đồng. Nhờ vậy, phong trào đã có tác động tốt đến đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội và ý thức chấp hành của người dân...
Qua hơn 10 năm thực hiện, Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" ngày càng mở rộng và phát triển nhanh chóng trên phạm vi cả nước, thực sự đi vào cuộc sống và trở thành cuộc vận động về văn hoá của quần chúng rộng lớn chưa từng có. Thông qua phong trào, văn hoá từng bước thấm sâu vào con người, từng gia đình, từng cộng đồng dân cư, làng, thôn, ấp, bản…
Về phong trào người tốt việc tốt, kết quả đã có trên 1.200.000 “Người tốt, việc tốt” được suy tôn ở các cấp. Trong đó, ở cấp tỉnh trên 249.000 người, cấp huyện trên 239.000 người và cấp xã trên 712.000 người.
Phong trào xây dựng gia đình văn hóa cũng không ngừng phát triển, góp phần nâng cao vai trò, vị trí của gia đình trong xây dựng đời sống văn hóa, đời sống kinh tế - xã hội. Đến nay, cả nước đã có 16.026.599/22.628.167 gia đình văn hóa được công nhận, (đạt tỷ lệ 70,8%); gần 1.120.000 gia đình văn hóa tiêu biểu được khen thưởng ở các cấp (đạt tỷ lệ 15%); trên 16.000 gia đình văn hóa đã làm giàu từ sản xuất nông nghiệp hàng hóa, mở mang ngành, nghề, thu hút và tạo việc làm cho hàng vạn lao động ở nông thôn.
Phong trào xây dựng làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và văn hóa, tinh thần của người dân ở các cộng đồng dân cư. Từ 17.651 làng (thôn, ấp, bản…) văn hóa, tổ dân phố (khu phố, khu dân cư) văn hóa được công nhận năm 2000, đến năm 2010, cả nước đã có 58.284/86.761 làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa được công nhận (đạt tỷ lệ 67%; trên 8.000 làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa tiêu biểu được khen thưởng ở các cấp (đạt tỷ lệ 15%), có cơ sở vật chất hạ tầng kinh tế, văn hóa - xã hội khang trang, sạch, đẹp; trên 70% số làng văn hóa thực hiện tốt quy chế dân chủ; gần 80% số làng văn hóa đạt chuẩn về vệ sinh môi trường.
Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã tạo chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cộng đồng dân cư. Đến nay, đã có 65.047 (61,4%) đạt danh hiệu khu dân cư tiên tiến. Phong trào được duy trì thường xuyên từ 8.707 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận đơn vị đạt chuẩn văn hóa năm 2000; đến năm 2010, đã có 37.971 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận đơn vị đạt chuẩn văn hóa. Đại bộ phận các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa có môi trường làm việc xanh - sạch - đẹp và an toàn...
Bên cạnh những thành tựu đạt được, Phong trào TDĐKXDĐSVH ở nhiều nơi còn bộc lộ những tồn tại, khó khăn. Phong trào phát triển chưa đồng đều giữa các khu vực, vùng miền. Nhiều nội dung văn hóa trong Phong trào TDĐKXDĐSVH chưa được thực hiện đầy đủ, kết quả đạt được còn thấp. Chất lượng của các phong trào cụ thể trong Phong trào TDĐKXDĐSVH còn nhiều yếu kém. Việc bình xét công nhận gia đình văn hóa nhiều nơi chưa chặt chẽ; thiếu công khai, dân chủ; chưa bám sát tiêu chuẩn. Tổ chức biểu dương, tôn vinh gia đình văn hóa chưa chu đáo, khen thưởng chưa kịp thời. Vẫn còn hiện tượng gắn biển gia đình văn hóa tràn lan, hình thức, gây phản cảm trong dư luận, công nhận gia đình văn hóa vượt cấp, không theo quy định của Luật Thi đua - Khen thưởng; dẫn đến thực trạng tỷ lệ gia đình đạt chuẩn văn hóa cao nhưng nếp sống văn hóa – văn minh đô thị chậm chuyển biến. Các thói hư, tật xấu, tệ nạn xã hội vẫn còn tồn tại khá cao.
Để hạn chế và khắc phục những tồn tại đối với công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, nhằm tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, bên cạnh việc nâng cao hiệu quả lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp và đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Ban chỉ đạo cũng như các phong trào nhỏ trong phong trào TDĐKXDĐSVH, có lẽ việc quan trọng là phải tăng cường tuyên truyền để làm chuyển biến nhận thức của nhân dân, giúp họ nhận thức được tác dụng, ý nghĩa và tầm quan trọng của phong trào, từ đó có ý thức tự giác thực hiện xây dựng đời sống văn hóa, văn minh ở mỗi gia đình. Người người, nhà nhà văn hóa thì thôn xóm, khu phố... cũng sẽ văn hóa.
Theo dangcongsan.vn