Xã Phước Chỉ xây dựng Nông thôn mới: Nông dân còn khó nhiều bề

Thứ năm - 28/11/2013 00:00 77 0
Không chỉ nông dân ấp Phước Hội, mà nông dân nhiều ấp khác ở xã Phước Chỉ, kể cả các ấp trong khu vực gò giồng cũng có mức thu nhập thấp, do đa số chỉ độc canh cây lúa.

 

Việc đi lại bằng đường thuỷ của nông dân Phước Chỉ rất khó khăn do lục bình vây kín

Phước Chỉ (huyện Trảng Bàng) là xã biên giới đặc biệt khó khăn. Địa bàn xã chia làm 2 khu vực rõ rệt: vùng gò giồng và vùng trũng ven sông Vàm Cỏ Đông. Hầu hết người dân trong xã sống bằng nghề nông, bà con gần như độc canh cây lúa.

Do đặc điểm địa hình, hiện nay xã này còn có những khu vực nguồn nước bị nhiễm phèn rất nặng, ngoài sản xuất lúa ra, nông dân ở đây không trồng được loại cây nào khác có hiệu quả, trong khi việc chăn nuôi cũng không phát triển được. Nhìn chung mức thu nhập bình quân của người dân Phước Chỉ hiện còn rất thấp so với mức quy định theo bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Trồng cây không được, nuôi cá không xong

Ông Châu Văn Hạ (sinh năm 1954), là một nông dân kỳ cựu ở ấp Phước Hội, xã Phước Chỉ, cho biết: trước đây gia đình ông có 2 ha ruộng, sau đó ông hiến cho Nhà nước làm đê bao hết 30 cao (3.000m2).

Tuy ông hiến đất làm đê bao nhưng phần ruộng còn lại của ông không nằm trong vùng đê bao. Với 1,7 ha ruộng còn lại, gia đình ông bỏ công sức lao động cật lực trong nhiều năm qua nhưng vẫn không khá lên nổi. Vì ngoài hai vụ lúa mỗi năm ra, gia đình ông không làm được gì thêm nữa. Vùng đất ông Hạ đang ở, ngoài cây lúa rất khó trồng được cây gì,  mà cũng không thể nuôi cá, heo, gà, vịt… bởi đất ở đây bị nhiễm phèn quá nặng.

Cách đây 8 năm, ông Hạ mua 100 cây dừa giống về trồng trên các bờ ruộng, bờ ao xung quanh nhà, đến nay chỉ còn sống sót được vài cây, trong đó chỉ có một cây cao quá đầu người lớn và ra được vài cái “lưỡi mèo” rồi lần lượt khô đi, chẳng cho trái nào. Những cây dừa còn lại đều còi cọc, lớn không nổi. Không chỉ dừa, nhà ông Hạ có trồng một cây mít, nó cho được 3 trái và cả 3 đều… không ăn được, trái lớn lên là… đen thui. Kể cả tre cũng không trồng được.

Nhà ông Hạ có một cái ao rộng 2.000m2 nhưng ông chưa dám nuôi cá, vì không có vốn và cũng không có kỹ thuật chăn nuôi, lại sợ nước nhiễm phèn khó mà nuôi được. Nước phèn không chỉ ở trên mặt đất mà còn nhiễm sâu trong lòng đất. Ông Hạ khoan một cái giếng sâu đến 82m mà cũng không thoát khỏi nước phèn.

Nước giếng khoan mới bơm lên rất tanh không thể uống mà chỉ dùng để tắm giặt, hoặc lắng phèn để nấu ăn. Riêng nước uống thì phải mua với giá 15.000 đồng một mái (khoảng 150 lít) của những ghe chở nước từ bến Đò, xã Lộc Giang, huyện Đức Hoà (Long An) sang bán.

Mọi chi phí trong cuộc sống hằng ngày từ ăn uống đến đám tiệc… cả gia đình ông Hạ đều trông chờ vào hai vụ lúa mỗi năm. Năng suất lúa phần lớn lại phải lệ thuộc vào thời tiết trong khi giá lúa cứ bấp bênh và luôn bị thương lái ép giá, một phần cũng do đường đi lại còn rất khó khăn.

Việc đi lại của gia đình ông Hạ cũng như nhiều bà con nông dân khác trong ấp chỉ dựa vào đê bao, mà chỉ có xe gắn máy mới lưu thông được, xe tải chưa đến được ấp. Còn về đường thuỷ thì các kênh rạch ngập tràn lục bình, xuồng ghe qua lại rất khó khăn.

Chính vì vậy mà với 1,7 ha ruộng, dù lao động cần mẫn, siêng năng lắm thì thu nhập bình quân của gia đình ông Hạ cũng chưa đạt được 10 triệu đồng/người/năm.

Hiện nay vùng ven sông ở Phước Chỉ vẫn còn những chiếc cầu cây gập ghềnh khó đi

 Những hộ ít ruộng hơn hộ ông Hạ còn khó khăn nhiều hơn. Như hộ anh Lê Văn Ngân, 44 tuổi ở cùng khu vực chỉ có 40 cao ruộng. Ngoài làm hai vụ lúa ra, gia đình anh Ngân cũng không chăn nuôi, hay trồng trọt thứ gì khác được.Để trang trải chi phí cho cuộc sống hằng ngày, cả hai vợ chồng anh Ngân đều phải làm thuê làm mướn đủ thứ công việc. Anh Nguyễn Thành Đi- Bí thư Chi bộ ấp Phước Hội cho biết: ấp có 225 hộ, với 1.127 nhân khẩu, phân bố trên diện tích tự nhiên 450 ha, trong đó có 347 ha đất làm lúa.

Không riêng gì hộ ông Hạ và anh Ngân mà gần 200 hộ dân- với hai phần ba diện tích đất trong ấp bị nhiễm phèn nặng, chỉ độc canh cây lúa cũng khó bề vươn lên nổi. Mức thu nhập bình quân đầu người hằng năm ở đây còn rất thấp.

Còn đó những khát khao...…

Không chỉ nông dân ấp Phước Hội, mà nông dân nhiều ấp khác ở xã Phước Chỉ, kể cả các ấp trong khu vực gò giồng cũng có mức thu nhập thấp, do đa số chỉ độc canh cây lúa. Theo ông Nguyễn Thành Lập- Chủ tịch UBND xã Phước Chỉ: toàn xã có 2.532 hộ, với hơn 11.200 nhân khẩu. Diện tích đất nông nghiệp của xã chiếm khoảng 3.986 ha, trong đó chỉ có 150 ha sản xuất được 2 vụ lúa, 1 vụ màu, số còn lại chỉ độc canh cây lúa. Trong số diện tích đất độc canh cây lúa chỉ có 700 ha làm được 3 vụ/năm, còn lại chỉ 2 vụ/năm.

Bình quân thu nhập đầu người của xã hiện nay là khoảng 10,2 triệu đồng/người/năm (Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới quy định tiêu chí thu nhập bình quân đầu người năm 2012 là 24 triệu đồng/người/năm - NV).

Cũng theo ông Lập, để nâng cao mức thu nhập của người dân, xã Phước Chỉ rất cần được cấp trên hỗ trợ nhiều mặt. Trước hết cần có biện pháp nâng cao hơn hệ số vòng quay của đất, tăng số diện tích canh tác 3 vụ/năm. Muốn vậy cần phải xây dựng hệ thống đê bao tiểu vùng. Theo kế hoạch của UBND xã là cần xây dựng đến 11 đê bao tiểu vùng. Nhưng đến nay xã chỉ mới xây dựng được có 1 mà thôi (gọi là đê bao vùng 1, với diện tích ruộng nằm trong vùng đê bao: 150 ha), nghĩa là còn lại đến 10 đê bao chưa thực hiện.

Nhiều nhà ven sông phải mua nước về trữ để dành

 Về hệ thống giao thông nông thôn, việc đi lại ở các ấp ven sông so với trước đây nay đã thuận tiện hơn. Xe gắn máy có thể chạy đến tận bờ sông Vàm Cỏ Đông nhưng xe tải vận chuyển hàng hoá thì vẫn chưa đến được.

Hệ thống giao thông đường thuỷ còn gặp khó khăn do lục bình và cỏ dại che phủ mặt kênh rạch. Việc đầu tư xây dựng đê bao tiểu vùng rõ ràng cần gắn với việc xây dựng hệ thống giao thông đường bộ cho vùng sông nước. Nếu mặt đê bao được san lấp rộng rãi và được nâng cấp bằng sỏi phún hay đá xanh thì đây chính là đường giao thông thuận tiện cho nông dân.

Nông dân Phước Chỉ hiện cũng đang rất cần được hỗ trợ vốn đầu tư, được hướng dẫn về kỹ thuật nông nghiệp và có hướng bao tiêu sản phẩm bền vững để phát triển trồng trọt, chăn nuôi- trong đó chủ yếu là nuôi cá nước ngọt.

Trên thực tế hiện nay có một số ít hộ sinh sống gần sông Vàm Cỏ Đông thuộc ấp Phước Lập nuôi cá trong lồng bè nhỏ, trong vèo trên sông, đem lại thu nhập khá. Nếu được quan tâm đầu tư đúng mức về nghề nuôi cá nước ngọt và nuôi các loại thuỷ sản khác cùng với việc sản xuất lúa, thì thu nhập của người nông dân Phước Chỉ mới có điều kiện nâng lên được.

Còn có một cái khó khác cho người dân ở xã Phước Chỉ nữa là từ trước đến nay, trên địa bàn xã chưa hề có chợ. Có chăng chỉ là hàng hoá nhỏ lẻ do bà con tự sản xuất rồi đem ra bán ở ven đường, hoặc đem ra chợ Bình Thạnh, chợ Lộc Giang để bán.

Được biết, quy hoạch chợ đã có và việc san lấp mặt bằng chợ cũng đã được tiến hành nhưng đến nay vẫn chưa thấy khởi công xây dựng. Có chợ thì hàng hoá của người dân địa phương dễ dàng tiêu thụ hơn, đồng thời sẽ có một bộ phận nông dân chuyển đổi từ làm ruộng sang mua bán, hoặc làm các dịch vụ khác. Từ đó giải quyết được phần nào lao động nông thôn và nâng cao thu nhập của người dân.

Theo BTNO

 

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây