Xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở là một chủ trương lớn mà nhiều Đại hội của Đảng đã chỉ rõ: " Phải đưa văn hoá thâm nhập vào cuộc sống hàng ngày của nhân dân. Đặc biệt chú trọng xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở, bảo đảm mỗi nhà máy, công trường, mỗi cơ quan, trường học, bệnh viện đều có đời sống văn hoá ".
Quán triệt quan điểm của Ðảng, trong những năm qua, Liên đoàn lao động tỉnh đã có những biện pháp chỉ đạo tích cực phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trong công nhân, viên chức, lao động.
Trình độ dân trí, mức hưởng thụ văn hóa của CNVCLÐ được cải thiện tốt hơn, tạo môi trường lành mạnh, đẩy lùi tệ nạn xã hội, từng bước góp phần nâng cao đời sống văn hóa ở các địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Nhằm đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trong giai đoạn mới, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX đề ra, đồng thời nâng cao chất lượng và phát huy sức mạnh tổng hợp của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, vững chắc trong xây dựng con người về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và xây dựng đời sống văn hóa ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; đẩy mạnh các hoạt động chỉ đạo, tổ chức xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở khu công nghiệp, khu chế xuất, Năm 2012 Liên đoàn Lao động tỉnh đã tham mưu ban hành tiêu chuẩn kèm theo bảng điểm xét công nhận, và hướng dẫn quy trình xây dựng “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”. Các nội dung này được triển khai rộng rãi đến Liên đoàn Lao động huyện, thị xã, công đoàn ngành và tương đương.
Liên đoàn lao động tỉnh phối hợp các sở, ngành tỉnh tổ chức các hội nghị, hội thảo: tổ chức hội thảo với chủ đề “Đời sống và việc làm của công nhân viên chức lao động (2011); Hội trại biểu dương công nhân lao động tiêu biểu xuất sắc cụm công nghiệp, khu kinh tế tỉnh Tây Ninh lần thứ I (2011); Hội diễn văn nghệ “Công – Nông – Binh” (2012)... tổ chức Lễ phát động hưởng ứng “Tháng công nhân” tại Khu Công nghiệp Trảng Bàng với hơn 3.000 lượt người tham dự, tại buổi lễ đã trao 160 phần quà cho CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn, mỗi phần trị giá 300.000 đồng.
Công tác tuyên truyền được các cấp công đoàn quan tâm, phối hợp với chính quyền tổ chức các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn như: Quốc tế phụ nữ 8/3, Quốc tế lao động 1/5, Quốc khánh 2/9, Nhà giáo Việt Nam 20-11… bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, linh hoạt lồng ghép với các phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, hội thi, hội diễn được tổ chức thường xuyên, định kỳ đã trở thành sân chơi lành mạnh, môi trường văn hóa tốt, góp phần tích cực vào việc nâng cao đời sống tinh thần cho CNVCLĐ.
Trong 3 năm (2011-2013), các cấp công đoàn luôn quan tâm chăm lo đời sống vật chất cho công nhân viên chức lao động, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn bằng nhiều hoạt động phong phú, thiết thực như: xây tặng hơn 12 căn nhà “Mái ấm công đoàn” với tổng số tiền 360 triệu đồng; trao tặng quà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền hơn 46.000.000 đồng; nhân dịp Quốc tế Phụ nữ 8/3 đã tặng quà cho cán bộ nữ, mỗi phần quà từ 100.000 – 500.000 đồng; ngoài ra còn trao quà cho CNVCLĐ vào các dịp lễ, tết.
Với những hoạt động thiết thực, hiệu quả, hoạt động xây dựng đời sống văn hoá cơ sở trong CNVCLĐ đã góp phần làm cho đời sống văn hoá ở các địa phương, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp... được nâng lên rõ rệt. Trình độ dân trí, mức hưởng thụ văn hóa của CNVC LĐ được cải thiện tốt hơn. Các hoạt động văn hóa thể thao, thông tin đại chúng và các hoạt động xã hội khác của công đoàn được đẩy mạnh, đổi mới, phát triển rộng khắp, có tác dụng tích cực, phục vụ lao động sản xuất, công tác, học tập, tạo môi trường lành mạnh, góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội, văn hoá phản động độc hại.
MN (TH)