Xây dựng NTM: Khó khăn trong việc huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực

Thứ năm - 02/11/2017 17:00 130 0
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc yêu cầu cần tăng cường thực hiện tiến độ giải ngân vốn ngân sách năm 2017, phải tháo gỡ và triển khai nhanh. Các sở, ngành, địa phương lưu ý rà soát lại, rút kinh nghiệm năm nay để khắc phục cho năm 2018, theo hướng bố trí ngân sách phải bảo đảm tính tập trung và hiệu quả.

Khó khăn trong việc huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực

Chăm sóc cà tím tại xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành. Ảnh: Đ.H.T

Vừa qua, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện xây dựng NTM 9 tháng năm 2017, phương hướng nhiệm vụ 3 tháng cuối năm.

Tính đến 9 tháng năm 2017, tổng vốn huy động khoảng 951,3 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách 480,4 tỷ đồng, chiếm 50,5% (gồm vốn đầu tư trực tiếp cho chương trình 373,2 triệu đồng; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu khác khoảng 107 tỷ đồng); vốn tín dụng 412,3 tỷ đồng, chiếm 43,3%; vốn huy động doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế khác 47,5 tỷ đồng, chiếm 5%; vốn huy động cộng đồng dân cư 10,9 tỷ đồng, chiếm 1,2%.

Theo đánh giá, nguồn vốn chương trình (vốn Trung ương) chậm phân khai, danh mục đầu tư chậm được phê duyệt, ảnh hưởng đến việc triển khai các nội dung của chương trình, nhất là công tác tuyên truyền, hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các dự án phát triển hạ tầng thiết yếu KT-XH.

Bên cạnh đó, việc huy động vốn cho xây dựng NTM còn chậm và gặp nhiều khó khăn. Vốn ngân sách Nhà nước tuy vượt mức quy định nhưng còn thấp so với nhu cầu thực tế. Nguồn vốn huy động trong dân thấp (chiếm 1,2%) do thu nhập của người dân còn thấp; vốn huy động từ các doanh nghiệp không nhiều. Công tác tuyên truyền, vận động ở một số nơi (nhất là các xã không phải xã điểm) còn nhiều khó khăn, hạn chế.

Về tình hình đầu tư tại 8 xã phấn đấu đạt chuẩn NTM năm 2017, đã phân khai trên 172,8 tỷ đồng cho 236 dự án. Trong đó có 5/8 xã gồm Tân Hưng (Tân Châu), Mỏ Công (Tân Biên), Thái Bình (Châu Thành), Thanh Phước (Gò Dầu), Gia Lộc (Trảng Bàng) đã được phân khai vốn tất cả các dự án thực hiện năm 2017; 3/8 xã còn lại có 64 dự án thực hiện năm 2017 chưa được phân khai vốn (khoảng 172,7 tỷ đồng).

Cụ thể, xã Trường Tây (Hoà Thành) khoảng 72,9 tỷ đồng với 14 dự án. Xã Cầu Khởi (Dương Minh Châu) khoảng 68,6 tỷ đồng với 47 dự án. Xã Long Chữ (Bến Cầu) khoảng 31,1 triệu đồng với 3 dự án trường học.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, ngày 10.10.2017, UBND tỉnh có quyết định về việc bố trí vốn và đã giao vốn cho 3 xã trên, trong đó, đối với xã Trường Tây, bố trí khoảng 14,9 tỷ đồng; xã Cầu Khởi khoảng 14,4 tỷ đồng; xã Long Chữ bố trí 10 tỷ đồng.

Khó khăn trong việc huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực

Nâng cấp một tuyến đường giao thông nông thôn ở xã Thạnh Đức, Gò Dầu.

Theo Sở KH&ĐT, cần xem lại 2 tiêu chí về giao thông và xây dựng trường học vì kinh phí thực hiện rất lớn, nhất là tiêu chí trường học. Các năm trước chỉ chọn những trường điểm, trường chính để xây dựng đạt chuẩn, nhưng hiện nay các trường phụ cũng xây dựng đạt chuẩn, trong khi mỗi trường cần có kinh phí khoảng 16,17 tỷ đồng, một xã lại có 4-5 trường nên chi phí rất cao, do đó, không đủ tiền để bố trí. Sở KH&ĐT đề nghị Ban Chỉ đạo xem xét lại vấn đề này.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc yêu cầu cần tăng cường thực hiện tiến độ giải ngân vốn ngân sách năm 2017, phải tháo gỡ và triển khai nhanh. Các sở, ngành, địa phương lưu ý rà soát lại, rút kinh nghiệm năm nay để khắc phục cho năm 2018, theo hướng bố trí ngân sách phải bảo đảm tính tập trung và hiệu quả. Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân thấy được ý nghĩa của Chương trình xây dựng NTM, chung tay góp sức và có các giải pháp tiếp tục huy động sức dân, các tổ chức kinh tế để tham gia.

Theo Báo Tây Ninh Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây