Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến hết ngày 15/8/2020, tỉnh đã giải ngân được 2.179,022 tỷ đồng, đạt 44,39% kế hoạch, dự kiến đến 31/9/2020 giải ngân 3.687,459 tỷ đồng, đạt 75,12% kế hoạch. Tỉnh không còn nợ đọng XDCB thuộc nhiệm vụ của ngân sách tỉnh (tính đến hết ngày 30/6/2020), đã khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, không hiệu quả, phê duyệt tổng mức đầu tư thiếu chính xác.
Quang cảnh hội nghị
Trong đó, ngân sách địa phương giải ngân được 1.642,590 tỷ đồng, đạt 39,37% kế hoạch; dự kiến đến 30/9/2020, giải ngân 3.089,657 tỷ đồng, đạt 74,05% kế hoạch.
Vốn Trung ương hỗ trợ (vốn trong nước, bao gồm trái phiếu Chính phủ) đã giải ngân 385,129 tỷ đồng, đạt 70,75% kế hoạch; dự kiến đến 30/9/2020 giải ngân 419 tỷ đồng, đạt 76,97% kế hoạch. Vốn ODA đã giải ngân được 151,303 tỷ đồng, đạt 78,80% kế hoạch, dự kiến đến 30/9/2020 giải ngân 178,802 tỷ đồng, đạt 93,13% kế hoạch.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trịnh Ngọc Phương báo cáo tình hình xây dựng cơ bản
Tổng số dự án khởi công mới năm 2020 là 34 dự án với tổng mức đầu tư là 2.118,75 tỷ đồng. Đến ngày 15/8/2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã trình và phê duyệt kế hoạch đấu thầu là 33 dự án với tổng mức đầu tư là 2.110,75 tỷ. Hiện chỉ còn một dự án chưa trình kế hoạch lựa chọn nhà thầu là Địa điểm lưu niệm Vành đai diệt Mỹ - Trảng Lớn với tổng mức đầu tư là 8 tỷ đồng.
Một công trình được triển khai trên địa bàn thị xã Hòa Thành. (ảnh minh họa)
Để chuẩn bị đầu tư cho các dự án khởi công mới năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định giao vốn chuẩn bị đầu tư năm 2020 với tổng số là 87 dự án. Đến ngày 15/8/2020, các đơn vị được giao nhiệm vụ lập báo cáo đã đề xuất ngừng thực hiện 4 dự án; chuyển tiếp 5 dự án đã phê duyệt chủ trương; hợp phần dự án "Phát triển chuỗi giá trị rau quả ứng dụng công nghệ thông tin với khí hậu tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025" sử dụng vốn ODA ngành nông nghiệp do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương 5 dự án. Còn 73 dự án cần phải trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt chủ trương.
Qua đó cho thấy, tỷ lệ giải ngân của tỉnh đạt 44,39% kế hoạch, thấp hơn so với mục tiêu đã đề ra. Toàn tỉnh có 14/29 đơn vị có tỷ lệ giải ngân dưới 50% kế hoạch; còn 6 đơn vị cấp tỉnh chưa thực hiện giải ngân. Còn một số đơn vị chưa thực hiện báo cáo trong công tác XDCB gây khó khăn trong việc tổng hợp, nắm tình hình để xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc. Công tác đền bù giải phóng mặt bằng mặc dù đã được quan tâm chỉ đạo thực hiện và triển khai tích cực, song một số dự án vẫn còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân chung của tỉnh.
Sau khi nghe các sở, ngành, địa phương báo cáo, phân tích nguyên nhân và đề xuất biện pháp đẩy nhanh tỷ lệ giải ngân xây dựng cơ bản trong những tháng còn lại của năm 2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải thực hiện đúng cam kết với lãnh đạo tỉnh, nếu không đạt đúng tỷ lệ yêu cầu cần phải có giải trình với lãnh đạo tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng phát biểu kết luận hội nghị
Bên cạnh đó, các địa phương cần nhanh chóng thành lập các ban chỉ đạo, chương trình hành động về công tác này. Các ban chỉ đạo cần họp thường xuyên, định kỳ, ít nhất một tháng họp một lần để kịp thời giải quyết những vướng mắc; quyết liệt thực hiện công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn, để tăng tỷ lệ giải ngân xây dựng cơ bản trong những tháng cuối năm, trước mắt phấn đấu đến 9 tháng phải giải ngân đạt 75%, cuối năm giải ngân xong.
Chỉ đạo về công tác chuẩn bị đầu tư năm 2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương cần có sự chuẩn bị thật tốt các nội dung cho các dự án thực hiện trong năm 2021, phải thật chủ động để công tác giải ngân được suông sẻ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, các sở, ngành, địa phương cần phải xác định giải ngân xây dựng cơ bản là nhiệm vụ chính trị quan trọng, phải quyết tâm thực hiện đạt đúng tiến độ đề ra theo tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ nhằm thực hiện thành công mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế -xã hội.
Song Trần