Đại lễ Hội yến Diêu trì cung của đạo Cao Đài: Cội nguồn và ý nghĩa tâm linh của người đạo

Thứ tư - 04/10/2017 10:00 254 0
Hội yến Diêu Trì Cung là một trong hai đại lễ chính thống trong hoạt động tín ngưỡng của tôn giáo Cao Ðài. Tuy nhiên, có một sự khác biệt giữa lễ Vía Ðức Chí Tôn (ngày mùng 9 tháng Giêng âm lịch) với lễ Hội yến Diêu Trì Cung (ngày Rằm tháng 8 âm lịch).

Cội nguồn và ý nghĩa tâm linh của người đạo

Múa rồng nhang trong Ðại lễ Hội yến Diêu Trì Cung. Ảnh: Lê Văn Hải

Vì Ðức Chí Tôn trong tín ngưỡng của đạo Cao Ðài chính là đấng Ngọc hoàng Thượng đế mà các dân tộc Á Ðông đã tôn sùng từ ngàn xưa, và chọn ngày mùng 9 tháng Giêng âm lịch hằng năm để cúng vía; còn lễ Hội yến Diêu Trì Cung là ngày lễ đặc biệt do các bậc khai sáng đạo Cao Ðài tổ chức lần đầu tiên vào ngày Rằm tháng 8 năm Ất Sửu (1925) tại nhà riêng của vị Thượng phẩm Cao Quỳnh Cư ở Sài Gòn.

Sự tích này được trang thông tin điện tử của Ban Tôn giáo Chính phủ thuật lại như sau: “Nguyên vào thượng tuần tháng 8 năm Ất Sửu, ba vị Thượng phẩm Cao Quỳnh Cư, Hộ pháp Phạm Công Tắc, Thượng sanh Cao Hoài Sang, được Thất Nương tiết lộ cho biết chút ít về Diêu Trì Cung. Trên hết có Cửu Thiên Nương Nương cai quản, dưới có Cửu Vị Tiên Nương… Ông Cao Huệ Chương, con của Bảo Văn Pháp Quân Cao Quỳnh Diêu, thuật lại trong quyển “Ðại Ðạo truy nguyên” như sau: “Qua đến ngày thứ ba, là buổi hẹn hò, lại nhằm tiết Trung thu, đúng đêm 14 rạng mặt Rằm tháng Tám, ngoài trời thì trăng thanh gió mát, trong nhà chú Tư tôi (Thượng phẩm Cao Quỳnh Cư - NV) lại dọn dẹp trang hoàng, xem vào có vẻ tinh khiết lắm. Ðúng giờ Tý, thảy đều đủ mặt, tôi thấy chú Tư tôi, đã sắp đặt dọn bàn dài, rải bông lá xung quanh, phía trong bàn, ngay chính giữa, để một bộ đồ trà, còn 9 vị Tiên Cô, mỗi người một cái tách, sắp vòng theo bàn, hàng giữa dọn những trái cây tươi tốt, ngó vào thấy rất lịch sự, tựa hình như đãi tiệc, vì chung quanh có để 9 cái ghế mây. Cuộc cúng nầy, mấy ổng gọi là Phó Yến Diêu Trì, đến ngày nay, hãy còn noi dấu lễ kỷ niệm ấy.

Ðoạn chú Tư tôi đốt hương đèn lên, cả thảy đều quì lạy khấn vái, rồi đem Ngọc Cơ ra cầu. Thật quả có Lịnh Cửu Thiên Nương Nương đến và đủ 9 vị Tiên Cô, mỗi vị đều giáng cơ, chào mừng mấy ổng. Khi ấy, Thất Nương xin ba ổng đờn, rồi mỗi người ngâm bài thi của mình làm đặng hiến lễ, còn Lịnh Bà và Cửu Cô an vị mà nghe.

Chừng nhập tiệc, Thất Nương lại mời ba ổng ngồi chung vào cho vui. Cũng tội nghiệp cho mấy ổng, vì e thất lễ, nên không dám; rốt việc, ép uổng quá, mấy ổng liệu thế khó chối từ, mới đem ghế thêm, sắp sau lưng 9 cái ghế nọ, ba ổng xá rồi ngồi xuống. Tôi dòm thấy mấy ổng, cũng bắt trước cười, nhưng không dám nhích mép, cứ đứng khoanh tay mà hầu thôi.

Cách chừng nửa giờ, chú Tư tôi lại tái cầu. Lịnh Nương Nương và 9 vị Tiên Cô để lời cảm tạ chẳng cùng, lại hứa rằng: “Từ đây đã có Ngọc Cơ rồi thì tiện cho Diêu Trì Cung Cửu Cô đến mà dạy việc”. Ðêm ấy, mấy ổng thức cho đến 3 giờ khuya mới nghỉ”.

Từ tài liệu của các bậc tiền bối trong đạo Cao Ðài, được trích dẫn trên trang thông tin chính thức của cơ quan quản lý Nhà nước về tôn giáo cấp Trung ương, cho thấy Ðại lễ Hội yến Diêu Trì Cung là nghi lễ tín ngưỡng thuần tuý của một tôn giáo xuất phát từ Việt Nam và hiện nay đang có mặt ở nhiều nước trên thế giới. Từ cuộc lễ Hội yến đầu tiên năm 1925, một năm trước ngày khai đạo chính thức của tôn giáo Cao Ðài, hằng năm, tại Toà thánh Tây Ninh, Hội yến Diêu Trì Cung trở thành lễ hội lớn nhất trong đạo, thu hút đông đảo tín đồ và nhân dân trong, ngoài tỉnh Tây Ninh, kể cả chức sắc, tín đồ Cao Ðài ở nước ngoài về tham dự.

Ðại lễ Hội yến Diêu Trì Cung hằng năm được Hội thánh tổ chức trọng thể trong đêm Rằm tháng 8, nghi thức khai mạc đại lễ diễn ra trước Báo Ân Từ, có sự tham dự của đại biểu các cơ quan liên quan cấp Trung ương và lãnh đạo tỉnh Tây Ninh. Dịp này, đại diện Hội thánh thường có bài phát biểu nêu lên kết quả hoạt động đạo sự của Hội thánh và toàn thể chức sắc, tín đồ Cao Ðài trên cả nước trong một năm. Trong đó, Hội thánh đánh giá cao các hoạt động xã hội, từ thiện, phát huy tinh thần “Nước vinh, đạo sáng”, góp phần cùng toàn dân xây dựng và bảo vệ đất nước theo định hướng “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Sau phần khai mạc đại lễ, Hội thánh chính thức khai mạc triển lãm quả phẩm hiến lễ của các họ đạo trong và ngoài tỉnh. Ðại biểu dự lễ được mời tham quan các gian triển lãm bố trí phía trước và hai bên hông ngôi đền thờ Phật mẫu. Lễ phẩm được trưng bày là các loại “hương, đăng, trà, quả” và rất nhiều loại hoa từ các họ đạo đem đến dâng lên đấng Mẹ sanh của nhân loại theo quan niệm của người đạo Cao Ðài. Kế tiếp là cuộc lễ rước cộ Tiên, mô hình Ðức Phật mẫu tức Cửu Thiên nương nương và cửu vị Tiên nương ngự tại cung Diêu Trì trên thượng giới. Ðoàn rước cộ có các màn múa tứ linh long, lân, quy, phụng và các dàn nhạc lễ, nhạc sắc tộc, cùng một số tiết mục khác như “đoàn thỉnh kinh của thầy trò Tam Tạng”, các nhân vật trong truyện Tây du ký, cũng tham gia rước cộ. Ðoàn rước cộ diễu hành trên các đường chính trong khu nội ô đi qua Báo Ân Từ và Ðền thánh.

Cội nguồn và ý nghĩa tâm linh của người đạo

Gian triển lãm quả phẩm hiến lễ của họ đạo thị trấn Hoà Thành, Long Thành Bắc.

Ðến 22 giờ, lễ cúng Hội yến được cử hành trong nội điện Báo Ân Từ. Nghi tiết Hội yến được bày thêm trong nội điện trước bàn thờ Phật mẫu “bàn ghế dự yến” của 9 vị tiên nương và 3 vị Hộ pháp, Thượng phẩm, Thượng sanh. Nghi thức cúng Hội yến là lễ sĩ đăng điện dâng lễ phẩm hoa, trà, rượu, trong khi dàn đồng nhi thài (ngâm theo điệu nhạc) các bài thài xưng tụng công đức “các đấng dự yến” viết bằng thể thơ Ðường, gồm 10 bài tứ tuyệt của các đấng ở cung Diêu Trì và 3 bài bát cú của các vị tiền bối trong đạo. Nhạc lễ cúng Hội yến do dàn nhạc cổ truyền trình tấu 5 “bài Bắc” là Xàng xê, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng và Tiểu khúc làm nền cho đồng nhi diễn ngâm 13 bài thài.

Ðại lễ Hội yến chỉ diễn ra trong một đêm, nhưng trước đó cả tuần lễ, không khí lễ hội đã bắt đầu nhộn nhịp trong nội ô Toà thánh, nhất là sân trước Báo Ân Từ, nơi tổ chức triển lãm lễ phẩm. Và khoảng từ ngày 12, 13 tháng 8 âm lịch, các đoàn hành hương từ các họ đạo khắp nơi trong nước bắt đầu tề tựu về Toà thánh để dự lễ. Những năm trước, hàng trăm xe khách lớn đổ về khu nội ô thường không đủ chỗ đậu, phải đậu xe cả trên các con đường phía ngoài chung quanh nội ô Toà thánh. Trong đêm chính lễ, hàng chục ngàn người chen chúc trên các nẻo đường nội ô để xem rước cộ tiên, múa rồng nhang… Vì thế, tình hình trật tự ở đây thường rất phức tạp, có không ít kẻ xấu trà trộn trong đoàn người trẩy hội để ra tay móc túi, giật dọc. Thời điểm trước và sau giờ hành lễ, tình hình trật tự giao thông ở các nẻo đường đổ về khu nội ô Toà thánh cũng phức tạp không kém, “người xe như nước” rất dễ xảy ra ùn tắc giao thông. Do đó, mỗi kỳ lễ Hội yến, lực lượng cảnh sát giao thông của thành phố Tây Ninh và huyện Hoà Thành đều phải ra quân để giữ gìn trật tự an toàn giao thông hết sức vất vả. Ðồng thời, nhiều người vẫn còn nhớ cách nay vài năm, trong một kỳ lễ Hội yến, Công an huyện Hoà Thành đã “hốt trọn ổ” một đường dây cướp giật khi chúng hành sự trong cuộc lễ, “thu hoạch” hàng ký lô nữ trang và cả trăm máy điện thoại di động. Những năm sau đó, tình hình an ninh trật tự dịp lễ hội này có yên ổn hơn, nhưng người dự lễ vẫn không thể không cảnh giác để bảo vệ tài sản của mình.

Năm nay, Ðại lễ Hội yến Diêu Trì Cung lại đến khi Hội thánh Cao Ðài vừa hoàn thành công trình nâng cấp, thảm bê tông nhựa nóng tất cả các nẻo đường nội ô, “xe đò lục tỉnh” chở khách hành hương tha hồ xếp hàng nối đuôi nhau đậu trên đường mới suốt chu vi 4 cây số của khu nội ô Toà thánh, một công trình nghệ thuật kiến trúc hoành tráng đang được chính quyền tỉnh Tây Ninh đề nghị Nhà nước công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Tín đồ Cao Ðài khắp nơi về Tổ đình của đạo rất phấn khởi khi thấy nền đạo ngày càng được hoằng khai, sinh hoạt tín ngưỡng được bảo đảm tự do trên đất nước, quê hương ngày càng phát triển.

Theo Báo Tây Ninh Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây