171 câu hỏi-đáp về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021

Thứ hai - 04/04/2016 12:00 59 0
171 câu hỏi - đáp về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 (câu 81 đến câu 90)

Câu 81: Trường hợp nào được bổ sung vào danh sách cử tri?

Trả lời:

Sau khi danh sách cử tri đã được lập và niêm yết, việc bổ sung tên người vào danh sách cử tri được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

- Trong thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ, những người thay đổi nơi thường trú ra ngoài đơn vị hành chính cấp xã nơi đã được ghi tên vào danh sách cử tri thì được xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi cư trú cũ và bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi thường trú mới để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; những người chuyển đến tạm trú ở nơi khác với đơn vị hành chính cấp xã mà mình đã được ghi tên vào danh sách cử tri và có nguyện vọng tham gia bầu cử ở nơi tạm trú mới thì được xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi cư trú cũ và bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi tạm trú mới để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

- Người bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người mất năng lực hành vi dân sự, nếu đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ được khôi phục lại quyền bầu cử, được trả lại tự do hoặc được cơ quan có thẩm quyền xác nhận không còn trong tình trạng mất năng lực hành vi dân sự thì được bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi đăng ký thường trú và được phát thẻ cử tri để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã hoặc được bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi đăng ký tạm trú và được phát thẻ cử tri để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

Câu 82: Trường hợp nào bị xóa tên khỏi danh sách cử tri?

Trả lời:

Người đã có tên trong danh sách cử tri mà đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị Tòa án tước quyền bầu cử, phải chấp hành hình phạt tù hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì Ủy ban nhân dân cấp xã xóa tên người đó trong danh sách cử tri và thu hồi thẻ cử tri.

Câu 83: Việc lập danh sách cử tri được tiến hành như thế nào?

Trả lời:

Việc lập danh sách cử tri được tiến hành như sau:

Mọi công dân có quyền bầu cử đều được ghi tên vào danh sách cử tri và được phát thẻ cử tri, trừ những người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người mất năng lực hành vi dân sự.

Mỗi công dân chỉ được ghi tên vào một danh sách cử tri ở nơi mình thường trú hoặc tạm trú.

Danh sách cử tri do Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn lập theo khu vực bỏ phiếu; đối với những nơi không có đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn thì Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh lập danh sách cử tri theo từng khu vực bỏ phiếu.

Danh sách cử tri trong đơn vị vũ trang nhân dân do chỉ huy đơn vị lập theo đơn vị vũ trang nhân dân để đưa vào danh sách cử tri của khu vực bỏ phiếu nơi đơn vị đóng quân. Quân nhân có hộ khẩu thường trú ở địa phương gần khu vực đóng quân có thể được chỉ huy đơn vị cấp giấy chứng nhận để được ghi tên vào danh sách cử tri và tham gia bỏ phiếu ở nơi thường trú. Khi cấp giấy chứng nhận, chỉ huy đơn vị phải ghi ngay vào danh sách cử tri tại đơn vị vũ trang nhân dân bên cạnh tên người đó cụm từ "Bỏ phiếu ở nơi cư trú".

Cử tri là người tạm trú và có thời gian đăng ký tạm trú tại địa phương chưa đủ 12 tháng, cử tri là quân nhân ở các đơn vị vũ trang nhân dân được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện ở nơi tạm trú hoặc đóng quân.

Công dân Việt Nam ở nước ngoài trở về Việt Nam trong khoảng thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ, thì đến Ủy ban nhân dân cấp xã xuất trình Hộ chiếu có ghi quốc tịch Việt Nam để được ghi tên vào danh sách cử tri và nhận thẻ cử tri bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã (nếu xuất trình tại nơi đăng ký thường trú) hoặc bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện (nếu xuất trình tại nơi đăng ký tạm trú).

Cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Câu 84: Việc niêm yết danh sách cử tri được tiến hành như thế nào?

Trả lời:

Chậm nhất là 40 ngày trước ngày bầu cử, cơ quan lập danh sách cử tri phải niêm yết danh sách đó tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và tại những địa điểm công cộng của khu vực bỏ phiếu, đồng thời thông báo rộng rãi danh sách cử tri và việc niêm yết để Nhân dân kiểm tra.

Câu 85: Cử tri thay đổi nơi cư trú sau khi niêm yết danh sách cử tri, có được ghi tên vào danh sách cử tri để tham gia bỏ phiếu ở nơi cư trú mới hay không?

Trả lời:

Trong thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ, những người thay đổi nơi thường trú ra ngoài đơn vị hành chính cấp xã nơi đã được ghi tên vào danh sách cử tri thì được xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi cư trú cũ và bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi thường trú mới để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; những người chuyển đến tạm trú ở nơi khác với đơn vị hành chính cấp xã mà mình đã được ghi tên vào danh sách cử tri và có nguyện vọng tham gia bầu cử ở nơi tạm trú mới thì được xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi cư trú cũ và bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi tạm trú mới để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

Người đã có tên trong danh sách cử tri ở nơi cư trú, nhưng đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ, mà bị tạm giam, tạm giữ, phải chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc thì bị xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi cư trú và được bổ sung tên vào danh sách cử tri ở nơi có trại tạm giam, nhà tạm giữ, nơi có cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc để thực hiện quyền bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Cử tri là người bị tạm giam, phải chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc và đã có tên trong danh sách cử tri ở nơi có trại tạm giam, nhà tạm giữ, nơi có cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, nhưng đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ, mà được trả tự do hoặc đã hết thời gian giáo dục bắt buộc, cai nghiện bắt buộc thì được xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi có trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc và được bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi đăng ký thường trú để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã hoặc được bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi đăng ký tạm trú để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

Câu 86: Những trường hợp nào cử tri được tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh?

Trả lời:

- Cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri để tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

- Từ khi niêm yết danh sách cử tri cho đến ngày bầu cử, nếu cử tri nào vì đi nơi khác, không thể tham gia bỏ phiếu ở nơi đã được ghi tên vào danh sách cử tri thì có quyền xin giấy chứng nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi mình đã có tên trong danh sách cử tri để được bổ sung tên vào danh sách cử tri và tham gia bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ở nơi mình có thể tham gia bỏ phiếu. Khi cấp giấy chứng nhận, Ủy ban nhân dân cấp xã phải ghi ngay vào danh sách cử tri tại khu vực bỏ phiếu thuộc địa phương mình bên cạnh tên cử tri cụm từ "Bỏ phiếu ở nơi khác".

Câu 87: Những trường hợp nào cử tri được tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện?

Trả lời:

- Cử tri là người tạm trú và có thời gian đăng ký tạm trú tại địa phương chưa đủ 12 tháng, cử tri là quân nhân ở các đơn vị vũ trang nhân dân được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện ở nơi tạm trú hoặc đóng quân.

- Công dân Việt Nam ở nước ngoài trở về Việt Nam trong khoảng thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ, thì đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký tạm trú xuất trình Hộ chiếu có ghi quốc tịch Việt Nam để được ghi tên vào danh sách cử tri và nhận thẻ cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

- Trong thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ, những người chuyển đến tạm trú ở nơi khác với đơn vị hành chính cấp xã mà mình đã được ghi tên vào danh sách cử tri và có nguyện vọng tham gia bầu cử ở nơi tạm trú mới thì được xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi cư trú cũ và bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi tạm trú mới để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

Câu 88: Những trường hợp nào cử tri được tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử cả ba cấp đại biểu Hội đồng nhân dân?

Trả lời:

- Cử tri là người thường trú tại địa phương được tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử cả ba cấp đại biểu Hội đồng nhân dân.

- Công dân Việt Nam ở nước ngoài trở về Việt Nam trong khoảng thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ nếu có nơi đăng ký thường trú, thì đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký thường trú xuất trình Hộ chiếu có ghi quốc tịch Việt Nam để được ghi tên vào danh sách cử tri và nhận thẻ cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.

Câu 89: Những người tạm vắng khỏi nơi cư trú kể từ ngày niêm yết danh sách cử tri cho đến ngày bỏ phiếu vì các lý do khác nhau thì ghi tên vào danh sách cử tri ở đâu để thực hiện quyền bầu cử?

Trả lời:

Từ khi niêm yết danh sách cử tri cho đến ngày bầu cử, nếu cử tri nào vì đi nơi khác, không thể tham gia bỏ phiếu ở nơi đã được ghi tên vào danh sách cử tri thì có quyền xin giấy chứng nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi mình đã có tên trong danh sách cử tri để được bổ sung tên vào danh sách cử tri và tham gia bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ở nơi mình có thể tham gia bỏ phiếu. Khi cấp giấy chứng nhận, Ủy ban nhân dân cấp xã phải ghi ngay vào danh sách cử tri tại khu vực bỏ phiếu thuộc địa phương mình bên cạnh tên cử tri cụm từ "Bỏ phiếu ở nơi khác".

 Câu 90: Quyền bầu cử của những công dân bị Tòa án kết án tù nhưng được hưởng án treo được quy định như thế nào?

Trả lời:

Công dân đủ mười tám tuổi trở lên, đủ năng lực hành vi dân sự, bị Tòa án kết án tù nhưng được hưởng án treo, nếu không bị tước quyền bầu cử (trong bản án không ghi bị mất quyền bầu cử) vẫn có quyền bầu cử và được ghi tên vào danh sách cử tri ở nơi mình cư trú để tham gia bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật.

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây