Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội ban hành Kế hoạch thực hiện phong trào “Tình nguyện viên giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện và hòa nhập cộng đồng”

Thứ ba - 16/06/2015 15:00 54 0
Để phát huy vai trò, trách nhiệm của Tình nguyện viên trong công tác giúp đỡ người nghiện cai nghiện, người sau cai hòa nhập cộng đồng, ngày 8/6/2015, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 769/QĐ-LĐTBXH về Kế hoạch thực hiện phong trào “Tình nguyện viên giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện và hòa nhập cộng đồng”.

 

Mục tiêu của Kế hoạch là phát huy vai trò, trách nhiệm của tình nguyện viên trong việc vận động, giúp đỡ người nghiện ma túy tự nguyện tham gia các chương trình cai nghiện; người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng. Vận động mỗi tình nguyện viên tiếp cận, vận động, hỗ trợ, giúp đỡ ít nhất một người nghiện ma túy trên địa bàn tham gia một chương trình cai nghiện hoặc một người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng. Người cai nghiện và sau cai nghiện sau khi được tình nguyện viên tiếp cận giúp đỡ có chuyển biến tích cực về tinh thần, sức khỏe; người có nhu cầu và khả năng được hỗ trợ vay vốn, học nghề, tạo cơ hội tìm việc làm phù hợp, có thu nhập ổn định hơn so với trước, tích cực tham gia vào các hoạt động liên quan đến công tác cai nghiện phục hồi, phòng chống tái nghiện tại cộng đồng.

Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, theo Kế hoạch các Đội tình nguyện, tình nguyện viên cần tăng cường công tác tiếp cận, vận động, khuyến khích, tạo cơ hội cho người nghiện ma túy tham gia các chương trình điều trị và cai nghiện ma tuý. Tình nguyện viên bằng uy tín, kỹ năng tiếp cận người nghiện và gia đình họ để tìm hiểu việc sử dụng ma túy (thời gian, loại ma túy sử dụng, các biện pháp, hình thức điều trị, cai nghiện đã thực hiện…); điều kiện, hoàn cảnh gia đình; nguyện vọng về cai nghiện; thông tin, tư vấn đầy đủ về bản chất nguy cơ tác hại của việc nghiện ma tuý; về sự cần thiết cai nghiện, quy trình cai nghiện và phác đồ điều trị nghiện, hình thức cai nghiện trên địa bàn và những tấm gương cai nghiện thành công. Vận động và tạo điều kiện giúp đỡ người nghiện và gia đình họ lựa chọn hình thức điều trị, cai nghiện phù hợp với bản thân và gia đình họ (cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng, tại cơ sở cai nghiện tự nguyện, cai nghiện tự nguyện tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội, điều trị thay thế bằng Methadone). Đối với các địa bàn chưa phát hiện người nghiện ma tuý, tình nguyện viên tiếp cận người có nguy cơ cao (người đi làm ăn xa, người có hoàn cảnh khó khăn, người không có việc làm, người thường xuyên phải tiếp xúc với môi trường phức tạp về ma túy…) để tuyên truyền, giúp đỡ, hỗ trợ họ phòng ngừa việc sử dụng ma tuý trái phép.

 Hỗ trợ, giúp đỡ người sau cai nghiện; kết nối với chính quyền, đoàn thể, tổ chức, cá nhân tạo điều kiện cho họ hòa nhập cộng đồng. Tình nguyện viên gần gũi, chân thành, tạo lòng tin với người sau cai nghiện được phân công giúp đỡ để tư vấn xử lý các vấn đề khủng hoảng tâm lý, gia đình, dự phòng tái nghiện, huy động sự giúp đỡ của gia đình, người thân; tư vấn, hướng dẫn phương pháp, kỹ thuật làm ăn, quản lý kinh tế. Tăng cường kết nối với chính quyền, tổ chức đoàn thể, cơ sở sản xuất trên địa bàn, nắm chắc hoàn cảnh, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống (sức khỏe, gia đình, con cái, nghề nghiệp, việc làm, thu nhập), tùy theo khả năng, nguyện vọng giới thiệu, giúp đỡ họ có việc làm ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Giữ mối quan hệ, với gia đình, người thân, bạn bè với tổ trưởng tổ dân phố, khu dân cư, thôn bản nơi người sau cai nghiện sinh sống để huy động sự giúp đỡ tại chỗ, kịp thời. Đề xuất với chính quyền, cơ sở y tế, cơ quan bảo hiểm hỗ trợ người cai nghiện ma túy chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh. Nắm chắc các chương trình an sinh xã hội của chính quyền địa phương và các đoàn thể đang thực hiện trên địa bàn để kết nối giữa người được giúp đỡ với chính quyền, tổ chức đoàn thể, giới thiệu họ tham gia các chương trình phù hợp (học văn hóa, học nghề, vay vốn, việc làm). Chủ động đề xuất với chính quyền địa phương tạo điều kiện cho họ tiếp cận với các dịch vụ dạy nghề, truyền nghề, tạo việc làm của các cơ sở dạy nghề của tư nhân đóng trên địa bàn; các chương trình dạy nghề, vay vốn ưu đãi của nhà nước và của các tổ chức đoàn thể: Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên, Hội Nông dân, Hội Chữ thập đỏ. Đề xuất với chính quyền tạo điều kiện cho tổ, nhóm, hợp tác xã, cá nhân người sau cai nghiện tham gia hoặc đảm nhận một phần việc, một công trình phù hợp với khả năng để có thu nhập, dành những vị trí địa điểm có thể kinh doanh, làm dịch vụ nhỏ để người sau cai nghiện sản xuất, ổn định cuộc sống.

 Vận động người được giúp đỡ tích cực tham gia các hoạt động của cộng đồng, tình nguyện viên tuyên truyền để người dân trên địa bàn hiểu rõ về nghiện ma tuý là một căn bệnh mãn tính về não bộ nhưng có thể phòng ngừa và điều trị được; từ đó không kỳ thị, phân biệt đối xử, tích cực tham gia giúp đỡ người cai nghiện bằng nhiều biện pháp, hình thức tùy theo điều kiện, khả năng của mỗi người trong cộng đồng. Tổ chức các hoạt động của cộng đồng và vận động người cai nghiện tham gia như các hoạt động vui chơi, văn hoá, thể thao, giải trí lành mạnh, các câu lạc bộ của các đoàn thể, câu lạc bộ đồng đẳng. Thường xuyên nhận xét, đánh giá sự chuyển biến của người sau cai nghiện. Giới thiệu những người sau cai nghiện được giúp đỡ có tiến bộ để chính quyền, đoàn thể xem xét, tham gia làm tuyên truyền viên, cộng tác viên, tình nguyện viên.

Phối hợp với các lực lượng chức năng tuần tra tình hình an ninh trật tự, kịp thời phát hiện và báo cáo với các cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tội phạm, tệ nạn ma túy trên địa bàn; đảm bảo an toàn sức khỏe cho tình nguyện viên trong quá trình giúp đỡ người cai nghiện và sau cai nghiện.

Để phong trào được triển khai sâu rộng, có sức lan tỏa và mang lại hiệu quả thiết thực, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các ban ngành liên quan, lập kế hoạch, chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh triển khai Kế hoạch phát động phong trào này đến tất cả Đội tình nguyện, đồng thời, chỉ đạo điểm một số Đội tình nguyện để rút kinh nghiệm. Phối hợp với các sở, ngành liên quan chỉ đạo cơ quan chức năng, tổ chức các dịch vụ điều trị, cai nghiện để người nghiện có điều kiện lựa chọn một dịch vụ phù hợp; hướng dẫn địa phương bố trí nguồn lực hỗ trợ người sau cai nghiện thông qua việc lồng ghép thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội trên địa bàn; có các biện pháp cụ thể huy động các tổ chức, cá nhân và cộng đồng hỗ trợ nguồn lực và các hoạt động cụ thể giúp đỡ người sau cai nghiện. Tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm cho đội ngũ tình nguyện viên, đặc biệt là kiến thức và các kỹ năng xã hội để họ tiếp cận và hỗ trợ người cai nghiện. Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch gửi Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

Thực hiện Quyết định số 769/QĐ-BLĐTBXH của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, Đồng chí Trần Lưu Quang-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh có ý kiến chỉ đạo như sau:

Giao Sở Lao động -Thương binh và Xã hội – Thường trực Chương trình Ban chỉ đạo Phòng, chống tội phạm, phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ nội dung yêu cầu của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội tại Quyết định số 769/QĐ-BLĐTBXH tổ chức thực hiện và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh theo đúng quy định.

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai kế hoạch trên địa bàn và kiểm tra, giám sát việc thực hiện của Đội tình nguyện. Bố trí kinh phí theo quy định tại Thông tư liên tịch số 24/2012/TTLT-BNV-BTC và tạo điều kiện để Đội tình nguyện thực hiện kế hoạch

MN


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây