Bảo vệ và phát huy nghệ thuật di sản văn hoá nghệ thuật Đờn ca tài tử

Thứ sáu - 03/04/2015 15:00 99 0
Tây Ninh là vùng đất hội nhập nhiều sắc thái văn hoá cổ kim, mà chủ đạo là nền văn minh nông nghiệp truyền thống của người Việt. Điển hình cho sự phong phú ấy là các loại hình nghệ thuật truyền thống, trong đó không thể không nhắc đến nghệ thuật Đờn ca tài tử.

Đờn ca tài tử bắt đầu du nhập vào Tây Ninh từ cuối thế kỷ thứ XIX đầu thế kỷ XX, theo chân các cư dân Nam tiến mở mang bờ cõi nước Việt. Người có ảnh hưởng nhiều nhất đến Đờn ca tài tử tại Tây Ninh là nhạc sư Nguyễn Quang Đại, tức cụ Ba Đợi (quan nhạc lễ triều đình nhà Nguyễn), ngoài ra các nghệ nhân ở Tây Ninh còn tiếp nhận Đờn ca tài tử qua khách thương hồ buôn bán qua lại trên các con sông, rạch thuộc địa bàn tỉnh.

Có thể tóm tắt quá trình hình thành và phát triển phong trào Đờn ca tài tử Nam bộ ở Tây Ninh như sau: Giai đoạn đầu thế kỷ XX, nghệ thuật Đờn ca tài tử chính thức du nhập vào Tây Ninh và phát triển nhiều "lò" đào tạo tài tử đờn và tài tử ca. Từ năm 1930 đến năm 1960, phong trào Đờn ca tài tử đã trở nên phổ biến trong mọi sinh hoạt văn hoá và đời sống hằng ngày của nhân dân, tại các huyện Trảng Bàng, Gò Dầu, Châu Thành việc truyền nghề và giao lưu, trao đổi tay nghề trở nên rầm rộ, tại huyện Hoà Thành – Trung tâm của tôn giáo Cao đài, nhạc lễ và Đờn ca tài tử cũng được truyền bá rộng rãi, phục vụ cho sinh hoạt văn hoá và sinh hoạt tôn giáo. Từ năm 1960 đến năm 1975, đây là giai đoạn ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tây Ninh là căn cứ địa cách mạng, nên phong trào Đờn ca tài tử- cải lương phát triển mạnh mẽ ở vùng kháng chiến với khẩu hiệu "Tiếng hát át tiếng bom". Từ năn 1976 đến 1986, sau khi đất nước thống nhất, mọi sinh hoạt kinh tế - chính trị - văn hoá - văn nghệ được Đảng và Nhà nước quan tâm, chăm lo xây dựng và tạo điều kiện phát triển, các nghệ nhân Đờn ca tài tử từ trong vùng cách mạng và vùng địch tạm chiếm trước đây có dịp hội tụ, tạo nên sức mạnh trong phong trào Đờn ca tài tử tỉnh nhà, khắp các địa phương trong tỉnh đều có các đội, nhóm Đờn ca tài tử, đội nhạc lễ sinh hoạt ở cơ sở. Từ năm 1987 đến năm 2000; Đờn ca tài tử tạm lắng xuống do bị chi phối bởi ảnh hưởng của văn hoá công nghiệp, cuộc sống hiện đại. Từ năm 2001 đến nay phong trào Đờn ca tài tử bắt đầu phục hồi và phát triển.  

Với quyết tâm lưu giữ và phát huy những giá trị của các loại hình âm nhạc dân tộc, Đảng và chính quyền các cấp ở Tây Ninh tạo mọi điều kiện để Đờn ca tài tử được phục hồi và phát triển. Đặc biệt là từ khi có Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về "Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiên, đậm đà bản sắc dân tộc" đã mở ra một bước ngoặt mới, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động văn hoá nói chung, công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá nói riêng ở Tây Ninh phát triển bền vững. Thông qua các hoạt động nghiên cứu, kiểm kê, liên hoan, giao lưu, hội thi, hội diễn và phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của toàn xã hội về bảo vệ di sản văn hoá, trong đó có loại hình Đờn ca tài tử. Với sự quan tâm đầu tư của các ngành, các cấp, sự đồng thuận của nhân dân, nghệ thuật Đờn ca tài tử ở Tây Ninh tiếp tục phát triển và đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia (theo Quyết định số 5079/QĐ-BVHTTDL, ngày 27/12/2012), đặc biệt Tây Ninh là một trong 21 tỉnh, thành phố có di sản Đờn ca tài tử Nam bộ được UNESCO công nhận Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Theo thống kê bước đầu hiện nay toàn tỉnh có khoảng 285 Câu lạc bộ, đội nhóm Đờn ca tài tử- cải lương đang sinh hoạt tại Trung tâm Văn hoá các huyện, thành phố; Trung tâm Văn hoá Thể thao và Học tập cộng đồng các xã, phường, thị trấn và trong cộng đồng dân cư, trong đó có 82 Câu lạc bộ tài tử. Hầu hết các Trung tâm văn hoá từ tỉnh đến cơ sở đều có hoạt động Đờn ca tài tử, hiện có khoảng 50 nghệ nhân đang là các hạt nhân nòng cốt trong hoạt động Đờn ca tài tử ở cơ sở. Đặc biệt là trong tôn giáo Cao đài có một lực lượng nghệ nhân ở các phận đạo, họ đạo, ngoài phận sự của một tín đồ thực hiện âm nhạc nghi lễ của tôn giáo, các nghệ nhân còn tích cực tham gia sinh hoạt truyền ngón, truyền nghề cho lực lượng trẻ yêu thích nghệ thuật Đờn ca tài tử ở địa phương.

Sau khi được UNESCO công nhận Tây Ninh là một trong 21 tỉnh, thành phố có nghệ thuật Đờn ca tài tử, để thực hiện cam kết với thế giới trong việc giữ gìn, bảo vệ và phát huy di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại- nghệ thuật Đờn ca tài tử mỗi người Việt Nam nói chung và người dân Tây Ninh nói riêng đều phải có trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật của Đờn ca tài tử. Với ý nghĩa đó, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh Tây Ninh đã chỉ đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch xây dựng Đề án Bảo vệ và phát huy di sản văn hoá phi vật thể Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2020. Tại cuộc họp ngày 01/4/2015, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Trần Lưu Quang đã nghe đại diện lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch báo cáo quy trình chuẩn bị dự thảo Đề án và ý kiến đóng góp của các sở, ngành liên quan, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch bổ sung, hoàn chỉnh trình UBND xem xét, phê duyệt.

Bảo tồn và phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử gắn với xây dựng nền văn hoá và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân- thiện- mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc nhân văn, dân chủ, khoa học. Phát triển sâu rộng nghệ thuật Đờn ca tài tử trên địa bàn tỉnh, đưa loại hình nghệ thuật truyền thống Đờn ca tài tử thực sự trở thành loại hình nghệ thuật chủ đạo trong hoạt động nghệ thuật quần chúng của các cơ quan, đơn vị và cộng đồng dân cư là góp phần nâng cao cảm thụ nghệ thuật, vun đắp, bồi dưỡng tâm hồn, xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.

Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đạt kết quả là đã cụ thể hoá việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, nhà nước về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, là góp phần xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.

Quang Dững

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây