Bí thư Tỉnh uỷ Trần Lưu Quang: “Doanh nghiệp có lời, Tây Ninh có sự phát triển”

Thứ tư - 15/06/2016 09:00 76 0
Đó là thông điệp mà ông Trần Lưu Quang- Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh nhiều lần nhấn mạnh khi chia sẻ với phóng viên các cơ quan báo chí địa phương và Trung ương về vấn đề thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh.

 

Bí thư Tỉnh uỷ Trần Lưu Quang trả lời phỏng vấn của báo chí - ảnh Hoàng Anh.

Tìm giải pháp vực dậy Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài

Làm việc với Ban Quản lý các Khu kinh tế tỉnh tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài hôm 8.6.2016, Bí thư Tỉnh uỷ Trần Lưu Quang cho rằng mô hình hoạt động Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đến thời điểm này là không thành công. Do đó, mô hình đặt ra cần phải có sự chuyển hướng cho phù hợp, chú ý đến phát triển dịch vụ logistics, hậu cần, kho bãi, khu công nghiệp... có như thế mới thúc đẩy khu kinh tế này phát triển.

Theo Bí thư Tỉnh uỷ, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài hiện đang có những lợi thế như: khoảng cách từ cửa khẩu Mộc Bài về đến chợ Bến Thành, đến cảng Sài Gòn khoảng 70km, hay đến sân bay Tân Sơn Nhất khoảng 60km. Thứ hai là trong xu thế hội nhập hiện nay, làm KCN ở Tây Ninh phải tính đến đưa hàng hoá vượt ra khỏi biên giới Việt Nam.

Thực tế hiện nay, Tây Ninh đã có những nhà đầu tư rất lớn đầu tư những hạng mục cho lĩnh vực logistics ở khu vực cửa khẩu Mộc Bài. Bên cạnh đó, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài với những tiềm năng và diện tích sẵn có thuận lợi phát triển các dự án khu công nghiệp sẽ được thay thế cho dự án khu thương mại trước đây. “Trong tương lai khi phát triển logistics, phát triển giao thông, buôn bán, phát triển khu công nghiệp, chắc chắn sẽ có nhu cầu về nhà ở” - ông Trần Lưu Quang tin tưởng và chia sẻ: “Chủ quan mà nói, tỉnh kỳ vọng rằng những năm sắp tới, diện mạo Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài cũng có sự thay đổi theo hướng đi này”.

Theo ông Quang, việc quan trọng hiện nay là làm sao để huy động được nguồn vốn cho sự phát triển. Theo nguyên tắc, tỉnh xác định hạn chế việc huy động nguồn vốn từ ngân sách, vốn Nhà nước chỉ bỏ một phần để thực hiện một số hạ tầng cơ bản có tác dụng như là cú hích để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Hiện nay đã có dự án đầu tư hạ tầng khu vực Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung vào huy động nguồn vốn của các doanh nghiệp đóng góp.

Khi phóng viên đặt vấn đề, trong phát triển công nghiệp, việc thu hút doanh nghiệp đến đầu tư, không chỉ riêng ở Tây Ninh mà thậm chí nhiều địa phương khác có chính sách rất mạnh mẽ (hầu như tỉnh/thành nào cũng có KCN) thì Tây Ninh làm gì để cạnh tranh. Bí thư Tỉnh uỷ Trần Lưu Quang cho biết, doanh nghiệp họ tính toán trên những thuận lợi của mình, thuận lợi chủ yếu về vị trí địa lý và với vị trí địa lý rất thuận lợi của Tây Ninh thì nhà đầu tư sẽ đến Tây Ninh nhiều hơn.

“Việc mà Tây Ninh cần phải làm trong những năm sắp tới là làm sao có đường cao tốc từ thành phố Hồ Chí Minh đến Mộc Bài. Vấn đề này có trong quy hoạch, đã có chủ đầu tư và đang chờ Bộ Giao thông và Vận tải thẩm định trình Chính phủ xem xét quyết định về chủ trương đầu tư” - Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh Trần Lưu Quang cho biết thêm.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Khi chúng tôi đặt vấn đề làm cách nào để có được các dự án đầu tư của doanh nghiệp, trong khi doanh nghiệp lại muốn đầu tư nhiều nơi khác, bởi có thể có nhiều nơi tốt hơn ở Tây Ninh. Bí thư Tỉnh uỷ phân tích, khi lựa chọn nơi đầu tư, doanh nghiệp xác định nơi đầu tư là phải có khả năng để doanh nghiệp có thể thu lợi từ dự án. Nói chung phải có lời thì doanh nghiệp mới làm. Và hiện nay, doanh nghiệp quan tâm nhiều nhất là thái độ ứng xử của chính quyền đối với doanh nghiệp.

“Luật lệ là như nhau, là chung cho cả nước, nhưng nơi nào có thái độ ứng xử tốt, có sự trân trọng doanh nghiệp thì họ sẽ tìm đến nơi đó trước. Nói một cách đơn giản, doanh nghiệp muốn gặp Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh trong giờ và ngoài giờ, chúng tôi đều cố gắng thu xếp và chia sẻ cởi mở, tạo lòng tin đối với doanh nghiệp. Khi có những vấn đề phát sinh, trên tinh thần cùng chia sẻ lẫn nhau, bảo đảm được lợi nhuận của doanh nghiệp, chúng tôi sẽ giải quyết kịp thời. Với cách làm như vậy, tôi tin rằng Tây Ninh sẽ có nhiều doanh nghiệp đến đầu tư”. Ông Quang dẫn chứng trường hợp nhà đầu tư Tân Cảng Sài Gòn đã có những cam kết đầu tư đến Tây Ninh.

Đối với vấn đề tạo cơ chế thông thoáng cho nhà đầu tư, ông Trần Lưu Quang cho rằng, về nguyên tắc, Tây Ninh không có quyền đặt ra luật riêng, tất cả đều phải theo quy định của cấp trên. Tuy nhiên, nếu vận dụng một cách hợp lý, có tính toán về nguồn lực, về lợi ích của doanh nghiệp và về sự phát triển bền vững, ông tin rằng sẽ tạo được sự tin tưởng của nhà đầu tư.

Trong quá trình làm công tác kêu gọi, thu hút đầu tư, có thể không tránh khỏi những khó khăn nhất định. Trước tiên là vấn đề nguồn nhân lực, thực tế đòi hỏi phải có những cán bộ, người trực tiếp làm việc với doanh nghiệp đủ đức, đủ tài và thực sự có tâm huyết đến sự phát triển. Thứ hai là nguồn vốn phát triển, phải làm sao huy động được nhiều vốn, từ nhiều nguồn. Đối với vấn đề cải cách hành chính, hiện nay quy định đã có, niêm yết rất rõ ràng, nhưng cái chính là nằm trong sự ứng xử, tư duy của cán bộ trực tiếp làm công việc này. Bản thân cán bộ trực tiếp và kể cả những người lãnh đạo phải hiểu rằng “doanh nghiệp có lời thì Tây Ninh mới có sự phát triển”.

Xuất phát từ những suy nghĩ đó, thời gian qua, tỉnh Tây Ninh đã có những giải pháp quyết liệt trong vấn đề cải cách hành chính, rút ngắn thời gian cấp phép đầu tư và nhiều giải pháp khác. Trong thực tế, ngay từ đầu năm 2016, Tây Ninh đã có những cách làm “chưa có tiền lệ” là chỉ trong 6 giờ- kể từ khi tiếp nhận hồ sơ, lãnh đạo UBND tỉnh đã ký văn bản chấp thuận đầu tư cho một dự án trên khu đất Bách hoá cũ. Điều này càng chứng minh sự quyết tâm cải cách, tạo điều kiện tốt nhất để nhà đầu tư đến với Tây Ninh.

Đồng hành với doanh nghiệp, mới đây, tại nông trường Ninh Điền- một cánh đồng mẫu lớn, áp dụng công nghệ cao của Công ty TNHH Hưng Thịnh, 14/15 Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ có mặt để khảo sát, ghi nhận những kiến nghị của công ty đối với tỉnh. Điều này càng cho thấy sự đồng hành của chính quyền đối với doanh nghiệp.

Có mặt trên chuyến xe của đoàn công tác lãnh đạo tỉnh hôm ấy, ông Lê Thành- Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Organic Life (nhà đầu tư với Công ty Hưng Thịnh) tâm sự: “Có lẽ đây là chuyến xe rất đặc biệt, chuyến xe không bao giờ quên trong cuộc đời làm nông nghiệp của tôi, được đi chung với các anh, chị lãnh đạo tỉnh, được làm speaker (tạm dịch là người giới thiệu) để giới thiệu mô hình và trao đổi về câu chuyện phát triển nông trường. Đối với một người đầu tư như tôi, đây là điều rất hạnh phúc, bởi được sự đồng hành, được tiếp sức trong bước đi của lãnh đạo tỉnh. Tinh thần này không phải ở đâu cũng có, vì vậy, nó trở thành nguồn động viên, động lực rất lớn”. Chính vì lẽ đó, ông Thành cho biết, ngoài việc hợp tác đầu tư với Công ty Hưng Thịnh, ông còn muốn được đóng góp công sức, trí tuệ, liên kết các mối quan hệ quốc tế và trong nước để làm sao thúc đẩy nền nông nghiệp của tỉnh Tây Ninh phát triển, trở thành nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp thông minh...

Bí thư Tỉnh uỷ Trần Lưu Quang cũng chia sẻ, lãnh đạo tỉnh rất ủng hộ các dự án đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Do đó, tỉnh đang cố gắng tìm nguồn đất mà Nhà nước đang quản lý để ủng hộ doanh nghiệp tiếp cận, thực hiện dự án.

Theo Báo Tây Ninh Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây