Cần đẩy mạnh vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới

Thứ ba - 08/10/2013 00:00 201 0
Chương trình xây dựng nông thôn mới là một chương trình lớn thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với nông và nông dân. Tuy quá trình triển khai chương trình này đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng, nhưng việc thực hiện chương trình này ở nhiều nơi vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong đợi.

 

Một đoạn đường nông thôn bê tông hoá ở tỉnh Thái Bình (Ảnh: Đ.H)

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới mới ở nhiều nơi chưa đạt hiệu quả như mong đợi, nhưng có một nguyên nhân quan trọng cần sớm khắc phục, đó là công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới chưa được thường xuyên, chưa sát với thực tiễn. Điều này đã dẫn tới nhận thức của cán bộ, nhân dân về ý nghĩa của chương trình này chưa thực sự đầy đủ. Thực tế cho thấy, tại nhiều địa phương nhận thức của cấp uỷ, chính quyền và người dân vẫn còn nhiều hạn chế. Không ít địa phương coi chương trình xây dựng nông thôn mới là cơ hội để có được nguồn đầu tư từ nhân dân nhà nước để xây dựng kết cấu hạ tầng, mà coi nhẹ vai trò chủ thể là người dân. Từ đó, chỉ quan tâm đến việc quy hoạch, đề án xây dựng kết cấu hạ tầng như điện, đường, trường, trạm… nhưng tính khả thi và hiệu quả thực tế lại thấp. Cũng có không ít người dân chưa nhận thức được họ là “chủ thể” của chương trình này. Họ cho rằng, đây là chương trình đầu tư của Nhà nước cho địa phương mình, là việc của cấp trên, chứ không phải là việc của mình. Họ cũng chưa hiểu rõ rằng cùng với việc tham gia đóng góp sức lao động, tiền của, ý kiến vào các hoạt động xây dựng chương trình là việc tự đầu tư để góp phần nâng cao thu nhập trong các hoạt động kinh tế, giữ gìn nếp sống văn hóa, chỉnh trang ngõ xóm, giữ vững an ninh trật tự,… góp phần nâng cao chất lượng đời sống của chính họ.

Để giúp người dân hiểu rõ hơn vai trò chủ thể của mình, công tác tuyên truyền cần tập trung làm rõ hơn mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới là vì người dân, hướng đến người dân. Theo đó, công tác tuyên truyền cần tạo cho được sự đồng thuận trong nhân dân, tạo ra một nhận thức mới cho người dân tự nguyện tham gia xây dựng nông thôn mới, trước hết là vì cuộc sống của chính bản thân họ và gia đình họ; tất cả mọi người dân đều được hưởng và toàn xã hội được hưởng thành quả đó. Có thể thấy, chương trình xây dựng nông thôn mới là một quá trình đổi mới sâu sắc, toàn diện trên mọi lĩnh vực ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm phát triển nông thôn bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Thông qua 19 tiêu chí bao quát hầu hết các lĩnh vực, cả về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, môi trường, an ninh,… sẽ dần hình thành diện mạo nông thôn mới có một nền sản xuất phát triển, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, từng bước hiện đại, đời sống văn hóa phát triển theo hướng tiến bộ, hiện đại, dân chủ được phát huy tốt hơn, môi trường sinh thái được bảo vệ,…

Nhìn chung, nông thôn mới là một chương trình lớn vì nó hướng đến một bộ phận dân cư chiếm đa số trong xã hội. Vì vậy, ngoài sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, cần có sự tham gia tích cực của từng người dân, của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội. Để làm tốt công tác này, thì hoạt động tuyên truyền cần phối hợp với các cấp chính quyền địa phương trong việc thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, làm sao để “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”. Để huy động tổng hợp sức mạnh của toàn xã hội tham gia đóng góp sức người, sức của để xây dựng nông thôn mới, cần công khai, minh bạch các công việc. Người dân cần phải được thông tin đầy đủ, đa chiều. Chẳng hạn, trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng, người dân cần biết được chủ trương của Đảng và Nhà nước thực hiện chương trình này là vì muốn tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của họ. Để làm được điều này, thì cần có sự ủng hộ, tự nguyện đóng góp thêm của nhân dân, vì nguồn ngân sách còn hạn hẹp. Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần, hỗ trợ kỹ thuật, còn giá trị còn lại của công trình thì người dân cần tự nguyện đóng góp sức lao động, góp đất để giải phóng mặt bằng, đóng góp một phần kinh phí,… Nếu người dân hiểu kỹ được vấn đề, thì sẽ xoá được tư tưởng trông chờ, ỷ lại và vui vẻ đóng góp.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nên ở nhiều địa phương với nhiều cách làm khác nhau đã thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới. Có địa phương thực hiện sự đóng góp theo nhân khẩu, có địa phương thực hiện sự đóng góp theo hộ, có địa phương thì thực hiện sự đóng góp theo diện tích đất canh tác được hưởng,… Thực tiễn cho thấy, dù thực hiện bằng cách này hay cách khác, nếu người dân được bàn bạc, được đóng góp ý kiến của mình thì sẽ tạo ra được sự đồng thuận trong việc triển khai thực hiện. Ở không ít địa phương, do đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, mà nhiều hộ chỉ có thể hiến đất, đóng góp vật liệu, sức lao động mà không có khả năng đóng góp bằng tiền. Những nơi này khi xây dựng kết cấu hạ tầng đã tính toán rất cụ thể để người dân chủ động đóng góp.

Một điểm đáng chú ý, chương trình xây dựng nông thôn mới không phải là đô thị hoá nông thôn. Vì vậy, trong công tác tuyên truyền cần làm rõ hơn việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Việt Nam là một nước đa dân tộc, sống ở nhiều vùng miền khác nhau, mỗi vùng miền lại có bản sắc văn hóa đặc thù. Do vậy, để phát huy vai trò là chủ thể của người dân, thì khi thực hiện mỗi chương trình, cần có sự bàn bạc, có ý kiến đóng góp của người dân sao cho mỗi chương trình ấy cần phù hợp và giữ được bản sắc văn hóa riêng. Chẳng hạn, trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thì không phải cứ nhất nhất “bê tông hoá”, hay “proximang hoá”. Một nhà rông, nếu mái lợp bằng tôn (như đã từng xảy ra - đồng bào không sử dụng mà tự đóng góp dựng nên một nhà rông mới theo đúng bản sắc truyền thông của dân tộc), thì không còn là bản sắc văn hóa.

Có thể thấy, để người dân thực sự hiểu rằng chương trình xây dựng nông thôn mới là vì nhân dân, thì cả hệ thống chính trị cần phát huy tốt quy chế dân chủ, để người dân thực sự hiểu rõ vai trò chủ thể của mình. Công tác tuyên truyền cần làm tốt hơn nữa vai trò của mình, để người dân tiếp tục ủng hộ, đóng góp để xây dựng góp phần quan trọng vào sự thành công của chương trình xây dựng nông thôn mới…

Theo dangcongsan.vn

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây