Vào năm 1749 (Kỷ Tỵ), ba anh em họ Huỳnh: Huỳnh Công Giản, Huỳnh Công Nghệ và Huỳnh Công Thắng ở vùng Nhật Tảo - Đàng Ngoài đến vùng đất Tây Ninh. 03 ông cùng với đội binh mã của mình thực hiện cuộc Nam tiến, di dân khai hoang lập ấp và giữ gìn an ninh vùng đất biên cương.
Đến Tây Ninh, các ông chia nhau trấn giữ những vị trí đắc địa ở đất này. Nhận thấy vùng Cẩm Giang (thuộc huyện Gò Dầu ngày nay) và Bến Thứ (nay thuộc xã Tân Phong, huyện Tân Biên) là những nơi xung yếu, có vị trí chiến lược về mặt quân sự, lại nằm trên Con đường Thiên lý, "Con đường sứ" từ Gia Định qua Nam Vang (Thủ đô Phnôm Pênh - Campuchia ngày nay), ông Huỳnh Công Thắng đưa lực lượng về đóng ở Cẩm Giang, ông Huỳnh Công Nghệ đưa quân lên trấn thủ vùng Bến Thứ. Riêng ông Huỳnh Công Giản, với lực lượng mỏng hơn, chọn điểm đóng quân tại vùng Trà Vong (nay thuộc huyện Tân Biên). Ở Trà Vong, ông Huỳnh Công Giản tiến hành chiêu dân, thúc lính khai khẩn đất đai, hình thành nên 3 ấp: Tân Lập, Tân Hội, Tân Hiệp.
Lăng mộ Quan lớn Trà Vong, tại ấp 3, xã Trà Vong, huyện Tân Biên.
Thời gian này, bọn giặc từ bên kia biên giới thường sang quấy nhiễu, cướp bóc tài sản của đồng bào. Ông đã tổ chức, huấn luyện những đội binh trấn giữ khắp nơi theo phương thức "động vi binh, tĩnh vi dân". Nhiều trận chiến đấu diễn ra, nhưng trận nào cũng thắng lợi vẻ vang, tạo được niềm tin vững chắc cho nhân dân trong vùng.
Nhưng trong một lần giặc ngoài tấn công, vây hãm đồn Trà Vong (ngày 12/02/1782), ông đã tuẫn tiết, không để sa vào tay giặc. Ghi nhớ công ơn bảo vệ dân an, khai làng lập ấp của ông, nhân dân đã lập miếu, dinh thờ tự ở nhiều nơi: Lăng Quan lớn Trà Vong ở ấp 3, xã Trà Vong, huyện Tân Biên; Miếu Quan lớn Trà Vong ở xã Thạnh Tân, Tp.Tây Ninh; ở Phường 1, Tp.Tây Ninh và xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành.
Ông Huỳnh Công Thắng là em họ của Quan lớn Trà Vong Huỳnh Công Giản đến Cẩm Giang, ông cho đào lũy, đắp thành, chiêu mộ thanh niên trai tráng, ngày ngày luyện tập võ nghệ để lập ra những đội binh được trang bị vũ khí, gươm, lao, giáo, cung, nỏ, ống đồng phun lửa bằng dầu chai chống lại bọn giặc ngoài thường xuyên cướp phá. Cùng với nhiệm vụ trấn giữ cương thổ, ông còn tích cực tổ chức các cuộc khai khẩn đất đai, quy dân lập ấp, hình thành nên những vùng trù phú, kéo dài từ Cẩm Giang (huyện Gò Dầu ngày nay) đến khu vực chân núi Bà Đen (nay thuộc thành phố Tây Ninh) qua đến rừng Trà Vong sang Bến Thứ (nay thuộc huyện Tân Biên).
Ông đã tử tiết hy sinh ngày 06/4/1826 (Bính Tuất, năm Minh Mạng thứ 7). Nhân dân địa phương tổ chức chôn cất ông tại ấp Cẩm Thắng, xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu. Bên cạnh khu lăng mộ, người dân xây một đền khang trang để thờ cúng ông. Ngoài ra, ông còn được thờ tự trong đình Trung thuộc ấp Cẩm Long, xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu và đình Long Chữ, xã Long Chữ, huyện Bến Cầu.
Đền thờ Quan đại thần Huỳnh Công Thắng, tại xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu.
Từ năm 1845 -1847, nhiều làng khác được hình thành và cũng có những truyền tụng về công lao của người mở đất, lập làng. Điển hình là cụ Trần Văn Thiện, người có công lập làng Long Thành (nay là 3 xã Long Thành Nam, Long Thành Trung và Long Thành Bắc của huyện Hoà Thành) dưới thời vua Thiệu Trị (1841-1847). Sau khi mất, cụ được tôn xưng Thành hoàng đình Long Thành, nay được công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia.
Thực tế công cuộc khẩn hoang từ cuối thế kỷ XVIII đến thế kỷ XIX, Tây Ninh cũng như các địa phương khác ở Nam bộ, sức lao động của con người vẫn là chủ yếu. Người dân ra sức khai phá, mở rộng diện tích canh tác, khối lượng nông sản không ngừng gia tăng, những lớp lưu dân đã biến nhiều vùng đất bị bỏ hoang thành những thửa ruộng canh tác màu mỡ. "Dọc sông Vàm Cỏ Đông, Trảng Bàng,... nền nông nghiệp trồng lúa chiếm vị trí hàng đầu". Những năm cuối thế kỷ XVIII, ruộng lúa ở vùng Tân Bình, cấy 01 hộc gặt được 100 hộc. Ngoài trồng lúa, lưu dân ở đây còn biến vùng rừng rú rậm rịt thành "những cánh đồng trồng dâu, trồng mía". Thành công của các lưu dân thời khẩn hoang trên lĩnh vực nông nghiệp đã làm cho các kỹ sư phương Tây phải thừa nhận "về nghệ thuật tưới nước vào miền khô khan và tháo nước ở các miền nước đọng, người Việt là một bậc thầy ".
Trên cơ sở kinh tế nông nghiệp phát triển, có rất nhiều nghề thủ công cũng khởi phát ở Tây Ninh như: nghề dệt, nhuộm, mộc, gốm, đan lát, rèn sắt. Trong đó, nghề đan lát và nghề mộc được phát triển mạnh nhất. Một số thợ thủ công đã trở thành chuyên nghiệp và tách khỏi nông nghiệp. Các sản phẩm nghề thủ công làm ra lúc bấy giờ đã đáp ứng được nhu cầu lớn của lưu dân khẩn hoang về đồ gia dụng, dụng cụ sản xuất, phương tiện đi lại, vận chuyển. Nghề rèn chủ yếu làm cuốc, phảng, cày, rựa...; nghề mộc chủ yếu đóng ghe, thuyền, xe bò, xe ngựa...
Bến xe ngựa ở Tây Ninh (ảnh chụp năm 1900).
Quá trình khai phá vùng đất Tây Ninh, nhất là công cuộc khẩn hoang, phát triển kinh tế nông nghiệp, nghề thủ cổng và khai thác lâm, thổ sản trong các thế kỷ XVIII - XIX, đã đặt những nền móng quan trọng cho công cuộc khai khẩn và phát triển kinh tế - xã hội của Tây Ninh trong các thế kỷ tiếp theo.
Rừng Tây Ninh (Ảnh chụp năm 1900).