Chương trình hành động của Tỉnh ủy: Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và về lâu dài trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Thứ sáu - 20/10/2017 16:00 90 0
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Nguyễn Minh Tân vừa thay mặt Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ký ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị (khóa XII) về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

DSC_7752.jpg

Du khách tham quan Khu Du lịch Núi Bà đen.

Với nhiệm vụ, xác định, nâng cao nhận thức phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và về lâu dài trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển Tây Ninh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội, có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp uỷ đảng; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và nâng cao ý thức của người dân trong xây dựng, phát triển du lịch bền vững, có sự quản lý thống nhất của Nhà nước; tập trung nguồn lực của tỉnh Tây Ninh cho phát triển du lịch.

Nhận thức rõ du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và nội dung văn hóa sâu sắc; có khả năng đóng góp lớn vào phát triển kinh tế, giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển, đem lại hiệu quả nhiều mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, đối ngoại và an ninh, quốc phòng; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, địa phương; bảo vệ môi trường và thiên nhiên…góp phần gắn kết và phát huy thế mạnh du lịch của địa phương với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và không ngừng nâng cao uy tín, thương hiệu và sức thu hút của du lịch Tây Ninh.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra một số mục tiêu chủ yếu, đến năm 2020, phấn đấu xây dựng ngành du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc có sức cạnh tranh cao; thu hút 4 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách du lịch quốc tế 16.000 lượt, tốc độ tăng bình quân 17%/năm; tạo ra 7.400 việc làm, trong đó có 2.500 việc làm trực tiếp. Phấn đấu đến năm 2030, du lịch Tây Ninh thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp trên 7% GRDP, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác.

Để thực hiện những mục tiêu cụ thể trên, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra 8 nhóm giải pháp để thực hiện.

Trong đó, tập trung, cơ cấu lại ngành du lịch, rà soát, điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Tây Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo hướng tập trung nguồn lực xây dựng các khu vực động lực phát triển du lịch.

Xây dựng và triển khai Đề án cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng bảo đảm phát triển đồng bộ trong tổng thể phát triển của nền kinh tế - xã hội của tỉnh, ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch; liên kết chuỗi giá trị đầu vào của các ngành; tập trung phát triển sản phẩm du lịch văn hoá, tâm linh Núi Bà Đen và Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh; xây dựng thành phố Tây Ninh thành đô thị du lịch sinh thái, vui chơi giải trí; du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch cộng đồng gắn với sản phẩm làng nghề có sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh cao; kiểm soát và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch theo hướng hiện đại; đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến quảng bá gắn với sản phẩm và thị trường; bảo đảm môi trường du lịch an toàn, văn minh, chuyên nghiệp.

Triển khai thực hiện hoàn thiện thể chế, chính sách, có kế hoạch cụ thể hoá triển khai thực hiện phát triển du lịch theo quy định của pháp luật và có chính sách đột phá để phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng và về lâu dài trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đáp ứng yêu cầu, tính chất của ngành kinh tế tổng hợp, hoạt động theo cơ chế thị trường, huy động tối đa nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển du lịch.

Vận dụng tốt các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư vào du lịch, nhất là hạ tầng du lịch, sản phẩm du lịch đặc thù và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch. Tăng cường hợp tác công - tư để huy động các nguồn lực trong xã hội cho phát triển du lịch. Ưu tiên bố trí vốn ngân sách cho công tác xây dựng quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá, xúc tiến du lịch.

Tập trung đầu tư phát triển loại hình du lịch đặc trưng: lựa chọn loại hình du lịch có thế mạnh, có tính cạnh tranh cao để ưu tiên tập trung đầu tư, quảng bá và đẩy mạnh xã hội hóa nhằm xây dựng thương hiệu du lịch Tây Ninh. Tập trung đầu tư xây dựng sản phẩm: du lịch tâm linh, tín ngưỡng; du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch về nguồn, du lịch sinh thái, du lịch cửa khẩu, mua sắm, ẩm thực, nghề và làng nghề truyền thống. Phát triển các vườn thảo dược gắn với sản phẩm du lịch sức khỏe, Spa làm đẹp.

Thực hiện các dự án phát triển kinh doanh du lịch: thực hiện các dự án đầu tư kinh doanh du lịch tại các khu du lịch trọng điểm, tiềm năng của tỉnh; ưu tiên đầu tư vào Khu du lịch Quốc gia Núi Bà Đen, đầu tư nâng cấp các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch theo hướng tăng qui mô, nâng cao chất lượng, đa dạng hoá các dịch vụ phục vụ khách du lịch, ưu tiên các dự án đầu tư du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao, các khách sạn 3 sao đến 5 sao, các dịch vụ vui chơi giải trí truyền thống, đờn ca tài tử cải lương, ẩm thực, làng nghề du lịch trình diễn, nhà hàng du lịch tại các khu du lịch trọng điểm.

Đổi mới cách thức, nội dung, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, bảo đảm thực hiện thống nhất, chuyên nghiệp và nâng cao hiệu quả xúc tiến quảng bá du lịch trong nước và nước ngoài. Xây dựng và định vị thương hiệu du lịch Tây Ninh gắn với hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, địa phương.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch phù hợp với định hướng cơ cấu lại ngành du lịch. Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp kinh doanh du lịch. Chú trọng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp du lịch; xử lý nghiêm hành vi cạnh tranh thiếu lành mạnh.

Có chính sách thu hút đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao chuyên ngành về du lịch; mở các lớp chuyên ngành du lịch tại trường Cao đẳng nghề, Trung cấp nghề. Đẩy mạnh xã hội hóa và hợp tác quốc tế, thu hút nguồn lực phát triển nguồn nhân lực du lịch. Đa dạng hóa các hình thức đào tạo du lịch. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến trong đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cả về quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và lao động nghề du lịch. Chú trọng nâng cao kỹ năng nghề, ngoại ngữ và đạo đức nghề nghiệp cho lực lượng lao động ngành Du lịch.

Tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng các Quy hoạch phát triển du lịch. Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về du lịch theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp, hiệu lực và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu quản lý hoạt động du lịch; phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo phát triển du lịch. Nâng cao năng lực, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch…

Tố Tuấn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây