Karaoke, một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Tờ
trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4 Luật Đầu tư về Danh mục
ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nêu rõ dự án Luật được xây
dựng trên cơ sở yêu cầu cắt giảm một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có
điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết, thiếu tính
khả thi nhằm xóa bỏ rào cản gia nhập thị trường, giảm chi phí kinh doanh
cho doanh nghiệp, bảo đảm thực hiện đầy đủ, nhất quán quyền tự do kinh
doanh của người dân, doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà Luật này
không cấm.
Bổ
sung một số ngành, nghề cần thiết phải quy định là ngành, nghề đầu tư
kinh doanh có điều kiện nhằm bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật
tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng, đáp ứng yêu
cầu mới phát sinh trong thực tiễn quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu
tư kinh doanh. Qua đó, hệ thống hóa, cập nhật một số ngành, nghề nhằm
nâng cao tính minh bạch, khả thi, tạo thuận lợi cho việc áp dụng và thực
thi pháp luật của người dân, doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý nhà
nước.
Những
nội dung sửa đổi, bổ sung Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có
điều kiện phải bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật
cũng như công tác quản lý nhà nước đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh
có điều kiện; tránh tạo ra khoảng trống pháp lý, gây xáo trộn hoạt động
đầu tư kinh doanh; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận
lợi cho người dân và doanh nghiệp, nhưng vẫn phải tiếp tục duy trì,
nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Dự
thảo luật này gồm những nội dung chủ yếu bãi bỏ 27 ngành, nghề không
cần thiết phải quy định là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện do
không đáp ứng các tiêu chí và mục đích quy định tại Khoản 1 Điều 7 Luật
Đầu tư hoặc thiếu tính khả thi, không còn phù hợp với thực tiễn hoạt
động đầu tư kinh doanh cũng như yêu cầu quản lý nhà nước. Bổ sung 15
ngành, nghề đã được quy định tại các luật hiện hành hoặc ngành, nghề mới
phát sinh cần áp dụng điều kiện đầu tư kinh doanh phù hợp với các tiêu
chí, mục đích quy định tại Khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư.
Hệ
thống hóa một số ngành, nghề có cùng mục tiêu, tính chất và cơ quan
quản lý để tránh trùng lặp, phân tán trong công tác quản lý nhà nước đối
với các ngành, nghề này. Theo đó, 29 ngành, nghề có nội dung trùng lặp
đã được hợp nhất vào 19 ngành, nghề; cập nhật, chuẩn xác hóa tên 18
ngành, nghề nhằm phản ánh chính xác, đầy đủ, minh bạch điều kiện đầu tư
kinh doanh đối với các ngành, nghề này phù hợp với quy định tại các luật
có liên quan cũng như thực tiễn quản lý nhà nước.
Thẩm
tra nội dung này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhất trí với Tờ trình số
508/TTr-CP ngày 29/10/2016 của Chính phủ về sự cần thiết phải sửa đổi
Phụ lục 4 Luật Đầu tư về Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện
nhằm bãi bỏ một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh không cần thiết phải có
điều kiện kinh doanh; sửa đổi tên gọi, hợp nhất một số ngành, nghề và
bổ sung một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhằm đáp ứng
yêu cầu quản lý nhà nước, bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân
và doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm theo đúng
tinh thần của Hiến pháp, đồng thời phù hợp với quá trình chủ động hội
nhập quốc tế hiện nay. Như vậy, tổng số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có
điều kiện còn 226 ngành, nghề (giảm 41 ngành, nghề so với Danh mục hiện
hành).
Để
đáp ứng mục tiêu xây dựng Dự án Luật là nhằm xóa bỏ ngay một số rào
cản, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, kinh doanh của người dân và doanh
nghiệp, Chính phủ đề nghị Luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày
1/1/2017.
Thảo
luận tại Tổ về nội dung này, nhiều ý kiến tán thành việc sửa tên gọi
của một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để phản ánh chính
xác bản chất của ngành, nghề đó mà không làm thay đổi mục đích, nội
dung, điều kiện đầu tư kinh doanh, bảo đảm phù hợp với quy định tương
ứng của các Luật có liên quan, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, minh
bạch của hệ thống pháp luật, qua đó tạo thuận lợi để người dân và doanh
nghiệp tuân thủ các điều kiện đầu tư kinh doanh; tán thành việc ghép
thêm nội dung về điều kiện kinh doanh và sửa tên đối với một số ngành,
nghề để phù hợp với yêu cầu quản lý của Nhà nước như: Kinh doanh dịch vụ
khảo nghiệm thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi; kinh doanh dịch vụ sản
xuất, phát hành và phổ biến phim; kinh doanh dịch vụ khai thác, sử dụng
tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước.
Về
việc hợp nhất các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, một số ý
kiến cho rằng, Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện cần
được minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi hoạt động
trên thị trường, do đó cần hạn chế tối đa việc hợp nhất các ngành, nghề
đầu tư kinh doanh có điều kiện đã hoạt động ổn định trong thực tế.
Tuy
nhiên, để tránh việc phải hướng dẫn trùng lặp đối với một số ngành,
nghề có cùng điều kiện đầu tư kinh doanh; một số ngành, nghề có phạm vi,
đối tượng bao trùm các ngành, nghề khác mà khi hướng dẫn có thể dẫn đến
hai cách áp dụng khác nhau thì có thể hợp nhất nhưng phải đảm bảo
nguyên tắc minh bạch, khách quan và không làm mất đi các điều kiện đầu
tư kinh doanh cần thiết đối với ngành, nghề đó. Chỉ hợp nhất các ngành,
nghề hoàn toàn cùng tính chất, mục tiêu, cơ quan quản lý.
Về
danh mục Chính phủ đề nghị bỏ, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu) nhận
thấy lý do được nêu ra đối với kinh doanh ngân hàng mô, kinh doanh dịch
vụ kỹ thuật mang thai hộ là chưa thuyết phục bởi nếu bỏ ra khỏi danh
mục kinh doanh có điều kiện thì đây vẫn là loại kinh doanh không có điều
kiện, mà đã kinh doanh là vì lợi nhuận.
Phó
Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu Luật Đầu tư vừa mới có hiệu lực
thi hành chưa lâu, hiện nay ta đã tiến hành sửa ngay, những tác động này
có ảnh hưởng như thế nào đối với các ngành nghề, kể cả những ngành nghề
đang kinh doanh không có điều kiện nay chuyển sang kinh doanh có điều
kiện.
Phó
Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm mở rộng việc loại bỏ các ngành nghề
kinh doanh có điều kiện là tốt, đồng thời hạn chế việc đưa thêm các
ngành nghề kinh doanh có điều kiện vào luật này.
Theo BTNO