Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

Thứ sáu - 07/08/2015 09:00 947 0
Ngày 02/7/1976, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá VI (1976-1981), Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất được bầu vào ngày 25/4/1976, đã quyết định đổi tên nước là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoàn toàn có nghĩa vụ, quyền hạn tiếp tục quản lý và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

HSa_truongsa.jpg

Để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển, đảo Việt Nam trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Nhà nước ta đã có nhiều văn bản pháp lý về chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của mình. Các văn bản đều phù hợp với thông lệ quốc tế và Công ước của Liên Hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 mà Việt Nam là thành viên.

Việt Nam ký Công ước về Luật Biển năm 1982

Từ năm 1977, Việt Nam đã tham gia Hội nghị lần thứ ba của Liên Hiệp quốc về Luật Biển và đã có những đóng góp nhất định vào cuộc đấu tranh của các nước đang phát triển và các nước xã hội chủ nghĩa trong Hội nghị vì một trật tự pháp lý mới, công bằng trên biển; là một trong 130 quốc gia bỏ phiếu thông qua Công ước năm 1982 và là một trong 119 quốc gia ký công ước ngay từ ngày đầu tiên (ngày 10/12/1982).

Năm 1977, Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ra tuyên bố nêu rõ nguyên tắc xác định phạm vi lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, xác định chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp khác đối với vùng biển của Việt Nam trên tinh thần phù hợp với các quy định của Công ước về Luật Biển năm 1982. Đây là một trong những tuyên bố sớm nhất khu vực Đông Nam Á được thiếp lập theo tinh thần Công ước Luật Biển năm 1982.

Lập trường của Việt Nam là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Nhà nước Việt Nam đã chiếm hữu thật sự và hoà bình hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ít nhất là từ thế kỷ thứ XVII, phù hợp với thực tiễn và luật pháp quốc tế đương thời và hiện đại, khi nó chưa thuộc chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào. Nhà nước Việt Nam đã thiết lập chủ quyền của mình một cách thực sự, liên tục và hoà bình cho đến khi nó bị các lực lượng vũ trang Trung Quốc đánh chiếm và chiếm đóng trái phép.

Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá IX, kỳ họp thứ 5 đã thông qua Nghị quyết về việc phê chuẩn Công ước 1982 ngày 23/6/1994. Bằng việc chính thức cam kết tuân thủ các quy định của công ước, Việt Nam " biểu thị quyết tâm cùng cộng đồng quốc tế xây dựng một trật tự pháp lý công bằng, khuyến khích sự phát triển và hợp tác trên biển", góp phần làm cho công ước có hiệu lực từ ngày 16/11/1994, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nghị quyết nhấn mạnh: "Quốc hội một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và chủ trương giải quyết các bất đồng liên quan đến Biển Đông thông qua thương lượng hoà bình, trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hiệp quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các nước ven biển đối với vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa; trong khi nỗ lực thúc đẩy đàm phán để tìm giải pháp cơ bản lâu dài, các bên liên quan cần duy trì ổn định trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực.". "Cần phân biệt vấn đề tranh chấp quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa với các vấn đề bảo vệ vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam căn cứ vào những nguyên tắc và những tiêu chuẩn của Công ước Liên Hiệp quốc về Luật Biển năm 1982". Nghị quyết cũng nêu rõ: "Quốc hội khẳng định chủ quyền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với các vùng nội thuỷ, lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trên cơ sở các quy định của Công ước và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, yêu cầu các nước khác tôn trọng các quyền nói trên của Việt Nam".

cat.jpg

Thứ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn (đứng giữa) cắt băng khai mạc Triển lãm bản đồ, hình ảnh khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tại xã Song Tử Tây.

Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 12/5/1977

Ngày 12/5/1977, Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Tuyên bố về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam (đây là văn bản pháp quy đầu tiên và là cơ sở nền tảng cho các văn bản pháp quy sau này). Tuyên bố ngày 12/5/1977, ngay sau khi Việt Nam hoàn toàn thống nhất đã đáp ứng nhu cầu thiết yếu nhằm bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và các quyền lợi của Việt Nam trên các vùng biển và thềm lục địa. Tuyên bố nêu trên cũng thể hiện đường lối đối ngoại hoà bình của Nhà nước Việt Nam. Tuyên bố khẳng định nguyên tắc giải quyết tranh chấp, bất đồng liên quan tới biển với các nước liên quan thông qua thương lượng trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau, phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế.

Tuyên bố ngày 12/5/1977 nêu rõ: "Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ cùng các nước có liên quan thông qua thương lượng trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế, giải quyết các vần đề về các vùng biển và thềm lục địa của mỗi bên".

Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 12/11/1982

Ngày 12/11/1982, Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam.Theo Tuyên bố này, đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam là hệ thống đường thẳng nối liền các đảo của Việt Nam (đảo Thổ Chu, Hòn Khoai, Côn Đảo, Hòn Ông Căn, đảo Lý Sơn, đảo Cồn Cỏ) và các mũi đất nhô ra xa nhất của bờ biển Việt Nam (mũi Đại Lãnh).

chaoco.jpg

doanctacb.jpg
Đoàn công tác số 9- Bộ Thông tin và Truyền thông tham dự Lễ chào cờ trên đảo Sơn Ca

Luật Biên giới quốc gia năm 2003

Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 3 ngày 17/6/2003 đã thông qua Luật Biên giới quốc gia. Luật khẳng định: "Biên giới quốc gia của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia góp phần giữ vũng ổn định chính trị, phát triển kinh tế- xã hội, tăng cường quốc phòng và an ninh của đất nước". "Biên giới quốc gia của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là đường mặt thẳng đứng theo đường đó để xác định giới hạn lãnh thổ đất liền, các đảo, các quần đảo trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vùng biển, lòng đất, vùng trời của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam".

Theo Luật Biên giới quốc gia trên biển được hoạch định và đánh dấu bằng các toạ độ trên hải đồ là ranh giới phía ngoài lãnh hải của đất liền, lãnh hải của đảo, lãnh hải các quần đảo của Việt Nam được xác định theo Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 và các điều ước quốc tế giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các quốc gia hữu quan. Các đường ranh giới phía ngoài vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa xác định quyền chủ quyền, quyền tài phán của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Công ước của Liên Hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 và các điều ước quốc tế giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các quốc gia hữu quan.

Luật Biển Việt Nam năm 2012

Quốc hội khoá XIII nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tại kỳ họp thứ 3 ngày 21/6/2012 đã thông qua Luật Biển Việt Nam. Luật đã được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký Lệnh công bố ngày 22/7/2012. Việc thông qua Luật Biển Việt Nam là hoạt động lập pháp quan trọng nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến biển, đảo nước ta. Đây là một văn bản luật quy định đầy đủ về chế độ pháp lý các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam theo đúng Công ước Luật Biển năm 1982, là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển kinh tế biển, đảo của nước ta.

Cùng với việc khẳng định chủ trương giải quyết các tranh chấp biển, đảo bằng các biện pháp hoà bình, Nhà nước ta đã chuyển một thông điệp quan trọng tới toàn thế giới: Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982, quyết tâm phấn đấu vì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

 

Nhật Quang

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây