Giữ gìn và phát huy giá trị lịch sử của di tích Trung ương Cục miền Nam

Thứ ba - 21/04/2015 12:00 124 0
Nằm trong khu rừng nguyên sinh gần 70 ha giáp biên giới Việt Nam-Campuchia tại xã Tân Lập, huyện Tân Biên, di tích Trung ương Cục miền Nam đã trở thành "địa chỉ đỏ" có giá trị đặc biệt, mỗi năm thu hút hàng trăm ngàn lượt người đến tham quan, sinh hoạt truyền thống, tìm hiểu lịch sử.

Tuc.jpg

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (bìa phải) về thăm Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (ngày 20.2.2015).

Là cơ quan cao nhất, có nhiệm vụ chỉ đạo và lãnh đạo trực tiếp cách mạng miền Nam thời chống Mỹ cứu nước, Trung ương Cục miền Nam đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, đưa đất nước đến thắng lợi hoàn toàn.

Với tầm vóc và ý nghĩa lịch sử to lớn ấy, ngày 10.5.2012 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định xếp hạng Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam là Di tích đặc biệt cấp quốc gia.

Di tích Trung ương Cục miền Nam đã được đầu tư, phục dựng lại gần như nguyên trạng, bao gồm phục hồi nhà thường trực, hội trường lớn, hội trường nhỏ, nhà bảo vệ, văn phòng, bếp Hoàng Cầm, nhà ở và làm việc của các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Chí Thanh, Võ Văn Kiệt, Phạm Hùng...hệ thống giao thông hào, ụ chiến đấu và hầm hàm ếch...

Các hầm trú ẩn thường nằm kế cận nhà ở và làm việc, chìm vào lòng đất. Hệ thống nhà ở và phòng làm việc của các vị lãnh đạo trong căn cứ nổi trên mặt đất, toàn bộ cột, kèo, đòn tay đều làm bằng gỗ, mái được lợp bằng lá trung quân. Bên ngoài là khu nhà đón tiếp, trưng bày, khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Tổng diện tích xây dựng của khu vực này là 750 mét vuông.

Để giữ gìn và phát huy giá trị lịch sử đặc biệt của di tích Trung ương Cục miền Nam và các di tích lịch sử nổi tiếng khác trên địa bàn tỉnh, năm 2006 UBND tỉnh Tây Ninh quyết định thành lập Ban quản lý các khu di tích lịch sử cách mạng miền Nam, trên cơ sở sáp nhập các Ban quản lý văn hóa lịch sử của tỉnh.

Ban quản lý có nhiệm vụ quản lý, giữ gìn, tôn tạo 4 khu di tích lịch sử: Di tích Trung ương cục miền Nam, di tích Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, di tích Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam và di tích lịch sử Bời Lời của Tỉnh ủy Tây Ninh.

TUC1.jpg

Cầu qua suối Tiên Cô trong khu di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam.

Những năm qua, bên cạnh việc tiếp tục sưu tầm các tư liệu, hiện vật có giá trị lịch sử bổ sung cho nhà trưng bày; biên soạn tài liệu phục vụ công tác nghiên cứu, thuyết minh hướng dẫn khách tham quan, du lịch... tỉnh Tây Ninh còn dành nguồn kinh phí hàng tỷ đồng mỗi năm thường xuyên sửa chữa, thay lá trung quân, chống xuống cấp các khu di tích, trong đó di tích Trung ương cục miền Nam được xem là "trụ sở chính" đã được chăm sóc đặc biệt.

Đáng chú ý, giai đoạn 2014-2015 tỉnh Tây Ninh đã phê duyệt kinh phí gần 30 tỷ đồng để thực hiện hai dự án nâng cao giá trị lịch sử của khu di tích là: Dự án xây dựng "Bức tranh hoành tráng" tại khu di tích Trung ương Cục miền Nam, khắc họa bức phù điêu bằng gốm sứ dạng cong, có kích thước 5x42 mét.

Nội dung tóm lược lại quá trình 21 năm đấu tranh giành độc lập và bảo vệ đất nước của dân tộc ta từ năm 1954 đến năm 1975 ở chiến trường miền Nam, trong đó nhấn mạnh vai trò lãnh đạo cách mạng xuất sắc của cơ quan Trung ương Cục miền Nam trong thời kỳ chống Mỹ. Tổng kinh phí cho dự án này là trên 23 tỷ đồng.

Dự án thứ hai là công trình nâng cấp phần trưng bày tài liệu, hiện vật và làm mới sa bàn, bản đồ điện tử mô tả toàn thể khu di tích tại nhà trưng bày với kinh phí trên 6 tỷ đồng. Hai dự án này dự kiến sẽ kịp hoàn thành, đưa vào sử dụng nhân dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhằm thu hút và phục vụ đông đảo cán bộ, công chức, nhân dân về thăm Căn cứ Trung ương Cục.

Theo BTNO

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây