Giữ lấy điệu múa trống Xa dăm

Thứ tư - 07/01/2015 11:00 76 0
Tin vui đã đến vào cuối năm 2014. Múa trống Xa dăm Tây Ninh đã được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia. Không chỉ các cán bộ ngành văn hoá vui mừng mà cả toàn dân Tây Ninh- những người từng theo dõi, quan tâm đến sự phát triển văn hoá địa phương cũng thế. Nhưng vui nhất vẫn là những người đã trực tiếp tham gia vào việc giữ gìn điệu múa trống Xa dăm (Chhay dăm) trong suốt thời gian qua.

giu lay.jpg

Tứ tấu

Chạy xuống Trường Tây, chia sẻ niềm vui với chị Cao Thị Yến, người chủ trì lớp dạy đờn dân tộc Khmer, cung cấp một phần nhân lực cho ban nhạc Tần Nhơn và các diễn viên múa trống; lại chạy lên cửa số 7 gặp ông Trần Minh Châu, nay là đội trưởng đội trống Xa dăm của đạo Cao Đài. Ai nấy đều vui quá đỗi. Dù chị Yến sau chuyến đi Liên hoan Văn hoá Khmer ở Hậu Giang về đã bị ốm, đang điều trị tại nhà và ông Châu vẫn đang di chuyển trên mọi nẻo đường mưu sinh bằng công việc giao hàng thì họ vẫn nồng nhiệt chuyện trò, kể lại những kỷ niệm đáng nhớ với trống Xa dăm nói riêng và với ban nhạc Tần Nhơn nói chung- thấm thoắt đã hàng chục năm trời.

Những ai từng xem múa trống Xa dăm hãy cùng nhớ lại. Gần đây nhất là ngày 14.10.2014, dịp kỷ niệm ngày hoằng khai đại đạo. Xa hơn thì có các kỳ đại lễ như vía đức Chí Tôn mùng 9 tháng Giêng, rồi ngày Hội yến Diêu Trì cung 15 tháng 8 âm lịch. Và cũng chớ quên, ta có thể cùng nhau xem lại màn múa trống Xa dăm đặc sắc có sự tham gia của long mã, kỳ lân diễn ra sáng ngày mùng một tết nguyên đán ngay tại sân trước đền thánh Tây Ninh và ngôi Báo Ân từ. Có lẽ chỉ có ngày này, trên hai sân lớn dưới ánh mặt trời rực rỡ thì múa trống Xa dăm mới toát lên toàn bộ vẻ đẹp sáng tạo và âm thanh thuần khiết mà không một sân khấu hoành tráng rực rỡ đèn hoa nào sánh được.

Một màn múa trống Xa dăm thường diễn ra như sau: vào là một lượt trống chào, đồng loạt hơn hai chục trống điểm nhịp đều 3 hồi trống. Trống chào xong là các tay trống tản hàng ra đứng theo đội hình quy định để chuẩn bị diễn từng tiết mục của mình. Các tiết mục đó lần lượt sẽ là: bộ một với chỉ một người một trống độc tấu; tiếp đến là bộ hai, song tấu; bộ ba tam tấu và bộ bốn tứ tấu.

Sau cùng, tất cả vài chục trống sẽ cùng cất lên một hồi dài trước khi dứt trống và chào khách, nghỉ ngơi. Kể thì đơn giản thế nhưng trên thực tế múa trống Xa dăm còn có sự biến hoá khôn lường; nhất là trong các dịp lễ lại thường có sự tham gia hội múa của kỳ lân, long mã. Sự độc đáo của múa trống Xa dăm là các mảng, miếng dùng các bộ phận cơ thể để đánh trống như chỏ (cùi chỏ), gối (đầu gối) và gót (gót chân)…

Sau này còn có các miếng "que gót một, que gót hai…" khi trống đã chuyển ra sau lưng, nghệ nhân phải dùng gót và cùi chỏ đánh ngược lên hoặc ngược sang sao cho trống vẫn giòn vang, tư thế nghệ nhân trở nên thật lạ và đẹp mắt. Càng uyển chuyển, biến hoá tài hoa hơn nữa là các động tác phối hợp giữa nghệ nhân với nhau, như người này đánh trống của người kia (trong từng cặp múa) cũng bằng chỏ, gối, gót; rồi lăn lộn qua nhau mà trống vẫn luôn ở sát bên người. Đặc biệt là khi có long mã, kỳ lân thì sự ngẫu hứng tài hoa càng nhiều hơn, vì tất cả phải phối hợp nhịp nhàng với những bước nhảy của long, lân cũng đầy ngẫu hứng.     

Ông Châu nhớ lại, có lần ông lăn tới đánh gót về phía trước, không may gót chân lại trúng vào mâm tế. Thế là cơ thể buộc phải bật lại thật nhanh, lộn ngược người trở về vị trí cũ. Sự việc nhanh đến nỗi ít người nhận thấy nhưng đã làm ông suy nghĩ, mất ngủ nhiều đêm. Để rồi từ một sự "quá lố" ấy ông đã sáng tạo nên một mảng miếng mới, tạm gọi là "lăn tới và lăn ngược". Lần hồi, cứ thế, sau mấy mươi năm, trống Xa dăm Tây Ninh đã tạo nên sự đặc sắc và duy nhất của mình.

Xin nhắc lại là múa trống Xa dăm ở Tây Ninh là duy nhất, vì không nơi nào khác có được, ngay cả ở bên nước bạn Campuchia- quê hương của trống. Điều này giải thích vì sao trong mọi kỳ liên hoan văn hoá Khmer toàn quốc, tiết mục múa trống Xa dăm của Tây Ninh luôn đoạt huy chương vàng, dù nhiều tỉnh Tây Nam bộ có tiềm lực mạnh về văn hoá văn nghệ Khmer.

Mà đấy mới chỉ là một phần nhỏ khi múa trống trình diễn trên sân khấu; làm sao có thể sánh nổi với trống Xa dăm trên quảng trường- giữa vòng trong vòng ngoài của trống võ, trống văn, trống đại… vẫn không khuất lấp đi tiếng trống Xa dăm "bum, bập, bum" mang âm sắc đại ngàn.

Cũng ít người biết rằng những chàng trai khéo léo và linh hoạt tuyệt vời kia, xong màn múa hoành tráng với trang phục rực rỡ lại trở về với các công việc bình thường như thợ mộc, thợ hồ, chở hàng thuê hay đạp xe bán hàng rong kiếm sống. Chính những con người dân dã bình thường ấy đã làm nên di sản văn hoá tuyệt vời, trường tồn mãi mãi.

Theo BTNO

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây