Đường vào Khu công nghiệp - dịch vụ Phước Đông.
Chiều cuối năm 2014, về thăm xã Phước Đông (Gò Dầu), tôi rất ngạc nhiên trước sự đổi thay nhanh chóng của vùng nông thôn này. Tỉnh lộ 782 đi ngang qua suốt chiều dài từ Bắc xuống Nam của xã vừa được nâng cấp, mở rộng phẳng phiu. Hai bên đường nhà cửa được xây mới khang trang, đan xen với nhiều biển hiệu các cửa hàng thương mại, dịch vụ.
Ngoài ngôi chợ chính của xã đã được nâng cấp, để đáp ứng nhu cầu mua bán ngày càng tăng, trên địa bàn xã còn có thêm khu chợ tự phát gần Khu công nghiệp- đô thị Phước Đông. Đặc biệt, đường Nông trường nối từ tỉnh lộ 782 ngang qua khu công nghiệp đến địa phận xã Đôn Thuận (Trảng Bàng) đã được nhựa hoá. Nhà cửa hai bên con đường liên huyện này cũng khang trang hơn, nhiều cửa hàng, cửa hiệu phát triển.
Hết giờ làm việc trong ngày, ô tô đưa đón công nhân nối đuôi nhau rời khu công nghiệp. Tiếp đó là anh chị em công nhân đi xe gắn máy cũng tranh thủ ra về. Trong số đó không ít người về nhà trọ gần đó, vì họ là dân từ phương xa đến. Cũng không ít người chưa vội về nhà, mà còn tấp vào các quán giải khát, quán ăn bên đường để nghỉ ngơi, trò chuyện và nạp năng lượng lấy lại sức, sau một ngày lao động. Một số khác thì ghé chợ tạm mua lương thực, thực phẩm, hoặc đồ gia dụng cho gia đình...
"Nhờ có khu công nghiệp mà cuộc sống gia đình tôi ngày nay đã thay đổi rất nhiều" - anh Nguyễn Văn Chợ, chủ một nhà trọ ở ấp Phước Đức B khẳng định như thế. Anh Chợ cho biết, trước kia anh cũng như bao nhiêu nông dân khác, chỉ biết làm ruộng. Giá cả nông sản luôn bấp bênh, nên cuộc sống gia đình anh có nhiều lúc gặp khó khăn.
Sau khi trên địa bàn xã có khu công nghiệp, gia đình anh đầu tư xây dựng nhà trọ cho công nhân thuê. Từ đó đến nay, hằng tháng gia đình anh có thu nhập rất ổn định. Không riêng gì gia đình anh Chợ, mà rất nhiều người dân xã Phước Đông, sau khi khu công nghiệp được hình thành, đã chuyển đổi ngành nghề từ nông nghiệp sang làm các ngành thương mại và dịch vụ.
Chủ tịch UBND xã Phước Đông Trương Văn Rưa khẳng định, từ năm 2009 đến nay, diện mạo xã Phước Đông đã thay đổi nhanh chóng. Đời sống của bà con ở đây được nâng lên một cách rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người cũng được nâng lên đáng kể.
Đó là kết quả của việc người dân phát triển đa dạng các ngành nghề theo sự phát triển của Khu công nghiệp- đô thị Phước Đông. Trước khi có khu công nghiệp, ở vùng nông thôn này đâu có ai nghĩ đến việc làm nhà trọ, nhà nghỉ. Nay không chỉ xây nhà trọ, nhà nghỉ mà có người còn đầu tư xây dựng cả khách sạn.
Ngoài ra, còn có nhiều loại hình dịch vụ mới cũng được nhiều người đầu tư phát triển. Hiện nay trên địa bàn xã có đến 619 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên lĩnh vực công nghiệp, thương mại và dịch vụ- tăng 228 cơ sở so với năm 2013, và tăng 362 cơ sở so với năm 2012. Trong đó, chỉ tính riêng nhà trọ công nhân, nhà nghỉ, khách sạn có đến 105 cơ sở. Chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện, khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh phát triển, góp phần giải quyết lao động địa phương, đồng thời tăng tỷ trọng lao động trong lĩnh vực phi nông nghiệp.
Khu chợ tự phát tập trung đông người tham gia mua bán ở Phước Đông.
Thêm một điều đáng ghi nhận nữa, Phước Đông cũng là một trong những xã được tỉnh chọn làm xã điểm xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011- 2015, với mục tiêu đến cuối năm 2015 đạt chuẩn xã nông thôn mới. Trong năm 2014, xã thực hiện đạt được thêm 2 tiêu chí (TC), nâng tổng số TC đạt được đến cuối năm 2014 là 16/19TC. Còn 3 TC chưa đạt là giao thông, trường học và cơ sở vật chất văn hoá.
Trong những TC xã đạt được, đáng lưu ý là các TC thu nhập bình quân đầu người, nhà ở, hộ nghèo. Ngoài làm công nhân trong khu công nghiệp, phát triển các ngành nghề thương mại- dịch vụ bên ngoài khu công nghiệp thì nông nghiệp và ngành nghề thủ công trên địa bàn xã vẫn tiếp tục duy trì và phát triển.
Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mới đang phát triển như trồng hoa lan cắt cành, nhân giống lúa, nuôi gà thả vườn, nuôi lươn, nuôi ếch... từ đó góp phần nâng cao thu nhập của người dân. Thu nhập bình quân đầu người dân trong năm 2014 của xã được trên 30 triệu đồng/người/năm, đủ mức đạt TC về thu nhập.
Công tác giảm nghèo, tạo công công ăn việc làm cho các hộ nghèo cũng luôn được quan tâm. Nhờ vậy mà số hộ nghèo của xã trong những năm qua giảm xuống nhanh chóng. Hiện nay toàn xã chỉ còn 16 hộ nghèo- chiếm tỷ lệ 0,5% số hộ dân trong xã. Trong năm 2014, xã vận động xây tặng được 8 căn nhà đại đoàn kết, 3 căn nhà tình nghĩa. Hiện xã hiện không còn nhà tạm nữa. Toàn xã có 3.170 căn nhà, nay đã có 3.159 căn đạt chuẩn Bộ Xây dựng quy định về TC nhà ở- chiếm tỷ lệ 99,65%...
Tuy chưa đạt TC về giao thông, nhưng nhìn chung hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn xã Phước Đông cũng đã được mở mang rộng khắp, việc lưu thông rất thuận tiện. Trong năm 2014, được cấp trên đầu tư và nhân dân đóng góp, trên địa bàn xã đã nhựa hoá, làm mới, nâng cấp 24 tuyến đường, tổng chiều dài trên 18.000 mét, với tổng kinh phí trên 6,7 tỷ đồng.
Trong đó nhân dân đóng góp tiền mặt, đất đai, ngày công lao động trị giá gần 500 triệu đồng. Đến nay đường trục xã, liên xã được nhựa hoá, hoặc bê tông hoá theo chuẩn cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông - Vận tải đạt trên 95%; đường trục ấp, xóm được cứng hoá gần 63%; 100% đường ngõ, xóm trong xã không còn lầy lội vào mùa mưa.
Về trường học, trên địa bàn xã có 5 ngôi trường. Đến nay ngành chức năng đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất được 4 trường đạt chuẩn theo quy định, trong đó có một trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Còn 1 trường dự kiến khởi công xây dựng vào quý I năm 2015. Xã cũng đã cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị địa điểm và báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng hai điểm nhà văn hoá ấp Cây Trắc và ấp Phước Đức B, dự kiến triển khai xây dựng vào đầu năm 2015.
Với những kết quả đạt được trong những năm qua, nhất là năm 2014, tin chắc rằng trong năm mới 2015 xã Phước Đông sẽ đạt chuẩn xã nông thôn mới. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nơi đây sẽ tiếp tục được nâng cao hơn nữa. Diện mạo xã ngày càng khang trang, giàu đẹp.
Theo BTNO