Hiểu để xa lánh cần sa

Thứ ba - 01/10/2013 00:00 467 0
Theo Công ước Thống nhất về Ma túy năm 1961 của Liên Hợp Quốc, thì cần sa là “phần ngọn mang hoa hay quả của cây cần sa (không kể hạt và lá khi không đi kèm với phần ngọn). Nó chưa được chiết xuất để lấy nhựa, còn nhựa cần sa là “phần nhựa đã được tách ra từ cây cần sa dưới dạng thô hoặc tinh”.

 

Cần sa ép thành bánh.

Cần sa tồn tại ở các dạng thông thường như sợi dời, ép thành bánh, cuốn thành điếu như hình lõi ngô được bọc ngoài bằng sợi lá thô, buộc vào một đốt tre, hay vê thành điếu cuốn trong giấy thuốc lá.

Cần sa có rất nhiều tên gọi như: Bongo, Buddha-sticks, Ganja, Grass, Hemp, Jonint-sticks, Kif, Marie-Jeanne, Marijuana, Pot, Sinsemilla, Thai-sticks, Hashis…

Tên gọi “marijuana”  bắt nguồn từ Mêhicô, lúc đầu dùng để chỉ một loại thuốc lá rẻ tiền (trộn lẫn với cần sa), sau đó trở thành tên gọi phổ biến ở nhiều nơi để chỉ lá cần sa hay cần sa nói chung.

Hashis vốn là tên chung để chỉ cần sa ở vùng Địa Trung hải, nhưng hiện nay chỉ dùng để chỉ nhựa cần sa.

Khi ngộ độc cần sa, người ta có cảm giác hưng phấn, lâng lâng, khoan khoái, đột nhiên vui vẻ giao hòa với mọi người khác bình thường, giảm khả năng lái xe hay thực hiện các hành vi phức tạp cần sự khéo léo. Cần sa gây  suy giảm trí nhớ, mất tập trung, phản xạ kém, suy giảm năng lực tiếp thu, học tập, điều khiển vận động kém, không còn khả năng nhận thức sâu sắc, ảnh hưởng đến vùng thị giác ngoại vi và mất khái niệm về thời gian.

Nhiều báo cáo khoa học trên thế giới cho thấy việc sử dụng cần sa gây tái phát tâm thần phân liệt, gây tâm lý lo âu sợ hãi, hoang tưởng ảo giác (cannabis psychosis), tái diễn nhiều ngày.

Hút cần sa thường xuyên có thể gây bệnh đường hô hấp và có nguy cơ ung thư phổi.

Cannabinoit được dùng để điều trị bệnh tăng nhãn áp và chống nôn khi điều trị ung thư bằng hóa liệu pháp. Có thể phát hiện ra tetrahydrocannabiton (THC) là loại hoạt chất chính của cây cần sa trong nước tiểu thậm chí là vài tuần sau khi sử dụng.

Cây cần sa (còn gọi là cây Gai mèo), tên khoa học là Cannabis Sativa – là loại cây thảo có nhiều hình thái và đặc điểm sinh hóa khác nhau. Cần sa là loại cây bụi, sống một năm, mọc hoang tại các vùng ôn đới và nhiệt đới trên toàn thế giới.

Dầu cần sa: Được chiết xuất từ lá và nhựa cần sa (theo một quy trình tương tự như chiết tách cà phê), là một chất lỏng nhớt giống như nhựa đường có màu nâu đỏ hay màu xanh lục. Người ta thường dùng từ 1 đến 2 giọt dầu cần sa để tẩm vào thuốc lá hay để lên giấy hút hoặc uống qua đường miệng. Trong giới sử dụng cần sa thường gọi là “Honey oil” hay “Red oil”.

Nhựa cần sa là sản phẩm nhựa thô hoặc được tinh chế từ ngọn cây đang ra hoa của cây cần sa. Có rất nhiều kiểu chế biến nhựa cần sa như dầm đập lên tường; chà xát vào lòng bàn tay hay trên một tấm cao su; nghiền tán dược liệu khô thành bột, sau đó nhào, trộn kỹ; ngâm dược liệu vào nước sôi rồi hớt lấy lớp dầu nổi trên bề mặt.

Hình thức phổ biến thường ở dạng bột mịn, bột mịn ép thành miếng, bó dược liệu đựng trong túi vải, lá cây khô cuốn trong giấy ép thành gói, nhựa cây ép khô, cuốn thành điếu như điếu thuốc lá, vê thành viên hoàn hay các dạng khác.

Nhựa cần sa thường dùng để hút riêng rẽ hoặc trộn lẫn với thuốc lá, uống cùng với các loại thực phẩm hay với nước trà.

 Người dùng thường gọi là Charas, H, Hash, Khif, Pot hay Shit. Dù sử dụng cần sa dưới hình thức nào, thì nên nhớ cần sa không khi nào có lợi cho sức khỏe, hệ lụy của nó rất nguy hiểm.

MN (ST)

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây