Hoạt động đoàn ĐBQH Tây Ninh tại kỳ họp Quốc hội: Báo cáo kết quả nhiệm kỳ của Chính phủ cần cụ thể hơn để nhiệm kỳ tới thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn

Thứ tư - 30/03/2016 08:00 126 0
Sáng ngày 29.3.2016, kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá XIII thảo luận báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tham gia ý kiến đối với nội dung quan trọng này, ĐBQH Trịnh Ngọc Phương, quyền Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh có bài phát biểu, lược ghi như sau:

ĐBQH Trịnh Ngọc Phương phát biểu ý kiến đánh giá công tác nhiệm kỳ của Chính phủ.

Qua báo cáo nhiệm kỳ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tôi đánh giá cao những kết quả đạt được, đồng thời nhìn nhận những mặt hạn chế, qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm. Một nhiệm kỳ 5 năm có rất nhiều nội dung không thể đề cập hết, tuy nhiên tôi nhận thấy có những nội dung cần cụ thể hơn để nhiệm kỳ tới thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn.

Về thống nhất quản lý phát triển kinh tế - xã hội: Trong phần này có nêu: “Tăng cường quản lý thu chi ngân sách Nhà nước; điều chỉnh chính sách thu để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh; từng bước cơ cấu lại chi ngân sách, ưu tiên chi cho con người và bảo đảm an sinh xã hội…”. Vấn đề này thẳng thắn nhìn nhận thì nội dung cân đối thu chi ngân sách còn rất nhiều khiếm khuyết.

Trước hết là chúng ta chưa quản lý tốt nguồn thu, đây không phải là những nguồn thu mới mà chính là những nguồn thu đã được quy định trong luật. Nguồn thu của ngân sách chủ yếu là thu từ thuế, việc có thu tốt, thu có hiệu quả hay không, không chỉ phụ thuộc vào người nộp thuế mà còn phụ thuộc vào cơ quan quản lý thu. Ở đây, tôi muốn nói đến tính hiêu quả của công tác quản lý.

Chúng ta có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn của cơ quan Thuế, cơ quan Hải quan để thực hiện việc quản lý thu nhưng tính hiệu quả vẫn không đáp ứng được như mong đợi. Trong quan hệ thương mại, lớn thì chuyển giá, nhỏ thì tìm cách lách hoá đơn để trốn thuế nhưng vẫn chưa có giải pháp kịp thời để bảo đảm thu cho ngân sách. Tôi cho rằng chỉ cần thu đúng, thu đủ thôi thì giá trị thực thu sẽ nâng lên rất nhiều.

Về chi ngân sách, báo cáo có nêu tăng cường quản lý chi ngân sách, từng bước cơ cấu lại chi ngân sách ưu tiên cho con người và bảo đảm an sinh xã hội. Tôi cho rằng đây là vấn đề quan trọng không chỉ trước mắt và còn mang tính lâu dài. Quan điểm, tư tưởng “ngân sách là chùm khế ngọt” vẫn còn ăn sâu trong công tác quản lý.

Việc cơ cấu chi ngân sách là bài toán chưa có đáp số, tình trạng không phù hợp dẫn đến lãng phí là vấn đề nan giải. Tôi đơn cử một ví dụ như con đường làm xong ít người đi, chưa phát huy hiệu quả thì bảo là “con đường chiến lược”; nhưng không có lý do nào có thể chấp nhận một công trình trụ sở, một bến cảng hay nơi neo đậu của tàu thuyền làm xong mà không có nhu cầu sử dụng hoặc hiệu quả sử dụng thấp, hoặc có khi phải chuyển đổi công năng thiết kế ban đầu, trong khi đó, có rất nhiều công trình cần đầu tư cấp bách để bảo đảm an toàn, an sinh cho người dân thì lại phải chờ ngân sách.

Hiện tượng mỗi khi đến cuối năm, đơn vị được giao chi ngân sách tìm mọi cách để chi hết nguồn đã xảy ra ở nhiều nơi, nhiều năm nay. Quan điểm chi hết ngân sách để khỏi bị thu lại hoặc nếu chi không hết, năm tới sẽ bị cấp dự toán ít hơn đã làm giảm đi tính hiệu quả của công tác quản lý và xảy ra tình trạng lãng phí là điều tất yếu.

Về nội dung giáo dục đào tạo đã có nhiều thay đổi, nhưng thực tế cho thấy vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và định hướng phát triển của xã hội. Nội dung cải cách giáo dục đã thay đổi nhiều năm nhưng đến nay vẫn loay hoay chưa tìm được hướng đi phù hợp, hiệu quả. Dư luận xã hội đã có rất nhiều quan điểm không nhất trí với phương cách giáo dục hiện nay, dù không muốn nhưng cũng đành phải chịu.

Đã có rất nhiều ý kiến phản biện của các nhà khoa học tâm huyết về lĩnh vực này, nhất là cấp giáo dục tiểu học và trung học cơ sở lo ngại về phương cách giáo dục hiện nay đối với tương lai của thế hệ mai sau. Đã có nhiều bậc phụ huynh bức xúc nói rằng: Học kết quả toàn giỏi mà ra trường chẳng biết gì. Thời gian qua đã có chính sách để đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao nhưng tình trạng đào tạo xong người lao động chưa nắm bắt được công việc ngay mà phải trải qua thực tiễn, hoặc người sử dụng lao động phải đào tạo lại rất phổ biến.

Về xây dựng và kiện toàn hệ thống bộ máy hành chính Nhà nước: Báo cáo nội dung này có nêu: “Chú trọng nâng cao năng lực quản trị, dự báo và xây dựng cơ chế chính sách; đề cao trách nhiệm giải trình; coi trọng việc tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà khoa học và phản biện xã hội. Bảo đảm hiệu lực của bộ máy Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở và phát huy quyền làm chủ của nhân dân… Chú trọng đào tạo và nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ, công chức… Tập trung cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp”. Tôi thấy rằng chủ trương nêu trên là rất đúng đắn, phù hợp nhưng khi triển khai còn nhiều vướng mắc, bất cập:

Thứ nhất, về năng lực quản trị, dự báo và xây dựng cơ chế chính sách: Đây là nội dung có nhiều điểm lo ngại, cử tri quan tâm về năng lực của một số cơ quan trong bộ máy hành chính Nhà nước có đáp ứng được yêu cầu cũng như dự liệu được tình hình trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế hay không? Nếu chúng ta không nắm bắt, làm chủ được quy tắc, thông lệ chung khi hội nhập thì không những không quản trị, dự báo được thì trong những sân chơi lớn chúng ta sẽ bị nhiều áp lực và bị kìm hãm.

Hiện nay, một số cán bộ tham mưu ở một số cơ quan, lĩnh vực mặc dù đã được đào tạo cơ bản nhưng kinh nghiệm chưa sát với thực tiễn, từ đó dẫn đến việc tham mưu giúp việc cho lãnh đạo chưa đáp ứng nhu cầu đặt ra. Ngược lại, có ý kiến của các nhà khoa học, của những người có nhiều kinh nhiệm, tâm huyết chưa thực sự được coi trọng. “Nhân tài là nguyên khí quốc gia”, trong lịch sử và hiện tại đã được nhắc đến nhiều nhưng chúng ta đã tận dụng sự cống hiến chưa phù hợp, chính sách chưa tương ứng mặc dù nguồn chất xám trong xã hội chúng ta là rất lớn.

Các cơ quan, các địa phương, đơn vị cũng đều có chính sách thu hút nhân tài nhưng việc sử dụng, bố trí công việc, môi trường làm việc chưa phù hợp dẫn đến nhạt nhoà lý tưởng, tâm huyết cống hiến. Đơn cử như báo chí đã nêu một tiến sĩ tốt nghiệp loại ưu theo tiếng gọi xây dựng quê hương nhưng công việc được giao là nhân viên văn phòng của một sở, vì vậy, vị tiến sĩ đó đã phải ra đi.

Thứ hai, về nội dung: “Chú trọng đào tạo và nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ, công chức”, như tôi đã phân tích ở trên, năng lực của cán bộ công chức là năng lực của cơ quan Nhà nước. Hiện nay, các cơ quan Nhà nước ít nhiều vẫn còn dư âm của thời kỳ quan liêu bao cấp, tư tưởng ngồi ì chờ lương vẫn còn. Không ít tư tưởng ngại thay đổi, ngại chấp nhận cái mới, cái tiến bộ.

Chúng ta vẫn chưa có cơ chế phù hợp để cái mới thay thế các cũ đã lỗi thời lạc hậu. Quan điểm “chợ chiều, cuối khoá” đã tạo ra sức ì, kìm hãm sự đổi mới. Chính vì vậy, tư tưởng thay đổi cung cách làm việc phát huy năng lực nội tại ở mỗi cơ quan đơn vị không phải một sớm một chiều mà phát huy được. Chúng ta đã chú trọng công tác đào tạo nhưng năng lực vẫn không được như kỳ vọng. Năng lực phải gắn liền với phẩm chất của cán bộ công chức, đó là trách nhiệm trong công việc, văn hoá nơi công sở nhưng hiện nay lĩnh vực này vẫn bị đánh giá là khá ì ạch.

Bên cạnh đó, thái độ ứng xử công việc của CBCC vẫn là một trở ngại cho sự phát triển. Vì vậy muốn hội nhập thành công với thế giới bên ngoài, muốn nâng cao vị thế dân tộc trong cộng đồng nhân loại, người Việt Nam dứt khoát phải bứt khỏi tình thế làng nhàng hiện nay.

Thứ ba, về cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi. Nội dung này đã được bàn nhiều, đã thay đổi nhưng chuyển biến còn rất chậm, đặc biệt là những ngành, những lĩnh vực chịu sự điều chỉnh, chi phối bởi nhiều cơ quan, cơ chế chính sách đã gây không ít hệ luỵ, thậm chí tổn thất cho đối tượng chịu tác động. Tôi cho rằng, người đứng đầu mỗi cơ quan đơn vị phải là người tích cực, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm thì sẽ phát huy được cái chung và hiệu quả, mục tiêu đặt ra.

Nhiệm kỳ của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là 5 năm, đây là khoảng thời gian dài và nhiều lĩnh vực cần mổ xẻ. Trong phạm vi thời gian có hạn, tôi chỉ kiến nghị một số giải pháp sau trong nhiệm kỳ mới:

1. Xây dựng chủ trương đường lối, pháp luật, chính sách sát với thực tiễn để phát triển.

2. Thực hiện đúng pháp luật và những gì đã đặt ra, nếu chưa phù hợp phải điều chỉnh ngay.

3. Thực sự trân trọng phát triển nhân tố con người, bản sắc văn hoá tinh thần, lòng tự hào, tự tôn dân tộc.

Theo BTNO

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây