Năm 2014: Tây Ninh phát triển kinh tế tập thể, góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, ổn định xã hội

Thứ sáu - 03/04/2015 15:00 37 0
Tính đến năm 2014, toàn tỉnh hiện có 1.746 tổ hợp tác với 59.164 thành viên và 93 hợp tác xã, thu hút 43.863 thành viên.

Các Hợp tác xã hoạt động nhiều lĩnh vực như nông nghiệp; thủy lợi; công thương; giao thông vận tải; tín dụng; vệ sinh môi trường. Riêng Tổ hợp tác chủ yếu hoạt động trên các lĩnh vực nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và dịch vụ thủy lợi) và lĩnh vực phi nông nghiệp (làm thủ công mỹ nghệ, gò nhôm, sản xuất bánh tráng ...).

Đa số các Tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh là tổ vay vốn cho tổ viên phát triển sản xuất. Doanh thu bình quân của 01 Tổ hợp tác trong năm 2014 ước đạt 260 triệu đồng. Lợi nhuận bình quân 34 triệu đồng/Tổ hợp tác. Thu nhập trung bình của thành viên Tổ hợp tác là 2,5 triệu đồng/ tháng.

Doanh số hàng hóa, dịch vụ của các Hợp tác xã, Quỹ tín dụng trong năm 2014 đạt 1.220 tỷ đồng, tăng 2,87% so với cùng kỳ năm 2013, đạt 112,4% so kế hoạch năm 2014. Lợi nhuận bình quân năm 2014 của 01 HTX ước đạt 156 triệu đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2013. Thu nhập bình quân của người lao động làm việc thường xuyên trong Hợp tác xã đạt 4 triệu đồng/tháng tăng 6,66% so với cùng kỳ năm 2013.

Thông qua việc quán triệt, triển khai Luật Hợp tác xã năm 2012 và các văn bản có liên quan, nhận thức của các cấp uỷ đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân có bước chuyển biến, nhiều nơi đã hiểu biết rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng quản lý nhà nước về kinh tế tập thể ở địa phương, nắm vững hơn về mô hình Tổ hợp tác, Hợp tác xã kiểu mới. Nhiều Hợp tác xã tổ chức tốt hoạt động hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên, cung ứng vật tư, giống, thực hiện phòng trừ sâu bệnh và chăm sóc cây trồng. Hợp tác xã chủ động liên kết với các doanh nghiệp để giúp thành viên về nguồn giống, kỹ thuật cũng như cách chăm sóc, tăng vụ và bao tiêu sản phẩm. Các Hợp tác xã đã tạo động lực thúc đẩy kinh tế hộ thành viên phát triển thông qua các dịch vụ hỗ trợ.

Bên cạnh các hoạt động chủ yếu là phục vụ các nhu cầu kinh tế, đời sống của thành viên, hộ thành viên, các Tổ hợp tác, Hợp tác xã còn tạo ra lượng sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ không nhỏ để đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của xã hội và xuất khẩu.

Ngoài ra, với vai trò mang lại lợi ích kinh tế cho các thành viên, các Tổ hợp tác, Hợp tác xã góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, ổn định xã hội, là nhân tố không thể thay thế, góp phần đề cao tinh thần tương thân tương ái, vì cộng đồng, bảo đảm an sinh xã hội, là một trong những yếu tố quan trọng, góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

LN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây