Qua 3 năm triển khai áp dụng hiệu quả mô hình này, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục yêu cầu các tỉnh duy trì mô hình VNEN ở cấp THCS.
Học sinh Trường Tiểu học Trần Phú học tập theo mô hình VNEN. |
Theo đó, năm học 2015 – 2016, thành phố Tây Ninh có 3 trường THCS áp dụng thí điểm mô hình VNEN, gồm: THCS Nguyễn Thái Học, THCS Võ Văn Kiệt và THCS Chu Văn An với 4 lớp ở khối lớp 6.
Học sinh tham gia học mô hình VNEN được học theo bộ sách “Hướng dẫn học lớp 6 theo mô hình trường học mới” do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành, gồm 8 môn học: Toán, Khoa học tự nhiên (tích hợp Vật lý, Hóa học, Sinh học), Khoa học xã hội (tích hợp Lịch sử, Địa lý), Ngữ văn, Giáo dục công dân, Công nghệ, Tin học và Hoạt động giáo dục.
Để áp dụng hiệu quả mô hình này, yêu cầu giáo viên phải thiết kế bài dạy và tổ chức dạy học phù hợp nhận thức và nhu cầu từng đối tượng học sinh ở từng khối lớp; tổ chức học theo nhóm, lấy học sinh làm trung tâm, luôn phát huy sáng tạo, linh hoạt trong dạy học nhằm tạo sự kích thích, hứng thú học tập của học sinh.
Bên cạnh đó, dưới dự hướng dẫn của giáo viên, học sinh cùng nhau tự học, tự quản, tự đánh giá, từ đó dần hình thành và phát triển tính cách phù hợp với các mục tiêu giáo dục, nhân văn.
Tại thành phố Tây Ninh, từ năm học 2012-2013 đến nay đã có 5 trường tiểu học áp dụng mô hình VNEN, gồm: Ngô Quyền, Nguyễn Du, Duy Tân, Trần Phú và Võ Trường Toản.
Mô hình này được ngành giáo dục đánh giá là phương pháp dạy và học tiên tiến, phù hợp với mục tiêu đổi mới cũng như đặc điểm giáo dục tại Việt Nam; góp phần làm thay đổi tư duy trong dạy và học ở các nhà trường hiện nay, từng bước đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Theo BTNO