Nguyễn Thị Bé - người nữ anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Thứ năm - 23/07/2015 09:00 163 0
Chị Nguyễn Thị Bé, sinh năm 1944 tại xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh, trong một gia đình nông dân nghèo có 9 người con đa số đều tham gia cách mạng.

Với tuổi trẻ năng động nhiệt tình, chị sớm có ý thức trách nhiệm, không nỡ ngồi nhìn quê hương bị bom cày, đạn xới của bọn giặc tàn bạo. Nhân được mời dự họp thanh niên ở xã, chị có dịp bày tỏ suy nghĩ. Biết chị có nhiều tâm huyết, cán bộ xã liên hệ với gia đình và được sự đồng ý. Tháng 2/1961, từ một cô thợ may, chị chính thức tham gia cách mạng và được tổ chức phân công phụ trách phong trào thanh niên ở xã. Công tác thanh niên đối với chị rất phù hợp. Chị biết cảm hóa lòng người, cụ thể là có tên lính dân vệ trước đây từng theo đuổi chị được chị cảm hóa đã bỏ súng trở về với nhân dân. Hàng đêm chị đột nhập vào ấp chiến lược dùng loa phóng thanh kêu gọi binh lính ngụy ra đầu hàng và cho chúng đâu là chính nghĩa. Lúc bấy giờ, cái tên Hai Bé hay Bé Hai đã trở thành nỗi lo âu của giặc. Mỗi lần nghe tiếng của chị, chúng bắn xối xả để thị uy, nhưng chị không khiếp sợ. Có những lúc giặc tung tin chị bị bắt, bị giết để gia đình lo sợ khuyên chị trở về, đồng thời cho đồng đội của chị nao núng tinh thần.

 Bọn giặc rất căm thù chị, đúng hơn là căm thù cái tên của chị, vì chúng có biết mặt chị bao giờ đâu. Thế nên, những lần đi càn quét gặp ai tên là Bé là chúng bắt ngay. Hiện nay ở Phước Đông có chị tên Bé hồi đó bị chúng bắt giam gần 20 ngày.

Năm 1961, chị được kết nạp vào Đoàn, tháng 8-1963 chị được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1963 chị được cử làm Bí thư xã đoàn. Năm 1967, chị được đề cử vào Thường vụ Huyện đoàn. Có lần chị bị địch bắt trong lúc có tài liệu học Nghị quyết, chị nhanh trí nhai nuốt vào bụng, nên không có bằng chứng. Tên quận trưởng ngụy gặng hỏi: Bé, mày muốn sống hay muốn chết ? Muốn ở Gò Dầu hay Côn Đảo? chị thản nhiên trả lời không do dự: Con chó nó còn muốn sống huống chi con người. Nhưng phải sống ở nơi nào không còn tiếng bom đạn của giặc Mỹ kìa. Biết không lay chuyển được, chúng nhốt chị vào nhà giam. Không điều tra được gì ở chị và không bắt được quả tang nên chúng đành thả chị ra.

Năm 1966, trong lúc làm nhiệm vụ, chị bị chúng bắt. Bọn Mỹ đem chị về Củ Chi. Chị thay tên Hạnh, mồ côi cha mẹ phải đi ở đợ, chủ bắt ra đồng cắt cỏ cho trâu bò ăn. Nhưng chúng vẫn tình nghi, đánh đập và tra tấn dã man. Chúng bắt chị nằm ngửa xuống đất rồi để điếu thuốc lá đang cháy lên rốn chị. Cháy hết nửa điếu thuốc rốn chị sưng đỏ, mình mẩy co giật nhưng chị vẫn quyết định không khai một lời. Biết chị là dân Tây Ninh nên sau đó chúng đưa chị về nhà giam của tỉnh. Ở đây, chúng bắt chị chào cờ và hát quốc ca, nhưng chị nhất định từ chối. Sau hơn 20 ngày, chúng đành phải thả chị ra. Bọn Ngụy ở Gò Dầu nghe tin chị bị Mỹ bắt giải về Tây Ninh, chúng tức tốc báo chị là tên nữ Việt cộng đáng sợ thì chị đã về đến Thạnh Đức lâu rồi. Gia đình phải bặt tin chị một thời gian để giữ bí mật.

Tháng 3/1968, mẹ của chị qua đời sau khi sanh đứa con út được 2 ngày. Là chị lớn trong gia đình, chị không cam lòng nhìn cảnh người cha già nuôi con nhỏ. Nợ nước, tình nhà làm chị khó xử, bên ngoài bọn mật thám rình rập theo dõi, bên trong lòng chị như đứng trước hai ngã đường chị biết về đâu? Vì thế chị phải trải qua một cuộc đấu tranh tư tưởng vô cùng gay gắt. Cuối cùng chị quyết định giao việc nhà cho đứa em kế quán xuyến. Dù rất đau buồn, nhưng phải đành lòng vì cách mạng đang cần chị, chị tự nghĩ: "Nước nhà có yên thì gia đình mới có hạnh phúc". Cũng trong thời gian này, chị cùng đồng đội gài trái  tiêu diệt  09 tên Mỹ.

Năm 1969, tình hình chiến sự vô cùng căng thẳng, một số đơn vị phải chuyển địa điểm về Hố Bà Tây để củng cố lực lượng. Riêng đơn vị của chị vẫn bám lại vùng ven với khẩu hiệu "Quyết tử giữ Gò Dầu" và tiếp tục đưa phong trào nổi dậy. Chị cùng đồng đội chiến đấu buộc quân Mỹ - ngụy phải co cụm trong đồn bót và bảo vệ căn cứ.

Tháng 2/1970, Bí thư xã Thanh Phước hy sinh, chị Bé được cử lên thay, đồng thời phụ trách trực tiếp lực lượng vũ trang. Lúc này, Mỹ - ngụy mở chiến dịch Bình Định, biến bên ngoài ấp chiến lược thành vành đai trắng. Tình hình hết sức gay go phức tạp. Một hôm chị cùng đồng chí đang ở dưới hầm bí mật, bị địch phát hiện nhưng trong tay chỉ còn một trái lựu đạn và khẩu súng AK. Với lòng dũng cảm thà hy sinh chứ nhất định không để bị giặc bắt. Chị cùng đồng đội bật nắp hầm ném lựu đạn, dùng súng AK bắn xối xả vào bọn giặc diệt tại chỗ 3 tên, bị thương 2 tên, chị cùng đồng đội rút lui an toàn.

Tháng 2/1971, chị Bé cùng các cán bộ chủ chốt họp bàn kế hoạch đột ấp, phá kìm theo chỉ đạo của cấp trên. Sau 3 lần đột ấp, chị cùng đồng đội bắt sống 3 tên, thu 5 súng. Đặc biệt đột nhập lần thứ 3 bắt được tên Âu, Phó chủ ấp - một tên ác ôn khét tiếng.

Sau hiệp định Paris năm 1973, giặc lại mở trận càn, từ mờ sáng 4 chiếc xe tăng càn vào làng có pháo binh bắn yểm trợ, đơn vị của chị phối hợp với lực lượng chống trả quyết liệt để giữ làng. Trong lúc chiến đấu, chị bị trọng thương, đồng đội đưa chị về tuyến sau điều trị nhưng chị xin ở lại chiến đấu với anh em. Trong lúc vết thương quá nặng biết mình không thể sống nổi, chị vẫn lạc quan thản nhiên nói với đồng đội đang săn sóc mình: "Tôi không sao đâu, các anh đừng bận tâm, hãy dồn sức mà lo cho trận đánh, đừng bỏ lỡ cơ hội". Nhờ sự cổ vũ động viên của chị Bé, các chiến sĩ đã tiếp tục chiến đấu diệt 12 tên giặc và bắn cháy 4 xe tăng, buộc chúng phải tháo chạy. Chị hy sinh khi bào thai trong bụng mới vừa 4 tháng.

Sự hy sinh của chị Nguyễn Thị Bé đã làm cho đồng đội bùi ngùi thương tiếc, nhân dân vô cùng thương mến. Trong 12 năm chiến đấu, chị tham gia đánh 29 trận, dù ở cương vị nào chị cũng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ với thành tích: Giải tán 01 trung đội phòng vệ dân sự; làm hàng trăm trái gài tự tạo; vận động nhân dân vót hàng ngàn chông tre cắm xung quanh căn cứ; bắt sống 03 tên giặc, tịch thu 05 súng; diệt 18 tên giặc, 9 tên Mỹ, 01 tên chiêu hồi ác ôn, 01 tên Phó chủ ấp. Được tặng 05 bằng khen, 03 huy hiệu "Dũng sĩ diệt Mỹ", 01 huy hiệu "Dũng sĩ diệt xe tăng". Với sức trẻ nhiệt tình được trui rèn trong ngọc lửa cách mạng, chị Nguyễn Thị Bé đã dũng cảm hy sinh làm rạng rỡ quê hương Tây Ninh trung dũng kiên cường.

Chị được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang ngày 20/12/1994.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây