Nguyễn Thị Thu Trang – khắc tinh của Mỹ ngụy

Thứ tư - 22/07/2015 17:00 131 0
Đội biệt động mật thị trấn Trảng Bàng được thành lập vào tháng 2/1968, và phân công đồng chí Nguyễn Thu Hà (bí danh Thanh Thuỷ, tức Bảy Thủy) là cán bộ Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Tây Ninh vừa được tăng cường về Trảng Bàng phụ trách.

Ngoài quyết định phân công nhiệm vụ phụ trách Đội Biệt động, bên cạnh đồng chí Thu Hà không có đồng đội hỗ trợ để trao đổi bàn bạc phương án xây dựng lực lượng, tổ chức đánh địch… Xác định đây là nhiệm vụ vừa vinh quang vừa rất nặng nề, sau nhiều đêm suy nghĩ, với bản lĩnh chính trị vững vàng của một cán bộ tuyên huấn và là người sinh ra và lớn lên ở An Tịnh, Trảng Bàng đồng chí đã nhanh chóng tìm ra phương thức hoạt động phù hợp với điều kiện hiện tại, vừa tổ chức xây dựng lực lượng, vừa đảm bảo hoạt động an toàn trong lòng địch. Đồng chí đã xây dựng cơ sở từ không đến có, từ ít đến nhiều, từ trong thân nhân, bạn bè. Đối tượng chính là tầng lớp thanh niên học sinh, lớp nghèo thành thị, trong đó lực lượng nòng cốt là thanh niên học sinh, đội viên đầu tiên là Nguyễn Thị Kiều (tức Nguyễn Thị Thu Trang) sinh năm 1951, quê xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh,

Sau 4 tháng tích cực chuẩn bị xây dựng lực lượng, vào tháng 6/1968 Đội Biệt động thị trấn Trảng Bàng quyết định đánh trận mở màn để rút kinh nghiệm. đối tượng được chọn để tiêu diệt là bọn công an chìm chuyên lùng sục, bắt bớ cán bộ hoạt động mật của ta. Trận đánh do đồng chí Nguyễn Thị Kiều thực hiện. Theo kế hoạch, cùng lúc với quả mìn do đồng chí Kiều đặt phát nổ sẽ nhử bọn Quận trưởng Ngô ác ôn, trưởng chi cảnh sát và số sĩ quan trên quận xuống thị sát, ta sẽ cho nổ tiếp trái thứ 2 diệt bọn này. Đúng như dự đoán, 3 xe jeep chở bọn sĩ quan cùng với bộ binh từ trên dinh quận kéo xuống, khi chúng lọt vào tầm trái của ta, đồng chí Trương Thị Ngọc Thiện ấn công tắc không được, dùng tay chà, bấm cũng không xong, địch đi qua rồi vòng về an toàn. Trái không nổ do tổ chôn trái không đảm bảo kỹ thuật.

Tháng 8/1968, Đội Biệt động quyết định đánh trận thứ 3 vào tiệm cà phê Uyển Viên bằng mìn hẹn giờ, nhằm tiêu diệt bọn bình định - cảnh sát thường tu tập uống cà phê ở đây rất đông.Trận đánh này do đồng chí Nguyễn Thị Kiều trực tiếp thực hiện. Đánh ba trận phối hợp bằng cách gài trái, đánh mìn hẹn giờ tuy chưa thu được thắng lợi, nhưng toàn Đội không nản chí. Sau khi họp rút kinh nghiệm, Đội Biệt động quyết định đánh trận tiếp theo tại tiệm cháo lòng Thanh Tùng, ngoài ra đồng chí Nguyễn Thị Kiều còn phối hợp với đồng chí Út Nghét diệt tên Dễ chiêu hồi chỉ điểm ở xã An Tịnh.

Từ cuối năm 1969, địch đánh phá ác liệt, gây khó khăn cho lực lượng cách mạng, nhiều đồng chí họat động mật bị lộ phải chuyển vào cứ, có đồng chí chuyển đơn vị khác. Đồng chí Nguyễn Thị Kiều (tức Nguyễn Thị Thu Trang) bị lộ chuyển về I4 (lực lượng mật Sài Gòn- Gia Định) vào đầu năm 1970.

 Từ  năm 1970 và 1971, đồng chí Nguyễn Thị Thu Trang hoạt động ở Sài Gòn, tuy giặc kiểm soát gắt gao, nhưng đồng chí vẫn gầy dựng được cơ sở và tổ chức một nhóm thanh niên cùng tham gia chiến đấu. Đồng chí Nguyễn Thị Thu Trang đã chỉ huy tổ đánh 8 trận, trận nào cũng dũng cảm, mưu trí, táo bạo, bất ngờ. Riêng cá nhân đồng chí đã tiêu diệt 150 tên giặc, hầu hết là Mỹ và sĩ quan ngụy.

Ngày 8/4/1971, Nguyễn Thị Thu Trang tổ chức đánh khách sạn Mỹ Phụng (đường Bạch Đằng, Sài Gòn). Nơi đây bị đánh nhiều lần nên bọn chúng cảnh giới rất chặt chẽ, nghiêm ngặt. đồng chí Nguyễn Thị Thu Trang cùng một đồng đội cải trang vào khách sạn đặt mìn đánh địch. Đồng chí yêu cầu đồng đội rút trước an toàn, đồng chí ra sau để nếu có bị lộ thì cho mìn nổ ngay, sẵn sàng hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ. Trận đánh này, đồng chí Nguyễn Thị Thu Trang đã diệt được 40 tên Mỹ và rút khỏi khách sạn an toàn.

Ngày 16/8/1971, đồng chí Nguyễn Thị Thu Trang nhận được mệnh lệnh khẩn cấp của cấp trên là phải tiêu diệt cho được mục tiêu là Nha cảnh sát Sài Gòn. Trong khi mục tiêu này giặc canh phòng rất cẩn mật, nhưng đồng chí vẫn khắc phục mọi khó khăn cải trang vào đặt mìn ở Nha cảnh sát ngụy Sài Gòn, diệt 11 tên sĩ quan cảnh sát ác ôn.

Ngày 15/9/1971, lợi dụng lúc chính quyền Sài Gòn đang chuẩn bị tổ chức bầu cử Tổng thống, đồng chí đã mưu trí, táo bạo lọt vào khách sạn Tự Do (gần hội trường Quốc hội ngụy) diệt 90 tên.

Từ năm 1972, đồng chí được Đảng và Nhà nước bố trí đưa ra miền Bắc học tập. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (ngày 30/4/1975), đất nước thống nhất, đồng chí được trở về công tác cơ quan chính trị thuộc Bộ Tư lệnh thành phố Hồ Chí Minh và luôn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất An Tịnh giàu truyền thống cách mạng, đồng chí Nguyễn Thị Thu Trang đã nêu tấm gương sáng về tinh thần gan dạ, mưu trí, tích cực đánh địch và lập nhiều thành tích xuất sắc…. xứng đáng là con cháu Bà Trưng, Bà Triệu.

Với công lao, thành tích vẻ vang của mình, đồng chí được tặng thưởng 01 Huân Chương Chiến công giải phóng hạng nhì, 01 Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba, 3 lần là Dũng sĩ và được tặng 3 bằng khen. Ngày 6/11/1978, đồng chí được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây