Những điểm mới trong Luật bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND năm 2015

Thứ ba - 16/02/2016 16:00 68 0
Ngày 24.11.2015, Quốc hội đã thông qua Ngày bầu cử quốc gia. Theo đó, ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 được ấn định vào ngày 22.5.2016.

 

Cử tri Châu Thành bỏ phiếu bầu cử. Ảnh minh hoạ

Quy định trong Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015 có những điểm mới so với Luật bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND năm 2010, xin giới thiệu những điểm mới cơ bản, trọng tâm của vấn đề:

Luật bầu cử Đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015 quy định quyền quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử ĐBQH, bầu cử đại biểu HĐND các cấp; quyết định việc bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội trong thời gian giữa nhiệm kỳ; quyết định thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia là thẩm quyền của Quốc hội thay vì Ủy ban Thường vụ Quốc hội như trước đây; ngày bầu cử phải là ngày chủ nhật và được công bố chậm nhất 115 ngày trước ngày bầu cử (Luật cũ là 105 ngày). Việc tăng thêm 10 ngày nhằm tạo điều kiện về thời gian chuẩn bị và tiến hành các trình tự bầu cử được thuận lợi hơn, nhất là đảm bảo các bước trong quy trình hiệp thương được tốt hơn.

Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND năm 2015 quy định Hội đồng bầu cử quốc gia do Quốc hội thành lập có nhiệm vụ tổ chức bầu cử ĐBQH; chỉ đạo, hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu HĐND các cấp. (Luật cũ gọi là Hội đồng bầu cử ở Trung ương do Uỷ ban thường vụ Quốc hội thành lập) 

 Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND năm 2015 quy định số lượng người dân tộc thiểu số được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Uỷ ban thường vụ Quốc hội dự kiến, trên cơ sở đề nghị của Hội đồng dân tộc của Quốc hội, bảo đảm có ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số.

Số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Uỷ ban thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội LHPN Việt Nam, bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ.

Khoản 5, Điều 29 Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND năm 2015 quy định: Cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Về tiêu chuẩn của người ứng cử đại biểu Quốc hội đã được quy định tại Luật tổ chức Quốc hội, còn tiêu chuẩn đại biểu HĐND quy định trong Luật tổ chức chính quyền địa phương. Trên cơ sở các quy định Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các cơ quan, tổ chức, đơn vị được quyền giới thiệu người ra ứng cử cần đề cao trách nhiệm, giới thiệu những ứng cử viên tiêu biểu, có độ tuổi thích hợp, đủ tài, đủ đức để cử tri có điều kiện lựa chọn người thực sự xứng đáng làm đại biểu cho mình, bảo đảm chất lượng, từng bước nâng cao hơn nữa năng lực, trình độ của đại biểu.

Hiện tại công tác chuẩn bị nhân sự và chuẩn bị cho cuộc bầu cử đang được các địa phương gấp rút hoàn tất. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã thành lập xong Ủy  ban Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021. Các địa phương cũng đã hoàn tất việc giới thiệu nhân sự tham gia ứng cử, đồng thời tiến tới tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất.

 

Theo BTNO


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây