Phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo chuẩn của tỉnh dưới 1%

Thứ sáu - 20/09/2013 00:00 54 0
Sở LĐ-TB&XH đang trình UBND tỉnh xem xét dự thảo Kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2013-2015.

 

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhất là hộ nghèo có người khuyết tật, chủ hộ là nữ. Trong ảnh, công nhân nữ làm việc tại một lò gạch ở xã Trí Bình, huyện Châu Thành.

Sở LĐ-TB&XH đang trình UBND tỉnh xem xét dự thảo Kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2013-2015. Mục tiêu cụ thể là giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân chung 2%/năm. Phấn đấu đến năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh theo chuẩn Trung ương còn dưới 2%; tỷ lệ hộ nghèo chuẩn của tỉnh dưới 1%.

Đối tượng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2013-2015 là hộ nghèo, người thuộc hộ nghèo chuẩn Trung ương; ưu tiên người nghèo là người dân tộc thiểu số, người cao tuổi, người khuyết tật, phụ nữ và trẻ em, người nghèo thuộc gia đình chính sách có công với cách mạng, người nghèo thuộc xã biên giới; Hộ cận nghèo, người thuộc hộ cận nghèo chuẩn Trung ương; Hộ nghèo, người thuộc hộ nghèo chuẩn nghèo của tỉnh.

 Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả tỉnh; ưu tiên nguồn lực của Chương trình đầu tư trên địa bàn trọng điểm sau: xã biên giới; xã khó khăn của tỉnh; ấp (khu phố) vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Về chính sách hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo, thực hiện đầy đủ chính sách đào tạo nghề theo quy định của Chính phủ, dạy nghề gắn với tạo việc làm đối với lao động nông thôn, lao động là người nghèo, dân tộc thiểu số.

Bảo đảm tỷ lệ lao động qua đào tạo, dạy nghề đạt 60% tổng số lao động xã hội, trong đó dạy nghề đạt 45%. Tạo điều kiện giải quyết việc làm bình quân hàng năm 20.000 lao động. Số lao động được học nghề là 19.800, trong đó số lao động nghèo được tham gia học nghề là 5.940 người, chiếm tỷ lệ 30%. Kinh phí dự kiến thực hiện là 67 tỷ đồng, trong đó: ngân sách Trung ương 54 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 13 tỷ đồng.

Chương trình giải quyết việc làm góp phần giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2013 – 2015 cũng đã bố trí 174,2 tỷ đồng, trong đó: vốn trung ương bổ sung mới hàng  năm 14,07 tỷ đồng, ngân sách tỉnh bổ sung mới 10,35 tỷ đồng; vốn vay quay vòng từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh giai đoạn 2013 – 2015 là 150 tỷ đồng.

Về chính sách ưu đãi tín dụng đối với hộ nghèo, tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhất là hộ nghèo có người khuyết tật, chủ hộ là nữ; tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng. Gắn vay vốn tạo việc làm tại chỗ với hướng dẫn cách làm ăn, khuyến công, khuyến nông và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, phát triển ngành nghề.

Dự kiến, tổng doanh số cho vay đối với hộ nghèo giai đoạn 2013-2015 là 390 tỷ đồng; Tổng dư nợ cho vay hộ nghèo đến cuối năm 2015 là 320 tỷ đồng; Tổng doanh số cho vay đối với hộ cận nghèo trong 3 năm 2013-2015 dự kiến là 150 tỷ đồng; Tổng dư nợ cho vay hộ cận nghèo đến cuối năm 2015 là 150 tỷ đồng.

Về chính sách hỗ trợ về giáo dục và đào tạo, thực hiện có hiệu quả chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ học bổng, trợ cấp hỗ trợ chi phí học tập đối với học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ nghèo theo chuẩn nghèo của tỉnh; học sinh, sinh viên các xã biên giới của tỉnh. Kinh phí thực hiện, miễn, giảm học phí hộ nghèo là 16,8 tỷ đồng (ngân sách Trung ương); hộ cận nghèo là 14,7 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 50% và ngân sách tỉnh 50%); Hỗ trợ chi phí học tập 12,5 tỷ đồng (ngân sách Trung ương), hộ cận nghèo được hỗ trợ chi phí học tập 7,8 tỷ đồng (ngân sách tỉnh), hộ nghèo của tỉnh được hỗ trợ 3,7 tỷ đồng (ngân sách tỉnh).

Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ tiền điện đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo chuẩn Trung ương và hộ nghèo theo chuẩn nghèo của tỉnh. Số hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện là 19.804 hộ, số hộ cận nghèo được hỗ trợ tiền điện là 17.311 hộ, số hộ nghèo theo chuẩn nghèo của tỉnh được hỗ trợ tiền điện là 8.338 hộ. Kinh phí thực hiện cho hộ nghèo là 7,129 tỷ đồng (từ ngân sách Trung ương); hộ cận nghèo là 4,154 tỷ đồng (từ ngân sách tỉnh); hộ nghèo chuẩn nghèo của tỉnh 2,001 tỷ đồng (từ ngân sách tỉnh).

Thực hiện có hiệu quả chính sách cấp thẻ BHYT cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ người thuộc hộ nghèo theo chuẩn nghèo của tỉnh mua thẻ BHYT; đảm bảo đúng đối tượng theo chính sách quy định. Ước số người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được cấp thẻ BHYT trong giai đoạn 2013-2015 là 103.500 người.

Trong đó, người thuộc hộ nghèo có 49.250 người, người thuộc hộ cận nghèo có 54.250 người; Số người thuộc hộ nghèo theo chuẩn nghèo của tỉnh có 6.000 người. Kinh phí thực hiện cho hộ nghèo và hộ cận nghèo là 58,684 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách trung ương 49,565 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 9,227 tỷ đồng; hộ nghèo chuẩn nghèo của tỉnh, do ngân sách tỉnh hỗ trợ 70% mệnh giá mua thẻ bảo hiểm y tế là 3,402 tỷ đồng.

Gắn vay vốn tạo việc làm tại chỗ với hướng dẫn cách làm ăn… Trong ảnh, một gia đình sống bằng nghề chài lưới ven sông Vàm Cỏ.

 Hỗ trợ về nhà ở theo Chương trình 167 giai đoạn II và nhà đại đoàn kết cho 4.755 hộ nghèo và cận nghèo có khó khăn về nhà ở. Kinh phí thực hiện dự kiến khoảng 190 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương khoảng 49,6 tỷ; vốn ngân sách địa phương và vốn huy động khác 140,4 tỷ đồng.

Hỗ trợ người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các dịch vụ trợ giúp pháp lý. Nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ nghèo theo chuẩn nghèo của tỉnh; tăng cường trợ giúp pháp lý, tạo điều kiện để những đối tượng này tiếp cận các hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí của nhà nước. Kinh phí thực hiện dự kiến khoảng 300 triệu đồng (ngân sách tỉnh chi hàng năm cho Trung tâm trợ giúp pháp lý)…

Tiếp tục thực hiện Quyết định số 407/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án "Bố trí, sắp xếp ổn định 03 khu dân cư biên giới Bắc Tây Ninh giai đoạn 2008 - 2012". Trong giai đoạn 2013-2015, đảm bảo hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng cho khoảng 300 hộ  nghèo bị mất đất sản xuất, có hoàn cảnh khó khăn và hộ nghèo không có đất sản xuất trên địa bàn tỉnh ở các Khu dân cư biên giới Chàng Riệc, huyện Tân Biên và Khu dân cư Sài Gòn 2, huyện Tân Châu. Kinh phí thực hiện hỗ trợ mỗi hộ nghèo 420 triệu đồng (01 căn nhà trị giá 70 triệu đồng, 01 ha đất sản xuất trị giá 350 triệu đồng). Tổng kinh phí khoảng 126 tỷ đồng.

Thực hiện đảm bảo đúng quy định, kịp thời các chế độ, chính sách trợ giúp cho các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh. Ước tính số đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp xã hội tăng hàng năm khoảng 15% (theo số đối tượng bảo trợ xã hội năm 2012 so với năm 2011), đến năm 2015, sẽ có khoảng 33.000 đối tượng bảo trợ xã hội sẽ được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Kinh phí thực hiện khoảng trên 260,534 tỷ đồng…

Theo BTNO

 

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây